|
Các dự án vay vốn Quỹ chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực: Chăn nuôi 327 dự án (tỷ lệ 60%); trồng trọt 91 dự án (16,8%); đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản 55 dự án (10,1%); nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực khác 71 dự án (13,1%). |
Các đơn vị vận động tăng trưởng Quỹ đạt cao như: Hội ND huyện Phù Mỹ đạt 180%, Hội ND thị xã Hoài Nhơn 171%, Hội ND huyện Phù Cát đạt 82%, Hội ND thành phố Quy Nhơn đạt 81%,...
Đến nay có 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã cấp ngân sách cho Quỹ HTND năm 2023 đạt 2.380 triệu đồng, nâng tổng ngân sách cấp huyện được cấp lũy kế đến nay là 18.592 triệu đồng. Tiêu biểu như: Huyện Phù Mỹ 800 triệu đồng; huyện Phù Cát 250 triệu đồng, các huyện, thành phố: Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn mỗi đơn vị 200 triệu đồng... Có 43/151 xã đã cấp ngân sách 451 triệu đồng cho Quỹ HTND, lũy kế đến nay có 126/151 cơ sở Hội được hỗ trợ kinh phí cho Quỹ với tổng số tiền đạt 6.883 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, nguyên tắc, nội dung hoạt động và hiệu quả của Quỹ HTND; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Quỹ HTND của Trung ương Hội đã được các cấp Hội trong tỉnh triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Tuyên truyền qua sinh hoạt chi, tổ Hội; website tỉnh Hội, Bản tin Nông dân Bình Định, chuyên mục “Nông dân Bình Định” phát trên sóng Truyền hình Bình Định; hội nghị tổng kết các dự án; tham quan các mô hình, điển hình vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp...
Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa, phát huy hiệu quả hoạt động các chi, tổ Hội nghề nghiệp gắn với hoạt động vay vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 01 chi Hội nghề nghiệp và 03 tổ Hội nghề nghiệp gồm: Chi Hội nghề nghiệp sản xuất nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường (huyện Phù Cát); tổ Hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh tại xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), tổ Hội nghề nghiệp sản xuất bánh tráng tại xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ), tổ Hội nghề nghiệp sản xuất mộc dân dụng tại phường Hoài Xuân (thị xã Hoài Nhơn). Qua đó, nâng tổng số chi, tổ Hội lên 32 chi Hội nghề nghiệp, 110 tổ Hội nghề nghiệp, 16 Tổ hợp tác và 07 Hợp tác xã đầu tư sản xuất có hiệu quả.
Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh giải ngân 1,5 tỷ đồng cho 20 hộ vay từ nguồn vốn TW; giải ngân 8.500 triệu đồng cho 199 hộ vay thực hiện 25 dự án từ nguồn vốn tỉnh. Quỹ HTND cấp huyện cho 351 hộ vay 9.902 triệu đồng triển khai 81 dự án.
Quỹ HTND tỉnh đã đôn đốc thu hồi 1.500 triệu đồng/1 dự án nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác của 20 hộ vay và 5.550 triệu đồng/18 dự án nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 143 hộ vay. Quỹ HTND cấp huyện thu hồi 4.052 triệu đồng/68 dự án của 458 hộ vay. Nhìn chung, các hộ vay đều trả phí và gốc theo quy định, không có nợ quá hạn.
Đến nay, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 79.869 triệu đồng cho 2.528 hộ vay triển khai 539 dự án. Trong đó: Nguồn vốn TW ủy thác 15.460 triệu đồng cho 391 hộ vay thực hiện 37 dự án; nguồn tỉnh 22.500 triệu đồng cho 542 hộ vay thực hiện 71 dự án; nguồn huyện 41.909 triệu đồng cho 1.595 hộ vay thực hiện 431 dự án.
Các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực: Chăn nuôi 327 dự án (tỷ lệ 60%); trồng trọt 91 dự án (16,8%); đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản 55 dự án (10,1%); nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp và lĩnh vực khác 71 dự án (13,1%).
10 hội viên nông dân Hội Nông dân xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) được vay 400 triệu đồng Quỹ HTND Trung ương triển khai dự án trồng nấm rơm. Có vốn, các hộ vay đã đầu tư nguyên vật liệu sản xuất, mua sắm thêm trang thiết bị và mở rộng diện tích trồng nấm, mua rơm… Được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hội viên mở rộng sản xuất. Sau 2 năm triển khai dự án, nhiều hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm.
Hay ông Huỳnh Phong Sa ở khu phố Trường Xuân Tây, phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) được vay 70 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm với diện tích 6.000 m2. Đồng thời ông chuyển sang mô hình nuôi tổng hợp tôm, cua, cá thân thiện với môi trường và áp dụng các tiến bộ KHKT nên cho năng suất khá và đảm bảo được tính bền vững, bảo vệ môi trường. Trừ mọi chi phí, bình quân gia đình ông Sa thu nhập lãi ròng trên 120 triệu đồng/năm.
10 hộ làm bún tại làng nghề bún Tường An, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) được vay 30 triệu đồng/hộ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phát triển sản xuất. Nguồn vốn trên đã tạo “đòn bẩy” giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Nhằm hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành ngành chức năng tổ chức 225 lớp tập huấn cho hơn 13.515 lượt hội viên, nông dân, trong đó Hội ND tỉnh trực tiếp tổ chức 17 lớp cho 1.000 hội viên, nông dân. Nội dung tập huấn gồm: Chăn nuôi bò lai chất lượng cao, phối giống BBB; trồng và chăm sóc bưởi da xanh; trồng rau an toàn; nuôi thủy - hải sản; trồng nấm; nuôi tôm; kỹ thuật ghép cây cảnh; trồng đậu phộng…
Thực hiện hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hiện 145/151 xã, phường, thị trấn có dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân. Đến nay, dư nợ cho vay qua các cấp Hội đạt 1.709.254 triệu đồng, tăng 110.894 triệu đồng so với đầu năm, cho 29.750 hộ vay thông qua 724 TK&VV, chiếm 28,9% trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể, dư nợ bình quân 57,5 triệu đồng/hộ. Trong đó, 712 tổ xếp loại tốt (chiếm 98%), 12 tổ xếp loại khá (2%). Nhìn chung, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Văn A ở thôn Thạch Bàn Đông, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) được Hội tạo điều kiện vay vốn ngân hàng CSXH đầu tư nuôi bò lai sinh sản, lợn giống, cây giống phát triển mô hình kinh tế và tham gia các lớp tập huấn KHKT về trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Trừ mọi chi phí, hiện mô hình chăn nuôi bò, lợn kết hợp trồng trọt và trồng bưởi da xanh mang lại thu nhập cho gia đình ông A trên 150 triệu đồng/năm.
Chị Đinh Thị Pin ở thôn 4, xã An Hưng (huyện An Lão) được vay 100 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để phát triển sản xuất. Năm 2022, gia đình chị đã đầu tư trồng rừng kinh tế trên diện tích 3ha, kết hợp mua 3 con bò và 12 con heo đen để nuôi. Vừa qua, chị đã xuất chuồng 8 con heo và 1 con bò, thu lãi hơn 10 triệu đồng, ổn định cuộc sống.
Cuối tháng 11/2022 bà Nguyễn Thị Hạnh ở khu phố Phụng Du 2, phường Hoài Hảo (thị xã Hoài Nhơn) được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư nguyên vật liệu sản xuất bánh tráng nước dừa. Nguồn vốn đã giúp bà mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho 4 lao động. Trung bình mỗi ngày, bà tráng khoảng 2.500 bánh cung cấp cho thị trường thành phố Quy Nhơn. Trừ mọi chi phí, bà lãi từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày.
Thực hiện Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay 11/11 huyện, thị, thành Hội triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với ngân hàng NN&PTNT với 55/151 xã, phường, thị trấn có dư nợ tổng số tiền 291.701 triệu đồng cho 2.980 thành viên vay thông qua 179 Tổ vay vốn.
Trong 12 năm nay (2011-2022), bình quân mỗi vụ nuôi tôm Agribank huyện Phù Cát cho anh Nguyễn Tất Tùng (38 tuổi) ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) vay 15-16 tỷ đồng. Hạn mức vay của anh Nguyễn Tất Tùng là 20 tỷ, năm 2022 anh Tùng đã vay 13 tỷ.
Có vốn, anh Tùng đầu tư nâng cấp ao hồ, mua sắm trang thiết bị nuôi tôm theo công nghệ SemiBio-Floc. Theo đó, anh đã nâng đáy 4 ha ao nuôi cao thêm 1,2m; trong đó, có 2 ha ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) và 2 ha ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với chi phí 1,5 tỷ đồng. 4 ha ao nuôi tôm công nghệ cao được anh Tùng chia thành nhiều ao nhỏ, mỗi ao có diện tích 700m2.
Anh còn lót bạt đáy cho mỗi ao nuôi, xây dựng bờ ao kiên cố bằng bê tông; mỗi ao nuôi được trang bị hệ thống đảo, hệ thống oxy đáy; hệ thống sục khí tạo dòng chảy dưới đáy; bên trên ao nuôi được trang bị mái che để ngăn mưa nắng nhằm kiểm soát môi trường trường tốt hơn; trong mỗi ao nuôi cò được trang bị giàn đèn chiếu sáng được nhập về từ Hà Lan để tạo ánh sáng mặt trời nhân tạo trong ao. Đầu tư trang thiết bị hoàn thiện cho mỗi ao nuôi có diện tích 700m2 anh Tùng mất thêm 350 triệu đồng/ao. Anh Tùng còn đầu tư nuôi tôm trên cát theo công nghệ cũ với diện tích 8,2 ha tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát).
Với mức đầu tư ban đầu rất cao, nhưng bù lại, anh có thể thả 300 con giống/m2. Trang thiết bị đầy đủ, nhờ đó 3 năm nay năng suất nuôi tôm của anh tăng gấp đôi, đạt 60 tấn/ha. Đặc biệt, vụ nuôi mới thu hoạch vào đầu tháng 9 vừa qua tôm nuôi của anh đạt 13,6 con/kg, bán oxy đi Hà Nội được 380.000đ/kg. Làm ăn thuận lợi nên anh Tùng luôn tuân thủ trả vốn vay và lãi suất đúng kỳ hạn, được xếp hạng khách hàng loại A của Agribank huyện Phù Cát.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh kiểm tra 6/11 đơn vị cấp huyện, 6/151 đơn vị cấp xã; 07 Tổ TK&VV, 10 hộ vay vốn Quỹ HTND và 55 hộ vay vốn ngân hàng CSXH. Qua kiểm tra cho thấy, việc xét duyệt, thẩm định, giải ngân đúng nguyên tắc, quy trình cho vay theo Hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở, hỗ trợ các đơn vị được kiểm tra khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Thời gian tới, Hội ND cơ sở tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp bổ sung vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, năng lực cán bộ tham gia hoạt động Quỹ, nhất là cán bộ Hội cấp cơ sở; phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người vay, lồng ghép, phối hợp hoạt động vay vốn Quỹ HTND với công tác dạy nghề, tư vấn, dịch vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả.