|
Nhiều mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả, tạo được không khí thi đua sôi nổi ở các vùng nông thôn, gắn kết hội viên, nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, hình thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn |
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND các cấp, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 của tỉnh, UBND tỉnh quan tâm, cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND hoạt động.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu thi đua cho các huyện, thị, thành Hội; trong đó có chỉ tiêu về xây dựng, phát triển nguồn Quỹ HTND. Trên cơ sở đó, Hội ND các huyện, thành phố, thị xã đã giao chỉ tiêu thi đua cho các cơ sở Hội và tích cực chỉ đạo thực hiện.
Sáu tháng đầu năm 2023, nhờ chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, các cấp Hội trong tỉnh đã tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 3,243 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý lên hơn 117,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh cũng đã chỉ đạo thu hồi nguồn vốn 6,4 tỷ đồng thuộc 13 dự án đến hạn. Đồng thời, tiến hành thẩm định, phê duyệt giải ngân 6,4 tỷ đồng cho 13 dự án mới tiếp tục được quay vòng đảm bảo thời vụ. Nguồn vốn vay đều được các cấp Hội quan tâm giải ngân kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng theo các dự án được phê duyệt.
Hàng năm, để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, Hội ND tỉnh luôn chú trọng công tác huy động xây dựng Quỹ, quản lý, điều hành, thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn bảo đảm thực hiện đúng các quy trình, thủ tục quy định. Đồng thời, Hội cũng sẽ lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã và đang phát huy tốt hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất ở nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi bò, dê, lươn, trồng cây ăn quả... Có thể thấy, đây là nguồn lực hết sức quan trọng giúp các cấp Hội trong tỉnh khẳng định và nâng cao vai trò trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân.
Thông qua các mô hình, dự án được triển khai đã góp phần giúp hội viên, nông dân thay đổi về nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm. Qua đó, các hộ cùng nhau tập trung nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh giúp tăng năng suất, chất lượng và thu nhập; đồng thời giải quyết việc làm cho 3.458 lao động nông thôn.
Từ sự hỗ trợ thiết thực của nguồn vốn vay Quỹ HTND các cấp cho thấy đã có tác động tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần giúp các cấp Hội tập hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân chủ động tham gia vào mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cùng phát triển.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân trong tỉnh xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh đạt hiệu quả, vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Điển hình như các mô hình: Sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao ở xã Minh Tân (huyện Lương Tài); sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả ở xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du); phát triển nghề mộc ở xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong), ở các phường Võ Cường và Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh); phát triển VAC, nuôi trồng thủy sản ở các huyện Thuận Thành, Gia Bình; phát triển nghề may công nghiệp ở thành phố Từ Sơn…
Tại một số địa phương cũng đã xuất hiện và hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, dần xây dựng được thương hiệu đặc thù cho các mặt hàng nông sản mang tính đặc trưng của vùng, có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Qua đánh giá, nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, tạo được không khí thi đua sôi nổi ở các vùng nông thôn, gắn kết hội viên, nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, hình thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn.
Tiêu biểu như: Vùng trồng cà rốt ở huyện Lương Tài; trồng khoai tây của huyện Quế Võ; trồng cây ăn quả huyện Tiên Du… Hay như việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống như: Sản xuất bánh đa nem ở xã Yên Phụ (huyện Yên Phong); sản xuất bún bánh ở phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh)... đồng thời, tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP tại các địa phương trong tỉnh.
Trong quá trình giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND, để hỗ trợ hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả lâu dài, Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp còn quan tâm phân công cán bộ theo sát dự án, tổ chức hướng dẫn, định kỳ tiến hành việc giám sát, đôn đốc quá trình sử dụng vốn vay của các hộ hội viên, nông dân.
Cùng với đó, các cấp Hội cũng tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức cung ứng hỗ trợ cho hội viên, nông dân các dịch vụ nhằm phục vụ, hỗ trợ trong sản xuất như: Cung ứng phân bón trả chậm; liên kết tiêu thụ nông sản; hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và trên các kênh thương mại điện tử…
Đáng chú ý, nhiều mô hình triển khai tốt cũng đã được các cấp Hội quan tâm, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia thành lập mô hình các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, các Hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn gắn với nguồn vốn vay Quỹ HTND. Kết quả, đã có 38 chi Hội ND nghề nghiệp và 388 tổ Hội ND nghề nghiệp được thành lập.
Từ hoạt động của các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đã tạo điều kiện để giúp các hộ sản xuất trong cùng một lĩnh vực có điều kiện được trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Các hộ hội viên, nông dân còn tích cực hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất với quy mô lớn nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Đáng chú ý, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2030" và đã được chấp thuận.
Theo đó, UBND tỉnh đảm bảo trích từ nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho Quỹ HTND từ 10 tỷ đồng trở lên/năm (giai đoạn 2021- 2025) và từ 15 tỷ đồng trở lên/năm (giai đoạn 2026- 2030). Đối với nguồn vốn cấp huyện, ngân sách huyện cấp từ 300 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm; nguồn cấp xã được ngân sách cùng cấp bổ sung từ 10 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm.
Mục tiêu của Đề án nhằm giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh thông qua vốn Quỹ HTND các cấp. Nhờ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.