Điện Biên: Trên 100 mô hình được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND
15:28 - 24/08/2023
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã phát huy hiệu quả, trở thành kênh tín dụng thiết thực giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Nguồn vốn này đã giúp nhiều hội viên nông dân xây dựng, phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ, từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn vay Quỹ HTND mang lại thu nhập khá cho các hộ nuôi


Hội Nông dân tỉnh có trên 80.000 hội viên sinh hoạt ở hơn 1.810 chi hội cơ sở. Những năm qua, cùng với việc chú trọng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.


Cùng với đó, các cấp Hội còn tập trung hỗ trợ hội viên về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách thức phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Thực hiện Kết luận số 61 ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận của Ban Bí thư, chú trọng việc xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh được hình thành từ nguồn ngân sách, nguồn ủy thác từ Trung ương hội và nguồn vận động từ ban vận động quỹ hỗ trợ nông dân; trong quá trình triển khai thì nguồn chủ yếu tập trung cho hội viên nông dân vay để phát triển sản xuất, đặc biệt những hội viên nghèo, thiếu vốn sản xuất. Đến nay đã hỗ trợ xây dựng được trên 30 dự án với hơn 100 mô hình liên kết nhóm hộ; với tổng nguồn vốn đạt trên 14 tỉ đồng.


Không đất canh tác, không công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh nên gia đình ông Lò Văn Thuận ở đội 10A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên nhiều năm liền vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Thuận đã khác; trò chuyện với chúng tôi ông Thuận cho biết: “Trước đây gia đình rất khó khăn, có lúc ông cũng đã nghĩ đến việc phải chăn nuôi con trâu, con bò để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng do không có vốn để mua con giống nên đành phải chịu”.


Năm 2014 gia đình Ông được tham gia Dự án nuôi trâu, bò sinh sản do Hội Nông dân tỉnh triển khai từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với số tiền được vay 50 triệu đồng, cùng với vốn tự có, ông Thuận đã mua được 3 con trâu, và 4 con bò để nuôi sinh sản.


Được cán bộ hội nông dân hỗ trợ và hướng dẫn về kỹ thuật nuôi nhốt và phòng trừ dịch bệnh, cộng với sự chăm sóc tốt của gia đình, giờ đây đàn trâu, bò của ông Thuận đang phát triển khá tốt.


Ngoài duy trì và phát triển thêm số lượng đàn, mỗi năm gia đình ông Thuận thu từ 100 đến 150 triệu đồng từ bán trâu bò giống, nhờ đó mà cuộc sống của gia đình thêm ổn định và dần trở nên sung túc.


Nhờ chú trọng đến công tác tuyên truyền, giúp hội viên hiểu thấu đáo mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nên đến nay Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có tổng dư nợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất trong tỉnh. Để phát huy hiệu quả nguồn quỹ này, Hội Nông dân huyện luôn chú trọng và chủ động lập kế hoạch triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn Quỹ thông qua các dự án cho vay phát triển sản xuất thiết thực.


Trong quá trình triển khai cho vay, Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn; trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn. Hội còn định hướng cho các hộ vay Quỹ sử dụng vốn sao cho kịp thời và hiệu quả nhất; vận động hội viên vay vốn tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi.


Các cơ sở hội cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để có những điều chỉnh, hỗ trợ và rút kinh nghiệm kịp thời.


Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh.


Là một trong những hộ luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố Điện Biên Phủ, ông Dương Đình Tám, ở tổ 2, phường Tân Thanh luôn tìm cho mình những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.


Nắm bắt được rằng, cây bưởi da xanh có thể phát triển tốt tại Điện Biên, lại đang là loại trái cây có giá trị, dễ tiêu thụ trên thị trường, nên mặc dù không có đất, nhưng ông Tám đã đi  thuê trên 3 héc ta để đầu tư phát triển mô hình bưởi da xanh. Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của của Hội Nông dân thành phố, đến nay vườn bưởi da xanh trên 700 gốc của ông Tám đang phát triển khá tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.


Ông Dương Đình Tám, Tổ 2 phường Tân Thanh, Thành Phố Điện Biên Phủ cho biết: Trong quá trình hình thành kinh tế gia đình bước đầu thì rất khó khăn; nhưng được sự hỗ trợ các cấp hội giúp đỡ, đặc biệt vừa qua gia đình được hướng dẫn kỹ thuật thì gia đình cũng mong muốn được vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng cây. Đặc biệt khi vừa rồi được hướng dẫn kỹ thuật mô hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao thì tôi đang tiến hành đầu tư; vì hiện tại nhu cầu thị trường đang lớn và cho hiệu quả kinh tế cao.


Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 30 dự án với trên 100 mô hình được triển khai và đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổng số tiền đã giải ngân cho trên 700 hội viên nông dân vay là hơn 14 tỷ đồng.


Trong đó có 11 tỷ đồng là nguồn vốn của Trung ương Hội ủy thác; 2 tỉ đồng là nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh. Qua quá trình triển khai đã chứng minh cho thấy: Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành nguồn lực thiết thực giúp nhiều hội viên nông dân, nhất là những nông dân nghèo, thiếu vốn có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy các xã, bản hoàn thiện những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.


Cùng với đó, nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân mà các dự án, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của từng gia đình, từng nhóm hộ được hình thành; đồng thời, bước đầu có các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong cơ chế thị trường năng động.


Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho trên 300 hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên khá giả; đồng thời, giúp cho trên 1.000 lao động nông thôn trong tỉnh có việc làm ổn định.


Nhìn chung các dự án đã thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch đề ra; các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích. Sau khi vay vốn, các hộ còn được các cấp Hội ND chuyển giao khoa học kỹ thuật; thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất; tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh và cách quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm và tăng thu nhập.


Hiện nay, nguồn vốn được cấp từ ngân sách tỉnh cho Quỹ còn khá ít, nguồn vốn vận động từ cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và từ hội viên nông dân vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân.


Vì vậy, để Quỹ Hỗ trợ nông dân trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành với nhà nông trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội nông dân các cấp trong tỉnh cần tích cực hơn nữa trong việc huy động nguồn vốn. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở; tích cực kiểm tra, giám sát về sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn.


Song song với đó là đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, nhằm tổ chức tốt các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất nông - lâm nghiệp cho hội viên nông dân. Có như vậy, Quỹ HTND mới phát huy được hiệu quả cao nhất, tạo động lực cho đông đảo hội viên nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.


Bên cạnh đó, các cấp Hội thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn Ban vận động, Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ HTND. Đến nay 100% các cấp Hội (tỉnh, huyện) có Quỹ hỗ trợ nông dân, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân. Quỹ HTND không ngừng tăng trưởng.


Tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 27.187 triệu đồng (tăng 13.345 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; vượt 11,2% chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đề ra)28, trong đó: Quỹ Trung ương Hội ủy thác là 11,7 tỷ đồng; Quỹ của tỉnh là 5.280 triệu đồng; Quỹ cấp huyện là 10.207 triệu đồng. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát quy trình vay, quy trình giải ngân, việc sử dụng các nguồn vốn vay. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ Nông dân của Trung ương, của tỉnh hiện các cấp Hội hiện đang triển khai 77 dự án cho 640 hộ vay.


Trong đó: 62 dự án chăn nuôi gia súc chiếm 75,%, 05 dự án chăn nuôi gia cầm chiếm 6,94%, 02 dự án chăn nuôi thủy sản chiếm 2,77%, 01 dự án trồng chanh leo chiếm 1,38%, 03 dự án trồng bưởi da xanh chiếm 4.16%, 07 dự án trồng cây ăn quả chiếm  9,72%.
 

Hội Nông dân các cấp phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thực hiện giải ngân 22 chương trình tín dụng chính sách; tổng dư nợ cho vay là 1.110 tỷ đồng với trên 20.000 hộ vay vốn.


Gia đình ông Sùng A Chua - Bản Tìa Ló A, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông được vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư mua thêm hai cặp bò sinh sản. Sau một năm chăm sóc, bò cái đã bắt đầu sinh ra lứa bê con đầu tiên, bê cái được giữ lại để nuôi với mục đích tăng đàn, bê đực thì nuôi vỗ béo bán để lấy tiền đầu tư tiếp.


Đến nay, gia đình ông Chua không chỉ trả hết được nguồn vốn vay, mà đàn bò của gia đình cũng đã phát triển lên hàng chục con. Sau nhiều năm gắn bó với tập quán chăn nuôi cũ, hiệu quả kinh tế thấp, ông Cà Văn Hưng - Tổ 3, thị trấn Điện Biên Đông đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ nông dân để cải tạo chuồng trại của gia đình với mong muốn nâng cao thu nhập.


Nhờ được sửa sang, cải tạo và chăm sóc hiệu quả và áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, đàn vật nuôi của gia đình ông Hưng đã không ngừng phát triển, thu nhập từ đó cũng được tăng lên. Qua quá trình triển khai cho thấy, Quỹ hỗ trợ nông dân đã trở thành nguồn lực thiết thực giúp nhiều hội viên nông dân, nhất là những nông dân nghèo, thiếu vốn có điều kiện thuận lợi để vươn lên.


Việc sử dụng vốn được thực hiện đúng mục đích, sau khi vay vốn các hộ còn được các cấp hội nông dân chuyển giao khoa học kĩ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất kinh doanh và cách quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm và tăng thu nhập. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Điện Biên Đông đã giúp cho hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo và giải quyết việc làm, ổn định cho nhiều lao động nông thôn.


Ông Trần Hải Đăng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay, Hội Nông dân huyện Điện Biên Đông đang quản lý nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân của ba cấp (Cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) với số tiền 2 tỷ 271 triệu đồng.


Hội Nông dân đã triển khai được 7 mô hình dự án tại 6 xã, những năm qua, từ nguồn vốn vay này đã có rất nhiều các gia đình hội viên nông dân trên địa bàn huyện, phát huy được nguồn vốn vay, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên địa bàn của huyện.


Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân, giao chỉ tiêu vận động, tăng trưởng quỹ cho các cấp hội. Cùng với đó, tăng cường giám sát việc thực hiện hỗ trợ vốn, nhằm đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng. Xây dựng thành công các mô hình nông dân phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đưa việc xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế làm giàu và giảm nghèo bền vững ở nông thôn trở thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của các cấp hội. Đồng thời, tập trung xây dựng cán bộ quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân, có trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quản lý nâng cao hoạt động hiệu quả của Quỹ, góp phần đẩy mạnh hoạt động hội và các phong trào nông dân.
Thủy Nguyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường