Quỹ HTND - Kênh vốn tiếp sức cho nông dân
17:04 - 06/07/2024
(Quỹ HTND) - Quỹ HTND là một trong những nguồn tín dụng hỗ trợ giúp hội viên, nông dân Quảng Nam phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Quỹ HTND đã trở thành địa chỉ tin cậy, trợ giúp bà con nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững



Việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND và các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới trong sản xuất đã tạo được thêm nhiều việc làm ổn định; tích cực vận động, kết nối hội viên, nông dân tham gia xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết phù hợp với từng địa phương.


Quỹ HTND tỉnh Quảng Nam được thành lập năm 1997. Qua 27 năm hoạt động, đến nay, ngoài Quỹ HTND cấp tỉnh và 18/18 địa phương cấp huyện, cả 240 cơ sở hội trên địa bàn Quảng Nam đều đã thành lập Quỹ HTND. Hiện, trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn Quỹ HTND đang triển khai thực hiện 637 dự án với tổng số vốn hơn 136,9 tỷ đồng với 3.403 hộ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.  


Các mô hình tạo việc làm cho 5.172 lao động nông thôn. Từ các dự án vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 599 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.


Đến nay, tổng dư nợ của Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt hơn 160 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác hơn 7 tỷ đồng, nguồn vốn UBND tỉnh ủy thác hơn 82,4 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện và vận động trong nông dân 36,5 tỷ đồng... 


Hội viên, nông dân trên địa bàn được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập và trở nên khá, giàu. Thông qua dự án, các hộ nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, gắn bó với nhau; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế hợp tác trong nông thôn, từng bước tạo thành vùng sản xuất có quy mô hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã tiếp sức cho hàng chục nghìn lượt hộ dân, nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.


Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp triển khai cho vay với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ; số vốn được vay tối đa đến 100 triệu đồng, các hộ vay không phải thế chấp; chu kỳ vay 36 tháng, thu phí 1 - 3 tháng/lần phù hợp với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của từng loại cây, con nên các hộ nông dân Quảng Nam yên tâm đầu tư để phát triển sản xuất.


Các cấp Hội tích cực khai thác các nguồn vốn, kịp thời giải ngân cho hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất. Nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã tập trung hướng dẫn, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế theo đặc thù và lợi thế của từng vùng.



Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn về phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.


Nhờ đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển được những mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; các mô hình vừa phát triển kinh tế hiệu quả vừa gắn với việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nhiều mô hình kinh tế khi được xây dựng và triển khai còn giúp phát huy tốt các điều kiện, lợi thế sẵn có ở địa phương. 


Những năm qua, Quỹ HTND thị xã Điện Bàn đã trở thành địa chỉ tin cậy, trợ giúp hàng trăm hộ nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương.  Đặc biệt, Quỹ ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy hiệu quả nguồn vốn.


Ngoài ra, Hội Nông dân thị xã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành của thị xã mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.


Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. 


Trước đây, gia đình ông Phạm Văn Hòa ở thôn Tân Bình, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn chỉ nuôi 5-7 con bò . Từ khi được tiếp cận vay vốn Quỹ HTND, ông đã chuyển đổi mô hình sang nuôi bò 3B cho hiệu quả kinh tế cao hơn.


Hiện gia đình ông nuôi 20 con bò mỗi lứa. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 1,5ha rau ngót và trồng thêm các loại rau sạch, ớt... Mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Từ khi Quỹ HTND huyện Núi Thành được thành lập đến nay, Ban Chấp hành Hội ND huyện luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tạo điều kiện cùng các tổ chức tín dụng khác hỗ trợ hội viên nông dân có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.


Hằng năm, Ban Chấp hành Hội ND huyện Núi Thành chú trọng việc tạo nguồn, quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, bảo tồn và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND từ huyện đến cơ sở. Tính đến nay, Hội ND huyện Núi Thành đang quản lý nguồn vốn Quỹ HTND hơn 12,7 tỷ đồng.


Hiện nay, nguồn vốn đã hỗ trợ 386 hộ vay thực hiện 20 dự án, có. Việc cho vay, thu hồi vốn đúng quy định, thời gian, mục đích và không có nợ quá hạn.


Nhìn chung, các dự án vay vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh đều phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cùng với nguồn vốn tự có, gia đình ông Lê Văn An ở thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành được Quỹ HTND huyện cho vay 50 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo phương thức thâm canh. Từ 20 con bò ban đầu, đến nay mô hình của ông An đã nhân lên 60 con và thu nhập bình quân mỗi năm đạt từ 150 triệu đồng trở lên, nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông ngày càng ổn định.


Bên cạnh đó, công tác phối hợp, triển khai các chương trình tín dụng từ nguồn vốn ủy thác của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh được các cấp Hội thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nguồn vốn tín dụng đã kịp thời hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân trong tỉnh.


 Thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của các cấp Hội trong sản xuất, kinh doanh đã giúp cho hội viên, nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ đó, hội viên, nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội ND phát động, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Việc cho vay từ nguồn vốn


Quỹ HTND đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân, xoá đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.


Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã nhanh chóng triển khai việc giải ngân để giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá, giàu. Bên cạnh đó, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cũng như đạt mức lợi nhuận cao trên cùng một đơn vị sản xuất.


Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng tốt lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện và hình thành những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản có chất lượng.


Có thể nói, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có điều kiện đầu tư cho sản xuất, duy trì và phát triển các mô hình kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Quỹ HTND tỉnh cũng đã thể hiện rõ vai trò làm điểm tựa giúp hội viên, nông dân có thêm việc làm, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo; góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

 
Nguyễn Khang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường