Lào Cai: Khơi thông nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
15:20 - 24/08/2023
(Quỹ HNDT) - Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân trở thành một trong những kênh tín dụng quan trọng, giúp cho nông dân phát triển sản xuất. Việc sử dụng đúng mục đích vốn vay này, đã và đang phát huy hiệu quả, giúp cho nhiều hộ nông dân có thêm nguồn lực, để đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Mô hình trồng hoa Ly của bà Ngô Thị Chín tại Sa Pa mang lại hiệu quả kinh tế cao


Qua đánh giá, khi kết thúc chu kỳ vay vốn, các dự án nộp phí và vốn đúng hạn. Định kỳ hàng quý, các tổ vay vốn dự án duy trì sinh hoạt tổ với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi, học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm.


Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia, việc thực hiện các dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội trong việc điều hành và quản lý, được các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi thực hiện các dự án đánh giá cao, uy tín của Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, tạo niềm tin đối với nông dân. Đặc biệt là các dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều hộ tham gia đã có của ăn của để, vươn lên làm giàu.

 
Hiện nay, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là 39,745 tỷ đồng, tăng so đầu nhiệm kỳ 15 tỷ đồng, đã thực hiện 64 lượt dự án, với số vốn quay vòng 45 tỷ cho 637 lượt hộ vay, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động với mức thu  nhập trung bình từ 50-80 triệu đồng/năm.


Trong đó, nguồn Trung ương ủy thác: 14,4 tỷ đồng thực hiện 20 dự án, cho 416 hộ vay; nguồn Quỹ cấp tỉnh 17,720 tỷ đồng, thực hiện 21 dự án với 268 hộ vay; nguồn Quỹ cấp huyện quản lý 7,625 tỷ đồng. 100% các cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Chương trình phối hợp với các ngân hàng trong việc triển khai chính sách tín dụng đến hội viên, nông dân cũng được các cấp Hội quan tâm triển khai tốt. Các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, tổng dư nợ do các cấp Hội Nông dân quản lý đạt 1.018,492 tỷ đồng cho 18.021 hộ vay, tại 527 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 329 tỷ đồng so với 2018.


Phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cấp Hội đang quản lý 564 tổ vay vốn và tổ liên kết vốn, cho 12.160 hộ vay, dư nợ đạt 1.496,828 tỷ đồng, tăng 485 tỷ đồng so với năm 2018.


Thông qua việc thực hiện tốt dịch vụ hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân, đã giúp hội viên, nông dân xây dựng được các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là xây dựng các Tổ hội nghề nghiệp, mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.  


Nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như dự án: nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, vịt bầu tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, cá chép lai thâm canh, cá rô đơn tính tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai; điển hình là các dự án chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh.


Nhiều dự án phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như: Mô hình trồng cây tại huyện Bảo Thắng; mận Tam hoa tại thị trấn Bắc Hà; Cây Lê, Đào Pháp, hoa Ly, Địa lan, cây dược liệu Atiso tại thị xã Sa Pa; trồng và chế biến quế hữu cơ tại Nậm Đét (Bắc Hà)… đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50 đến 80 triệu đồng/năm.


Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân đặc biệt là các hộ vay vốn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn cat cũng được các cấp Hội thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện. Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 16.796 nghìn lao động nông dân, trong đó Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 42 lớp dạy nghề cho 1.207 lao động, đào tạo các nghề ngắn hạn, thời gian đào tạo nghề dưới 3 tháng cho nông dân, gồm các nhóm nghề May, thêu thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác theo mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến 2030, tầm nhìn đến 2050, theo chuỗi giá trị sản phẩm. Liên kết với doanh nghiệp, HTX để tăng thời lượng thực hành; nhu cầu của lao động nông thôn, tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt 70%.

 
Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), năm 2022, nhiều hội viên nông dân tỉnh Lào Cai đã có "cần câu" để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong những năm qua, đồng vốn từ nguồn Quỹ này cũng là "lực kéo" mạnh mẽ thúc đẩy hội viên nông dân tỉnh Lào Cai thi đua sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.


Các dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ HTND đã xây dựng được các mô hình sản xuất tốt, có chiều hướng phát triển mở rộng, thành lập các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh.


"Nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như dự án: Nuôi gà thả đồi tại huyện Bảo Thắng; vịt bầu tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; các dự án đầu tư chăn nuôi thủy sản tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát; dự án chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh" - ông Bốn chia sẻ.


Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phạm Minh Quyền, thôn An Tiến, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi gà thương phẩm, dần mở rộng với quy mô 10.000 con gà thịt mỗi lứa. "Chúng tôi được vay vốn duy trì sản xuất, đến bây giờ đạt kết quả cao. Mỗi năm thu từ 4 - 5 lứa gà, thu nhập cũng tạm tạm ổn", anh Phạm Minh Quyền, thôn An Tiến, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng chia sẻ.


Vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ Hội Nông dân từ năm 2020, ông Trần Văn Quý, xã Bản Sen, huyện Mường Khương cải tạo 0,5 ha ao để nuôi cá trắm đen và cá hỏa tiễn. Hai năm nay, mỗi năm, ao cá mang lại cho gia đình thu nhập khoảng 150 triệu đồng. "Chúng tôi được vay 50 triệu đồng để phát triển thủy sản, tăng thu nhập gia đình. Từ việc phát triển sản xuất hiệu quả, nhiều hộ đã có đồng vốn để mua cám và con giống", ông Trần Văn Quý, thôn Na Vai, xã Bản Sen, huyện Mường Khương nói.


Những khoản hỗ trợ đã giúp nhiều nông dân Lào Cai hình thành các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 103.500 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 1.458 chi hội.


Để giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tư sản xuất kinh doanh, ngoài Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp hội đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông Nghiệp giúp nông dân vay vốn, thẩm định đối với các dự án vay mới... "Quỹ Hỗ trợ nông dân Lào Cai đã có 34 tỷ đồng, hỗ trợ 51 dự án và tạo việc làm cho 1.200 lao động trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách cho vay 955 tỷ đồng, hỗ trợ trên 17.000 hộ nông dân được vay vốn. Còn với Ngân hàng Nông nghiệp, cũng phối hợp cho vay 1.500 tỷ đồng với 12.000 hộ vay", ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết.


Nguồn vốn giải ngân đúng lúc đã giúp nông dân mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thời gian tới, các cấp hội sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, dạy nghề và hỗ trợ tiêu thụ nông sản... giúp nông dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.
Hải Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường