Kiên Giang: Nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng hơn 19 tỉ đồng trong 5 năm
(Quỹ HTND) - Trong những năm qua, để người nông dân có thêm tư liệu sản xuất, Hội không chỉ chú trọng vào việc định hướng phát triển cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng cũng như khả năng làm kinh tế của hội viên mà còn “tạo đà”, thêm sức bật bằng nguồn vốn hỗ trợ nông dân, kí kết phối hợp với các ngân hàng để hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi đầu tư.
|
Nhờ vay được vốn Quỹ HTND, nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang vươn lên khấm khá |
Công tác hỗ trợ vốn cho nông dân được các cấp Hội phối hợp triển khai khá kịp thời, đạt hiệu quả cao. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 50,420 tỷ đồng, tăng 19,120 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, đạt 100% nghị quyết; có 9/15 huyện, thành phố xây dựng Quỹ đạt 1 tỷ đồng trở lên, bên cạnh đó còn có nguồn vốn ủy thác từ Trung ương Hội 9,279 tỷ đồng.
Điểm nổi bật nhất trong nguồn vốn Quỹ HTND là cho vay phát triển kinh tế gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Từ nguồn vốn trên đã hỗ trợ cho 4.529 lượt hộ vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án, qua đó đã tuyên truyền, vận động nông dân liên kết, hợp tác, xây dựng 42 dự án HTX, 50 dự án Tổ hợp tác, 23 dự án Chi HND nghề nghiệp, 21 dự án Tổ HND nghề nghiệp.
Nhiều dự án đạt hiệu quả như: HTX “Nuôi cá bớp lồng bè” Hòn Nghệ - Kiên Lương; THT “Nuôi cá lồng bè” Lại Sơn – Kiên Hải; THT “Trồng khóm kết hợp nuôi tôm” Vĩnh Phước A – Gò Quao; THNN “Nuôi lươn thương phẩm” Ngọc Chúc – Giồng Riềng; CHNN “Nuôi bò vỗ béo” Mỹ Thái – Hòn Đất; THT “Trồng lúa chất lượng cao” Thạnh Đông A – Tân Hiệp,…
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thực hiện Đề án của UBND tỉnh về phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm2030, qua đó đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ hội viên nông dân nuôi biển để sớm khôi phục sản xuất sau thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19 được 11 mô hình nuôi cá lồng bè, số tiền 5,1 tỷ đồng, với 112 hộ vay tại 4 huyện, thành phố quy hoạch nuôi biển của tỉnh.
Đồng thời, Hội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Hình thức tuyên truyền đa dạng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, các buổi sơ tổng kết công tác Hội, bản tin nông dân Hậu Giang; Chỉ đạo Hội cấp huyện, cấp xã phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị quyết của Hội Đồng quản trị Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh đề ra.
Nhờ chủ trương đúng đắn, chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân các cấp đã giúp cho hội viên, nông dân hiểu đúng lợi ích từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, nhận thức của hộ vay ngày càng được nâng cao, sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực, thực hiện trách nhiệm nộp phí vay đúng thời gian quy định.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân hợp tác phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, và xây dựng nông thôn mới, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân các cấp.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp, triển khai các chương trình tín dụng từ nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT được thực hiện chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.
Đến 31/5/2023, quản lý ủy thác NHCSXH 1.586,271 tỷ đồng gồm 49.535 hộ vay, tăng 34,9% so với đầu nhiệm kỳ; 1.122 hộ vay vốn Ngân hàng NN&PTNT, tổng dự nợ 57,853 tỷ đồng. Ngoài ra HND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, hỗ trợ vay vốn, đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân.
Song song với việc tạo vốn cho nông dân làm ăn, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề, tâp huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân vay vốn. Điều này đã giải quyết được khâu việc làm cho nông dân rất hiệu quả bởi sau đào tạo nhiều học viên đã phát huy được kiến thức đem vào áp dụng vào trong sản xuất.
Hướng tới người nông dân hiện đại trong giai đoạn công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì việc chuyển mạnh sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết hợp tác thành khối vững chắc nhằm thay đổi phương thức sản xuất là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, suốt năm qua Hội Nông dân tỉnh rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo từng chi, tổ hội nghề nghiệp có ứng dụng khoa học kĩ thuật vào trong quá trình sản xuất. Một trong những điều kiện tiên phong là tập huấn chuyển giao công nghệ, đi tham quan học hỏi mô hình. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Có thể nói, nguồn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Từ nhiều hoạt động có ý nghĩa đó, vị thế, uy tín của tổ chức Hội Nông dân các cấp ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.