(Quỹ HTND)- Hiện nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt hơn 60,2 tỷ đồng, trong đó 9/9 huyện, thành phố vận động được gần 20 tỷ đồng; Trung ương Hội uỷ thác trên 7,1 tỷ đồng; ngân sách tỉnh uỷ thác 22 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện hơn 31 tỷ đồng.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND đã được Hội ND các huyện, thành phố xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp thành công để làm điểm chỉ đạo và nhân rộng. |
Tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ đến nay đạt gần 52 tỷ đồng, với 3.347 hộ được vay thông qua 325 dự án giúp hội viên, nông dân xây dựng, duy trì phát triển chi, tổ Hội nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Tiêu biểu như Hội ND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Ðầm Dơi, Thới Bình và Phú Tân.
Điển hình như HTX Thương mại Dịch vụ Tiến Ðạt ở ấp Hoà Hiệp, xã Ngọc Chánh (huyện Ðầm Dơi) được hỗ trợ vốn 3 đợt với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng Quỹ HTND, kết hợp với vốn vay từ ngân hàng CSXH 20-50 triệu đồng/hộ để đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế.
Với ngành nghề chính là nuôi tôm – cá, để tận dụng diện tích, một số hộ thành viên HTX đã phủ bạt bờ bao giữ ngọt để trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá. Đến nay đã có hơn 20 hộ trồng thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện HTX Tiến Đạt đang hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm dưa bồn bồn vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra bền vững, nâng cao thu nhập cho xã viên.
Hay tổ Hội nghề nghiệp nuôi tôm quảng canh cải tiến tại ấp Tân Hiệp, xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) có 10 thành viên với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Được vay vốn 10 triệu đồng Quỹ HTND/tổ viên đầu tư mua con giống chồn hương thương phẩm. Sau hơn một năm, đến nay số chồn giống trong tổ đã nhân lên được 100-150 con. Đàn chồn giống hiện đang tăng lên nhanh chóng.
Nguồn vốn Quỹ HTND còn được Hội ND các huyện, thành phố xây dựng nhiều mô hình khởi nghiệp thành công để làm điểm chỉ đạo và nhân rộng. Ðiển hình như: Các mô hình nuôi ốc bươu đen, chồn hương, cá sặc bổi (các huyện U Minh, Trần Văn Thời); nuôi sò huyết, nuôi tôm càng, nuôi cua thương phẩm (các huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Thới Bình)...
Thực hiện hoạt động uỷ thác của ngân hàng CSXH, Hội ND các cấp đã cho 36.493 hộ hội viên, nông dân vay với tổng dư nợ đạt 1.007.933 triệu đồng, thông qua 735 Tổ TK&VV.
Được vay 40 triệu đồng ngân hàng CSXH, ông Trần Văn Văn ở ấp 2, xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) phát triển thêm nghề ương tôm giống. Hiện ông làm được 30 bể tôm, xuất ra từ 20 triệu con post, tương đương với 400 triệu đồng, thu lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng.
Hay anh Nguyễn Chí Công ở ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) ban đầu nuôi thử nghiệm 1 - 2 cặp chồn hương. Được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện, anh đầu tư mua con giống, đóng thêm chuồng trại để mở rộng mô hình. Đến nay, tổng đàn khoảng 40 con và có 6 con chồn sinh sản, còn chồn lứa khoảng 20 con và 10 con chồn con.
Ðể tiết kiệm chi phí, anh tận dụng nguồn thức ăn ở gia đình như cá phi và một số cá tạp, mua thêm chuối cho chồn ăn. Chồn đực hiện có giá khoảng 3 triệu đồng/con, còn chồn con nuôi cỡ 6 -7 tháng là đủ trọng lượng để xuất bán thương phẩm. Trừ mọi chi phí, mỗi con cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng.
Thực hiện thỏa thuận với ngân hàng NN&PTNT, đến nay tổng dư nợ đạt 37,2 tỷ đồng với 210 Tổ Vay vốn và 1.133 thành viên.
Anh Lâm Thành Chen ở xã Mỹ Phích (huyện U Minh) được vay vốn ngân hàng NN&PTNT để lên liếp trồng 5ha tràm nước và nuôi cá dưới chân rừng tràm. Sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi gần 500 triệu đồng. Qua 5 năm gắn bó với cây rừng, con cá, cuộc sống gia đình anh đã ổn định.
Các nguồn vốn trên đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.