Đăk Nông: Tích cực vận động xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND
08:54 - 23/07/2024
(Quỹ HTND) - Với việc đưa nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến bà con, Hội Nông dân còn khẳng định vai trò của Hội trong cán bộ và hội viên, là chỗ dựa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia đoàn thể. Qua đó, hoạt động của mạng lưới Hội tại cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả tập hợp nông dân.

Có vốn vay ưu đãi từ Quỹ HTND tỉnh, nhiều hộ trồng sầu riêng trên địa bàn có vốn tái đầu tư sản xuất


Thời gian qua là được sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền, ngân sách tiếp tục bổ sung cho quỹ HTND tỉnh và huyện để xây dựng nguồn quỹ theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.


Công tác vận động Hội viên, nông dân đóng góp theo chỉ tiêu đầu năm được triển khai tích cực. Nguồn vốn Quỹ HTND đã tiếp tục hỗ trợ cho nông dân được vay vốn kịp thời, giải quyết việc làm thường xuyên và tạo việc làm thời vụ; đặc biệt giúp nhiều hội viên khó khăn không có thế chấp được tín chấp vay vốn, giảm tình trạng vay nặng lãi. 


Tính đến 30/5/2024, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 65,823 tỷ đồng (trong đó Quỹ HTND TW uỷ thác là 10,940 tỷ đồng, Quỹ HTND cấp tỉnh là 22,623 tỷ đồng, Quỹ HTND cấp huyện là 32,260 tỷ đồng). 


Mức tăng trưởng Quỹ HTND đạt 1,632 tỷ đồng; trong đó nguồn Quỹ HTND Trung ương ủy thác mới là 450 triệu đồng, số vốn Quỹ HTND cấp tỉnh tăng trưởng là 382 triệu đồng, số vốn Quỹ HTND cấp huyện tăng trưởng là 859 triệu đồng. Tổng số vốn tăng trưởng ngoài ngân sách 6 tháng đầu năm là 441 triệu. 


Nguồn quỹ HTND trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi 11 dự án với tổng số tiền là 4,6 tỷ đồng của 103 hộ vay; tỷ lệ thu gốc và lãi đạt 100%; thực hiện giải ngân 9 dự án, với tổng số tiền là 4,5 tỷ đồng, cho 105 hộ vay. 


Nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân hợp tác phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, và xây dựng nông thôn mới, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân các cấp. 


Công tác phối hợp, triển khai các chương trình tín dụng từ nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT được thực hiện chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. 


Tính đến tháng 6 năm 2024, Hội Nông dân tỉnh nhận ủy thác từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách và Xã hội cho vay đạt 1.154,776 tỷ đồng; cho 19.334 lượt hộ vay; với 413 tổ TK&VV, thực hiện 15 chương trình tín dụng cho vay, 100% tổ TK&VV được ủy nhiệm thu lãi. Nợ quá hạn là 1,035 tỷ đồng, chiếm 0,09% tổng dư nợ. 


Thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã giao Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân chủ trì tham mưu xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND tỉnh Đắk Nông theo Nghị Định 37. Thực hiện lấy ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành,UBND các huyện/thành phố để hoàn thiện trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tháng 9 năm 2024. 


Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Qũy Hỗ trợ nông dân Trung ương tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ huyện, và cơ sở về thực hiện Nghị Định 37/2023/NĐ-CP của Chính Phủ và công tác xây dựng quản lý điều hành Qũy Hỗ trợ nông dân; nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng Chương trình phối hợp với Ngân hàng CSXH. Đồng thời kiểm tra các hộ vay vốn và quản lý, điều hành Qũy Hỗ trợ Nông dân tại xã Quảng Tâm huyện Tuy Đức. Qua công tác kiểm tra các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. 


Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng hành cùng các cấp tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất, phát triển các mô hình, dự án quy mô lớn. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Từ đó, nông dân từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, phù hợp với xu thế tình hình mới. 
Thanh Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường