Đồng Nai: Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân
(Quỹ HTND) - Trong năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn từ nguổn Quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên nông dân trong tỉnh; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
|
Nông dân xã Phú Lâm, huyện Tân Phú (Đồng Nai) xây dựng nhà lưới trồng rau sạch từ nguồn vốn vay Quỹ HTND |
Nguồn vốn hỗ trợ góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao lợi thế cạnh tranh của các cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp hình thành ở các vùng sản xuất tập trung: vùng cây chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục được Ngân sách tỉnh cấp 10 tỷ đồng, nâng nguồn vốn Ngân sách tỉnh cấp đến nay là 60 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân của 11/11 đơn vị cấp huyện, thành phố được ngân sách địa phương cấp 41,6 tỷ đồng (riêng trong năm 2022 ngân sách cấp huyện cấp 11,45 tỷ đồng). Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã kiện toàn Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân theo đúng điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Dư nợ cho vay Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp quản lý hiện nay là 122.22 triệu đồng, phát vay cho 2.744 hộ với 278 dự án nhóm hộ. Trong đó, có 159 dự án trồng trọt (chiếm 57,19%), 84 dự án chăn nuôi (chiếm 30,22%), 22 dự án thủy sản (chiếm 7,55%) và 14 dự án khác (chiếm 5,04%).
Đạt được kết quả như trên thể hiện vai trò của Hội Nông dân các cấp trong quá trình chỉ đạo, vận động, hướng dẫn nông dân các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Câu lạc bộ năng suất cao tham gia xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Hiệu quả từ các dự án đã giúp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, cải thiện thu nhập, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Đồng thời thông qua tổ chức Hội vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các hộ đang cần vốn để sản xuất.
Kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội ở địa phương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.
Để có được kết quả đó, thời gian qua, các cấp Hội chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền tạo điều kiện để phát triển Quỹ HTND từ nguồn vốn ngân sách; đồng thời đẩy mạnh vận động ủng hộ từ nguồn ngoài ngân sách, phấn đấu cuối nhiệm kỳ 2018 – 2023 có 50% số Cơ sở Hội, có số vốn vận động Quỹ 100 triệu đồng.
Thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ quản lý, điều hành Quỹ HTND; bố trí nguồn nhân lực quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp theo hướng chuyên nghiệp, ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động Quỹ HTND gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác, Hợp tác xã ở nông thôn.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án nhóm hộ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh của địa phương, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ chất lượng, hiệu quả cao.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND ở các cấp, việc sử dụng vốn của các hộ vay, qua đó kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có).
Các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người vay, lồng ghép, phối hợp hoạt động vay vốn Quỹ HTND với dạy nghề, tư vấn, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Hàng năm, các Cơ sở Hội cần xây dựng kế hoạch vận động Quỹ, báo cáo cấp ủy cùng cấp và phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, cần mở sổ sách ghi chép họ tên cá nhân, đơn vị vận động ủng hộ, số tiền, số điện thoại…; tổng hợp báo cáo và chuyển vốn đã vận động về Ban điều hành cấp huyện theo quy định.
Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương. Từ nguồn quỹ này, nhiều hộ dân tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Có thể kể đến như hộ nông dân Đỗ Thị Hoàn (ở ấp Suối Quýt, xã Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ) đã được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND cùng với vốn tích lũy của gia đình để đầu tư cải tạo vườn cây ăn trái rộng 0,5ha. Sau 3 năm đầu tư, thu nhập từ vườn cây ăn trái tăng từ 120 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.
Hộ ông Trần Anh Đông (ở ấp Bàu Tre, xã Bình An, huyện Long Thành) được vay ưu đãi số tiền 50 triệu đồng, kết hợp số vốn tự có của gia đình đã đầu tư chuyển đổi 2ha vườn sầu riêng theo chuẩn VietGAP. Sau 2 năm, sản lượng của vườn sầu riêng tăng từ 15 tấn/ha lên 18 tấn/ha, sản phẩm sầu riêng sạch có đầu ra tốt nhờ chất lượng ngon, an toàn giúp thu nhập của gia đình ông Đông tăng từ 600 triệu đồng lên 900 triệu đồng/năm.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đang tiếp tục được nhân rộng. Điển hình như Quỹ HTND đã hỗ trợ gần 900 triệu đồng cho nông dân xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) đầu tư 2 dự án trồng và chăm sóc cây mãng cầu và nuôi đặc sản ba ba cho thu nhập tốt...
Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp đã vận động được đông đảo mạnh thường quân, hội viên, nông dân tham gia ủng hộ xây dựng nguồn vốn ở cơ sở. Ông Đoàn Trung Ngọc, nông dân tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), người tích cực đóng góp cho Quỹ HTND chia sẻ: "Không chỉ đóng góp tiền vào Quỹ HTND, trang trại trồng thanh long ruột đỏ kết hợp dịch vụ câu cá giải trí của gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như hỗ trợ cây giống cho những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong sản xuất".
Ông Trần Viết Tứ là một hội viên nông dân xã Sông Thao thuộc huyện Trảng Bom, do không có vốn, diện tích đất của gia đình hạn chế nên việc áp dụng các mô hình kinh tế vào sản xuất vô cùng khó khăn.
Năm 2020, sau khi được Hội Nông dân xã cho đi học tập mô hình nuôi lươn không bùn tại Củ Chi và Bà Rịa Vũng Tàu và được biết Quỹ hỗ trợ nông dân Tỉnh đang cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nên anh đã mạnh dạn lập hồ sơ vay 50 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất. Ban đầu, anh đầu tư chuồng trại, thuốc, thức ăn và nuôi 5000 ngàn con lươn ở diện tích 18m2.
Ngay sau lứa đầu tiên gia đình anh bán ra gần 1 tấn lươn thành phẩm, với giá bán 150-200 ngàn/kg, anh đã hoàn trả vốn cho Qũy hỗ trợ nông dân. Đến nay, gia đình anh đã xuất bán 3 đợt, mỗi đợt lời 50-70 triệu đồng.
Ông Trần Viết Tứ chia sẻ: “Ban đầu cũng không biết, trăn trở không làm gì thì thấy mô hình nuôi lươn này nó phù hợp với diện tích của mình.Qua đó mình vay được quỹ hỗ trợ nông dân đó thì về đầu tư thêm, tức vốn đối ứng 50/50 thì đầu tư chuồng trại hết 80 triệu.
Qua 1 năm mình sử dụng mô hình đó thì nuôi lứa đầu tiên thì đã hoàn trả lại được cái quỹ hỗ trợ nông dân..qua đó tạo thành cái bước đệm cho mình đê mình duy trì các lứa về sau., quỹ hỗ trợ nông dân mình đã hoàn thành công việc trả quỹ , bây giờ mình sử dụng vốn, mình nhân lên và sử dụng vốn tự có. ”
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân huyện đã làm tốt việc bình xét đối tượng cho vay. Bên cạnh đó, lựa chọn các dự án thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình hội viên, địa phương.
Để đạt hiệu quả cao, Hội đã kết hợp với các hộ được vay vốn, mở các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho hội viên được vay. Từ đó, hội viên có vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất. Thời gian qua, Hội nông dân huyện Trảng Bom đã quản lý nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân hiệu quả.
Năm 2008 nguồn quỹ chỉ có 360 triệu cho 198 hộ vay; đến nay, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân nâng lên trên 9,5 tỷ đồng với 46 dự án cho 229 thành viên vay vốn từ nguồn quỹ Trung ương, Tỉnh, huyện và các xã, thị trấn.. . Hầu hết các hội viên nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả đúng kỳ hạn.
Ông Hồ Sắm Sàu - xã Sông Thao cho biết: “Vừa rồi Covid cũng giúp được trong gia đình kinh tế cho nó mua phân bón, thuốc chăm sóc cho cây chuối. Trước kia ở đây toàn trồng tiêu, cà phê , mà tiêu trồng lâu năm bị dịch bệnh cũng chết nhiều , cà phê già cỗi không có năng suất, mình chuyển qua trồng chuối . ……nhờ quỹ hỗ trợ nông dân mình lãi suất thấp giúp bà con ở đây vay lãi suất thấp, hiệu quả cho vay 2 năm mới trở vốn, có hiệu quả rất cao cho bà con mình làm. Hỗ trợ được cải thiện cho bà con kinh tế.”
Đánh giá về hiệu quả của Quỹ HTND, ông Lê Hữu Thiện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết: Các hội viên nông dân sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đều đúng mục đích; phát huy hiệu quả đồng vốn; nộp phí và trả gốc đúng hạn. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên, nông dân cũng rất tích cực ủng hộ vốn cho quỹ phát triển.