Hà Nam: Giúp nông dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND
15:22 - 23/08/2023
(Quỹ HTND) - Nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đặc biệt là nông dân nghèo được tiếp sức rất nhiều từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).
Người dân thôn Phúc Thủy (xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) phát triển kinh tế vườn cho thu nhập ổn định


Nguồn vốn vay được nông dân sử dụng đúng mục đích, góp phần hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm và đặc biệt giúp nông dân nghèo vươn lên khá giả và làm giàu.


Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh trong nhiệm kỳ tăng trưởng là 01 tỷ đồng, cấp huyện là 3,63 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong tỉnh là 32,598393 tỷ đồng.


Trong đó: Nguồn ủy thác của Trung ương là 13,6 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh là 1,1 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện là 6,674976 tỷ đồng; cơ sở vận động 11,223 tỷ đồng, đã giải quyết cho gần 4.000 hộ hội viên vay.


Nguồn của Trung ương 13,6 tỷ đồng, cho 339 hộ vay; Quỹ cấp tỉnh 1,1 tỷ đồng cho 22 hộ vay; Quỹ cấp huyện 6,674976 tỷ đồng cho 1.500 hộ vay; cơ sở vận động 11.223 tỷ đồng cho 2.105 hộ vay.


Công tác cho vay, thu hồi vốn được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo an toàn vốn. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp được sử dụng ngày càng hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ nhiều hộ nông dân vươn lên khá, giàu, khởi nghiệp thành công.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội duy trì hoạt động 404 tổ Tiết kiệm & vay vốn với 14.488 hộ, tổng dư nợ 801.567 trđ; Quỹ quốc gia về việc làm dư nợ là 1,280 tỷ đồng, cho vay tại 10 dự án với 23 hộ vay, giải quyết việc làm cho 52 lao động.


Các cấp Hội tích cực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các tổ chức tín dụng thực hiện tín chấp hỗ trợ hàng nghìn nông dân vay vốn trên 802 tỷ đồng. để đầu tư sản xuất, kinh doanh, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen tại các địa phương.


Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, thời gian qua, các cấp Hội chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn chuỗi tiêu thụ nông sản với phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn được các cấp Hội chú trọng với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, thu hút nhiều lao động trẻ là nông dân tham gia, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tạo cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân.


Trong nhiệm kỳ đã trực tiếp tổ chức mở 41 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.457 hội viên, nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ trang trại mở 230 lớp dạy nghề cho 11.518 hội viên, nông dân, trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định; tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động; tư vấn việc làm trong nước và nước ngoài 46.999 người, giới thiệu việc làm trong nước cho 11.028 người.


Trong nhiều năm qua, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sản xuất với những mô hình hay trong đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Các đối tượng được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này là các tổ hợp tác đang hoạt động tốt, có tính khả thi trong sản xuất hoặc chăn nuôi.


Ngoài hỗ trợ về vốn, nông dân được hỗ trợ để nắm bắt những thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích với nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, giúp nhiều hộ nông dân nghèo vượt khó, vươn lên làm giàu…


Bằng hình thức cho vay vốn sản xuất thông qua các dự án, kết hợp với xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, Quỹ HTND các cấp của tỉnh Hà Nam đã giúp hơn 4.000 lượt hộ hội viên nông dân trong tỉnh có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.


Dẫn chúng tôi thăm các mô hình nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn xã, ông anh Trần Đình Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân (ND)xã Đồng Du, huyện Bình Lục cho biết: Một trong những hoạt động nổi bật của Hội ND xã là đã hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể.


Cụ thể: Hội ND xã đã thành lập HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du với 7 thành viên. Sản phẩm chính của HTX là nho, thanh long ruột đỏ, bưởi, bí ngô; trong đó 4 sản phẩm trên đã được chứng nhận VietGAP 2021; 3 sản phẩm (nho hạ đen, nho mẫu đơn, thanh long ruột đỏ) đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.


Bên cạnh đó, Hội ND đã thành lập 1 CLB trang trại đa canh với 29 thành viên tham gia và 1 tổ hợp tác trồng cây ăn quả tại thôn An Bài 2 với 38 thành viên tham gia. Các thành viên trong HTX, câu lạc bộ, tổ hợp tác đã giúp nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, kết nối tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập.


Anh Phạm Văn Phúc - thành viên CLB trang trại đa canh xã Đồng Du cho biết: Trước đây, các hộ dân ở đây chủ yếu trồng ngô và một số loại rau màu truyền thống, cho thu nhập không cao. Được Hội ND tuyên truyền, hỗ trợ, các hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây ăn quả như bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, nho… vào trồng.


Từ khi CLB trang trại đa canh thành lập, được hỗ trợ vốn vay Quỹ HTND, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, đồng thời lo liệu việc tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau thống nhất giá bán, cùng vận chuyển chung nên đã giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Nói về hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, ông Tạ Văn Đạt – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam chia sẻ: Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình nông dân liên kết sản xuất, kinh doanh. Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, hội viên nông dân đã thay đổi tư duy từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị nông sản.


Điển hình như các mô hình tổ hợp tác: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc; phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao ở xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên; chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng...


Phát huy kết quả đã đạt được, Hội ND huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội rà soát số gia đình hội viên có nhu cầu vay vốn để có kế hoạch phân bổ nguồn vốn hợp lý, hiệu quả. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Huy Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường