Đắk Nông: Tổng nguồn vốn Quỹ đạt trên 60 tỷ đồng
11:03 - 25/05/2023
(Quỹ HTND)- Tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp hiện đạt trên 60,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 10,490 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh cấp 22,030 tỷ đồng, nguồn cấp huyện quản lý trên 25,395 tỷ đồng. Nguồn vốn hiện đang giải ngân cho 228 dự án vay phát triển sản xuất với 1.866 hộ tham gia. 
Nguồn vốn Quỹ hiện đang giải ngân cho 228 dự án vay phát triển sản xuất với 1.866 hộ tham gia.


Các mô hình vay vốn tín chấp đều đạt hiệu quả giúp người vay tăng thu nhập và đã được nhân rộng như: Dự án chăn nuôi dê sinh sản tại xã Đăk N’Drot (huyện Đăk Mil), xã Trúc Sơn (huyện Cư Jut; dự án trồng cây vải thiều xen canh cây cà phê thực hiện tại xã Trúc Sơn (huyện Cư Jut); dự án chăn nuôi bò lai sinh sản thực hiện tại xã Buôn Choah (huyện Krông Nô); dự án trồng cây mắc ca xen canh cà phê tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức); dự án trồng dâu nuôi tằm tại xã Đăk Ha (huyện Đắk Glong); dự án trồng cây ăn quả xen cây cà phê thực hiện tại xã Đăk Plao (huyện Đắk Glong)...
 
 
Anh Phan Văn Hoàng, thôn Tân Ninh, xã Nam Dong (huyện Cư Jút) được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND huyện để đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Ngoài ra, anh còn được Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên dê sinh trưởng tốt, phát triển đàn nhanh. Đến nay, đàn dê của gia đình anh Hoàng có 70 con, chủ yếu là dê sinh sản. Mỗi năm dê sinh sản 2 lứa, anh bán dê thịt và dê giống. Trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm, ổn định cuộc sống. Ngoài anh Hoàng, toàn xã Nam Dong hiện còn có 10 hộ gia đình được vay vốn Quỹ HTND để phát triển các dự án chăn nuôi dê, mở rộng quy mô đàn.
 
 
Hay ông Nguyễn Văn Giới, ở bon U3, thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút) được vay 30 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư trồng rau an toàn. Đồng thời, gia đình ông được cán bộ Hội Nông dân huyện đến tận vườn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Giá rau bán ra ổn định, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
 
 
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay vốn ủy thác của ngân hàng CSXH đạt 962,62 tỷ đồng cho 18.308 hộ vay thông qua 412 Tổ TK&VV. Thực hiện thỏa thuận với ngân hàng NN&PTNT, đến nay tổng dư nợ đạt 449,44 tỷ đồng với 158 Tổ Vay vốn và 2.392 thành viên.
 
 
Chị Lương Thị Hoài Thương ở thôn 15, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) được vay vốn ngân hàng CSXH mua 4 con bò giống về nuôi vỗ béo. Tận dụng nguồn phân bò, với 2 sào đất trắng, chị triển khai trồng thêm 2 sào su-su. Sau hơn 2 tháng trồng, vườn su-su đã cho thu nhập đều đặn.
 
 
Bên cạnh đó, nhận thấy mặt hàng chanh vắt nước được người dân sử dụng nhiều, chị đã tận dụng đất trống dưới tán cà phê, để đầu tư trồng thêm 400 gốc chanh. Từ nguồn thu nhập này, chị đã mua thêm bò giống về vỗ béo. Sau gần 2 năm, đàn bò phát triển thuận lợi. Đến nay, trong chuồng của gia đình chị luôn duy trì gần 20 con bò. Nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi bò và các loại cây trồng khoảng 200 triệu đồng/ năm.
 
 
Hay ông K’Thét ở xã Đắk Som (huyện Đắk Glong) được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư mua máy móc, thiết bị, phân bón chăm sóc hơn 2ha cà phê. Nhờ đó, năng suất vườn cây dần cải thiện từ gần 4 tấn nhân/vụ tăng lên đạt hơn 6 tấn/vụ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
 
Bà Nguyễn Thị Mận ở thôn 2, xã Ðắk R’tíh (huyện Tuy Ðức) được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư trồng thêm rau xanh, cà chua trên diện tích đất trước đây đã trồng tiêu. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, quá trình chăm sóc đúng cách, cộng với đầu ra và giá cả các loại rau ổn định nên thu nhập cải thiện. Với diện tích khoảng 4.000m2 đất trồng rau màu các loại luân phiên, cho thu hoạch 3 - 4 vụ/năm, bà Mận thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.
 
 
Có thể khẳng định, thông qua những mô hình phát triển sản xuất không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho những hộ trực tiếp tham gia dự án mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trọng Đại
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường