Quỹ HTND Hòa Bình: Hỗ trợ trên 1.500 hộ vay vốn phát triển sản xuất
(Quỹ HTND)- Triển khai Đề án 01 của Tỉnh ủy Hòa Bình về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường triển khai đổi mới, các hình thức hỗ trợ vốn tín dụng cho hội viên nông dân sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
|
Hòa Bình - đa dạng các hình thức hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân |
Sáu tháng đầu năm 2024, Quỹ HTND toàn tỉnh tăng trưởng 9,4 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn đạt gần 64 tỷ đồng, trong đó nguồn ủy thác Trung ương Hội 15,9 tỷ đồng; nguồn vốn tỉnh 19,3 tỷ đổng; nguồn vốn cấp huyện 28,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang hỗ trợ, triển khai cho vay 205 dự án cho 1.872 hộ vay trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản với tổng dư nợ trên 60 tỷ đồng.
Các dự án vay vốn Quỹ HTND thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Định kỳ, Ban quản lý dự án vay vốn Quỹ duy trì sinh hoạt tổ, nhóm trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm; hộ vay vốn được Hội Nông dân các cấp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ. Với phương châm “Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân” nhằm thu hút nhiều hội viên tham gia tổ chức Hội đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội, xây dựng Hội vững mạnh, đồng thời là cơ sở, nền tảng hình thành các mô hình kinh tế tập thể thành công để nhân rộng trên địa bàn với nhiều mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là như các dự án: Chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Thành (huyện Lạc Thủy), xã Tân Vinh và xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn), xã Tú Lý và xã Trung Thành (huyện Đà Bắc); nuôi cá lồng ỏ xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình); nuôi cá thương phẩm ở xã Xuân Thủy (huyện Kim Bôi); chăn nuôi trâu sinh sản tại thị trấn Ba Hàng Đồi (huyện Lạc Thủy), xã Cuối Hạ (huyện Kim Bôi); trồng và chăm sóc na thái ở xã Đa Phúc (huyện Yên Thủy); trồng bưởi diễn tại xã Ngọc Lương (huyện Yên Thuỷ), xã Cao Dương (huyện Lương Sơn); chăn nuôi dê sinh sản tại xã Thống Nhất (huyện Lạc Thủy); cChăn nuôi lợn bản địa lai lợn rừng tại xã Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi); trồng và chăm sóc cà gai leo tại xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thuỷ); sản xuất và tiêu thụ ớt ở xã Đú Sáng (huyện Kim Bôi)….
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng CSXH tuyên truyền các chủ trương chính sách tín dụng giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để sản xuất phát triển kinh tế, vận động hội viên nông dân thành lập các tổ vay vốn. Đến nay tổng dư nợ ủy thác Ngân hàng CSXH ủy thác cho các cấp Hội trong tỉnh đạt gần 1.300 tỷ đồng tăng 58,83 tỷ đồng so với 31/12/2023 với 634 tổ TK&VV cho 25.848 hộ vay.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với chi nhánh Agribank cùng cấp để nâng cao dư nợ cho vay qua tổ vay vốn với tổng dư nợ đến nay đạt gần 2.700 tỷ đồng tăng 54,61 tỷ đồng so với 31/12/2023 với 924 tổ vay vốn cho 24.362 thành viên là hội viên, nông dân vay vốn.
Mở rộng hoạt động phối hợp với Ngân hàng LPBank, Hội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình thỏa thuận hợp tác cho vay vốn thông qua tổ liên kết giai đoạn 2018 – 2023; giới thiệu tổ chức quy trình vay vốn và thành lập tổ vay vốn liên kết đến hội viên, nông dân. Kết quả, đến nay tổng dư nợ ủy thác qua ngân hàng LPBank đạt gần 21 tỷ đồng thông qua 92 tổ liên kết cho 670 hộ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Hỗ trợ phát triển nông thôn để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Kết quả đến nay đã cho 291 hộ vay thông qua 42 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt gần 16 tỷ đồng.
Việc đa dạng các hình thức hỗ trợ vốn tín dụng đã giúp nhiều lượt hội viên trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập, hạn chế được tình trạng hội viên vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn.