Yên Bái: Hiệu quả từ các mô hình, dự án hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân
(Quỹ HTND) – Nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, các cấp Hội đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.
|
Sự tiếp sức từ nguồn vốn vay Quỹ là động lực để người dân xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả nhằm gia tăng thu nhập cho người nông dân |
Xác định Quỹ HTND là một trong những nguồn lực quan trọng của các cấp Hội trong tỉnh giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất nên ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức vận động xây dựng tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đến 100% Hội ND các huyện, thành, thị.
Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND liên tục tăng trưởng hàng năm, góp phần giải quyết tốt tình trạng “khát” vốn của hội viên, nông dân trên địa bàn. Công tác vận động tăng trưởng Quỹ HTND luôn được các cấp Hội tập trung thực hiện với nhiều hình thức.
Tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt 31,219 đồng. Trong đó, nguồn ủy thác từ Quỹ Trung ương đạt 7,041 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND tỉnh 13,540 tỷ, Quỹ cấp huyện đạt 10,638 tỷ đồng.
Việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND được thực hiện đúng quy định, đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích. Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 12 tỷ đồng tại 29 dự án. Quỹ HTND cấp huyện tiếp tục duy trì 10 tỷ đồng cho 368 hộ vay thực hiện 118 dự án.
Công tác kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn, việc thu hồi vốn gốc và phí được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc theo Hợp đồng trách nhiệm.
Đối với nguồn ngân sách địa phương cấp cho các huyện, thị, thành Hội và nguồn vận động, ủng hộ đã tiến hành cho vay theo dự án theo hướng dẫn của Quỹ HTND Trung ương và Quỹ HTND tỉnh.
Các dự án vay vốn từ Quỹ HTND đã tạo điều kiện về nguồn lực cho hộ mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình kinh tế hộ theo hướng liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi từ đó giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần hình thành các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất kinh doanh là tiền đề để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất.
Việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND được thực hiện đúng quy định, cho vay vốn đúng đối tượng, các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án; góp phần phát triển kinh tế hộ, xây dựng mô hình kinh tế tập thể, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Để sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao, Hội ND các cấp đã phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ vốn vay cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, dạy nghề cho hàng chục nghìn hội viên.
Qua tập huấn, hội viên đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp; sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Viet GAP; thực hiện việc dồn điền đổi thửa gắn với đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác…
Từ nguồn vốn Quỹ, các cấp Hội triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới đạt chuẩn OCOP; khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác.
Việc triển khai các dự án vay vốn từ Qũy HTND thực hiện đảm bảo đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích. Đến nay, Qũy HTND tỉnh đã trực tiếp giải ngân được trên 10,7 tỷ đồng tại 26 dự án. Trong đó, có 9 dự án trồng trọt (chiếm 34,6%); 17 dự án chăn nuôi (chiếm 65,45%).
Qua kiểm tra cho thấy việc triển khai các mô hình vay vốn Qũy HTND được chính quyền các địa phương đánh giá cao bởi đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của Hội ND các địa phương.
Bên cạnh việc triển khai hiệu quả nguồn Qũy HTND, các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật đối với các ngân hàng trong hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được các cấp Hội chú trọng thực hiện.
Để kiểm tra, giám sát hoạt động Qũy HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng, Hội ND tỉnh tổ chức 9 cuộc kiểm tra tại 9 huyện, thị, thành phố, đã tiến hành kiểm tra 10 xã, 19 Tổ TK & VV và 95 hộ vay; cấp huyện, tổ chức 75 cuộc kiểm tra tại 158 đơn vị xã, thị trấn, 219 Tổ Vay vốn và 1.024 hộ vay; cấp xã, phường, thị trấn, tổ chức 203 cuộc tại 458 Tổ Vay vốn và 4.881 hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy hội viên, nông dân vay vốn đúng mục đích theo hướng dẫn của Hội cấp trên; việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn đảm bảo theo quy định.
Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Qũy HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình kinh doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như các dự án: Trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; trồng lúa nếp tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên; chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Lai, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại các xã Hán Đà, Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.
Nhiều hộ sau khi dự án kết thúc đã nâng mức thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng - 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, một số mô hình đạt mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Các dự án đã đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Qũy HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Nhìn chung, các hội viên, nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ tham gia dự án, phát huy hiệu quả đồng vốn, nộp phí và trả gốc đúng hạn.
Sự tiếp sức từ nguồn vốn vay Quỹ là động lực để người dân xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều hộ khó khăn đã trở nên khá, giàu, quay lại giúp đỡ những hộ khó khăn khác về giống, cây, con, vốn, vật tư phục vụ cho sản xuất, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần nông dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
Thời gian tới, Hội ND tỉnh phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ thông qua việc ưu tiên nhân rộng các mô hình liên kết theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực tại địa phương; đồng thời tiếp tục chung sức, đồng hành cùng các cấp tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.