Nam Định: Nguồn vốn Quỹ HTND giúp phát triển kinh tế hộ
08:55 - 24/07/2024
(Quỹ HTND) – Trong những năm qua, để người nông dân có thêm tư liệu sản xuất, Hội không chỉ chú trọng vào việc định hướng phát triển cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng cũng như khả năng làm kinh tế của hội viên mà còn “tạo đà”, thêm sức bật bằng nguồn vốn hỗ trợ nông dân, kí kết phối hợp với các ngân hàng để hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi đầu tư.
Mô hình nuôi ngao từ nguồn vốn vay Quỹ HTND giúp nhiều hộ dân trong tỉnh có thu nhập khá


Thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân”. Sáu tháng đầu năm các cấp Hội tổ chức vận động tăng trưởng 1,259 tỷ đồng, trong đó có 0,865 tỷ đồng từ nguồn ngoài ngân sách.


Tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các cấp quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đảm bảo an toàn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh hiện đang quản lý là 37 tỷ 949 triệu đồng cho vay 335 dự án với tổng số hộ vay là 1.523 hộ. Trong đó: Nguồn TW Hội ủy thác 15,9 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh 4,6 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND huyện 8 tỷ 889 triệu đồng; Nguồn vốn do HND xã vận động 8 tỷ 56 triệu đồng.


Để hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến 31/5/2024, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định và chi nhánh Bắc Nam Định là 12.573 tỷ đồng cho 54.273 hộ vay thông qua 1.670 tổ vay vốn. Dư nợ từ Ngân hàng CSXH 1.714 tỷ đồng, thông qua 1.112 tổ TK&VV, cho 38.730 hộ vay.


Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, giai đoạn 2021-2023. Phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh lựa chọn 04 cán bộ Hội tham gia hội thi tài năng văn nghệ Ngân hàng CSXH cấp khu vực năm 2024 tại Thanh Hóa.


Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.


Kết quả, năm 2024, qua phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có 261.981 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. HND các cấp còn lựa chọn và đề cử 2 hội viên nông dân tiêu biểu tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024” gồm các ông Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) và Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội (Trực Ninh).


Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội ND trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 100 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 13 nghìn lượt hội viên, nông dân.


Bên cạnh đó, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận và đạt chuẩn OCOP, đưa các sản phẩm đặc trưng của Nam Định tới tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy mục tiêu chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hội còn phối hợp tổ chức 20 lớp dạy nghề cho 700 lượt người; đồng thời phối hợp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 1.000 người; hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 8 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 211 mô hình với trên 2.900 thành viên tham gia.


Ngoài ra, các cấp Hội phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cách thức đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử và chuyển đổi số cho hội viên, nông dân. Phối hợp với Bưu điện tập huấn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Đến nay, các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 400 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART.


Có thể nói, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân là công cụ, điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, nông dân, xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội ở địa phương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân. 
 
Hải Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường