Gia Lai: Tổng nguồn vốn Quỹ đạt trên 57 tỷ đồng
15:11 - 24/08/2023
(Quỹ HTND)- Năm năm qua (2018 – 2022), nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh tăng 24.231 triệu đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ hiện đạt trên 57 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương ủy thác hơn 8 tỷ đồng, nguồn tỉnh cấp hơn 13 tỷ đồng, hơn 24 tỷ đồng do các huyện, thị xã, thành phố cấp và hơn 11 tỷ đồng do các xã, phường, thị trấn vận động. Từ nguồn vốn Quỹ, Hội ND các cấp đã cho 2.093 hộ hội viên vay thực hiện 167 dự án nhóm hộ và 356 phương án sản xuất kinh doanh.
Các cấp Hội đã cho 2.093 hộ hội viên vay thực hiện 167 dự án nhóm hộ và 356 phương án sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Quỹ.


Tiêu biểu như Quỹ HTND thị xã An Khê hiện tổng nguồn vốn đạt hơn 1,4 tỷ đồng, cho 73 hộ vay gần 640 triệu đồng thực hiện 4 dự án: Chăn nuôi bò sinh sản tại xã Thành An, trồng quất cảnh tại phường Tây Sơn, trồng măng tây tại phường An Phước và trồng hoa thương phẩm tại phường Ngô Mây. Riêng 1,9 tỷ đồng vốn ủy thác từ Quỹ HTND tỉnh và Trung ương, Hội ND thị xã An Khê thực hiện 4 dự án gồm: Chăn nuôi bò sinh sản, trồng vải thiều, bưởi da xanh, nuôi ốc bươu đen.
 
 
Năm 2022, 3 hội viên của Chi hội nông dân thôn An Thượng 2 (xã Song An, thị xã An Khê) được vay tổng cộng 45 triệu đồng Quỹ HTND để nuôi bò sinh sản và trồng hoa thương phẩm. Tiêu biểu như anh Nguyễn Thanh Hà – một trong các hộ được vay vốn đã xuống giống 400 chậu hoa cúc. Cùng với trồng hoa, anh còn đào ao thả cá, chăn nuôi 5 con bò sinh sản, mở xưởng làm mộc. Trừ mọi chi phí, gia đình anh thu về khoảng 150 triệu đồng/năm.
 
 
Ông Bùi Xuân Cảnh - hội viên nông dân Tổ dân phố Plei Byang, thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) được vay Quỹ HTND huyện để trồng 1.000 trụ cây thanh long ruột đỏ trên diện tích 1,5 ha. Để chủ động nguồn nước tưới, gia đình ông đã đầu tư một giếng nước khoan, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và dùng máy nổ để bơm tưới.
 
 
Năm 2022, ông tham gia Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái do Hội ND thị trấn Kông Chro vận động thành lập. Ông được chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng cây ăn trái và đưa sản phẩm ra thị trường. Ông còn được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND tỉnh để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với 14 tấm pin cho công suất 6.000W, tổng kinh phí 90 triệu đồng. Hệ thống đã cho nguồn điện khá ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước khi dùng máy nổ chạy dầu (chi phí 150.000 đồng tiền dầu/ngày). Nhờ chủ động được nguồn nước tưới và nguồn điện, ông đã trồng thêm 04 sào ớt và 10 ha mỳ cho thu nhập 160 triệu đồng/năm.
 
 
Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với ngân hàng NN&PTNT cho 19.599 hộ vay hơn 2,28 tỷ đồng thông qua 725 Tổ liên kết với vốn; phối hợp với ngân hàng CSXH cho 46.935 hộ vay hơn 1,83 tỷ đồng thông qua 1.033 Tổ TK&VV.
 
 
Điển hình như ông Kpuih Tít ở làng Lung Prông, xã Ia Kriêng (huyện Ðức Cơ) được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH để đầu tư trồng 800 cây cà phê. Nhờ chăm sóc tốt, chỉ sau 2 năm, cà phê cho thu hoạch, giúp gia đình ông trả hết nợ vay và thoát nghèo. Gia đình ông tiếp tục vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để trồng 400 cây điều và chăm sóc vườn cà phê. Hiện cây cà phê, cây điều phát triển tốt, cho sản lượng ổn định giúp gia đình có nguồn thu ổn định cuộc sống.
 
 
Hay như ông Phạm Văn Công ở thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang (huyện Kbang) được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để trồng cây ăn trái. Sau 2 năm, gia đình ông đã trả hết nợ vay và được ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay tiếp 100 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại. Hiện vườn cây ăn trái cho thu hoạch mỗi năm 15 tấn cam và quýt, mang về cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
 
 
Thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Quỹ HTND để tạo sự đồng thuận trong đóng góp, ủng hộ; chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn vốn ngoài ngân sách, hỗ trợ vốn giúp nông dân liên kết, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, tham gia các chuỗi giá trị. Đồng thời, Hội nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND, ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án nhóm hộ nhằm tập hợp những hội viên nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp làm tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Mạnh Tuấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường