|
Các dự án đều hỗ trợ đúng đối tượng vay, nguồn vốn Quỹ được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của bà con nông dân |
Nhận thấy hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội ND tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên, nông dân hỗ trợ, đóng góp bổ sung nguồn vốn Quỹ và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hiệu quả, góp phần giúp hội viên thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa, phát huy những tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo ra giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 huyện, thành phố thành lập Quỹ HTND cấp huyện, thành phố gồm Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum. Hội ND các huyện, thành phố đã giải ngân 2,05 tỷ đồng cho 54 hộ vay, thực hiện 14 dự án phát triển sản xuất.
Công tác cho vay, quản lý, sử dụng nguồn vốn được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống Hội theo quy định của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, nguồn vốn luôn được đảm bảo, không có tình trạng xâm tiêu.
Đến nay, Quỹ HTND cấp tỉnh thu hồi được 6,44 tỷ đồng tại 15 dự án đến hạn; cho vay mới và quay vòng vốn 8,5 tỷ đồng cho 144 hộ tham gia vay tại 16 dự án. Hiện, tổng số vốn cho vay cấp tỉnh và huyện đạt 16,05 tỷ đồng cho 198 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh trong trồng trọt, chăn nuôi.
Bên cạnh đó, đối với những chương trình, đề án của tỉnh, các cấp Hội luôn xem trọng, thường xuyên tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ.
Hội ND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến trong hội viên, nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Quỹ HTND. Hình thức tuyên truyền được các cấp Hội tiến hành đa dạng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, các buổi sơ tổng kết công tác Hội, trên bản tin nông dân tỉnh
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ dân đã vươn lên phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, có thu nhập và cuộc sống ổn định. Qua việc xây dựng các mô hình dự án đã giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn; đồng thời, cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, hướng dẫn giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, Hội còn tăng cường phối hợp tổ chức các hội thảo tổng kết, đánh giá mô hình, khuyến khích hội viên, nông dân sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, tập trung ưu tiên xây dựng các mô hình kinh tế tập thể với tiêu chí 5 cùng. Đối với hội viên, nông dân đang sinh hoạt trong các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp cũng luôn được các cấp Hội quan tâm và tạo mọi điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn vay nhằm khuyến khích bà con tham gia vào chuỗi liên kết cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh giúp gia tăng lợi nhuận.
Về quá trình bình xét cho vay, Hội ND các cấp luôn phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, ưu tiên các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Hội định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Các mô hình dự án đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ trực tiếp tham gia dự án xây dựng mô hình điểm có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Thông qua vốn trên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững ở các địa phương.
Từ nguồn vốn trên, Hội ND tỉnh đã kịp thời phê duyệt và tiến hành giải ngân để triển khai thực hiện việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh, huyện.
Để quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ Quỹ; thực hiện tốt các khâu lựa chọn mô hình, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân góp phần chuyển đổi nhận thức của hội viên, nông dân từ phương thức sản xuất quảng canh truyền thống sang phương thức thâm canh, liên kết hiệu quả.
Thông qua quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã dần hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân trên địa bàn.
Hiện nay, với số vốn 1,5 tỷ đồng thông qua Quỹ HTND, Hội ND huyện Đăk Glei đã triển khai và duy trì các mô hình như: “Nuôi bò sinh sản” tại thị trấn Đăk Glei, “Nuôi ong rừng lấy mật tự nhiên” tại xã Đăk Plô. Đến nay, bà con đã phát triển hơn 200 tổ ong, mỗi tổ cho ra sản phẩm trung bình từ 3-5 lít mật, hằng năm thu về trên 70 triệu đồng/ năm.
Mô hình trồng và phát triển Đẳng sâm và sâm Ngọc Linh tại xã Ngọc Linh, Đăk Plô, Xã Xốp có 16 hộ tham gia; mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hội viên; hay mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Đăk Man cho hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho nhiều hội viên, nông dân, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thời gian qua, huyện Sa Thầy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hình thức tập thể ở nông thôn, giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, trên địa bàn huyện, Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ cho 79 hộ vay số vốn 4,3 tỷ đồng triển khai thực hiện 10 dự án phát triển sản xuất.
Gia đình chị Gia đình chị Y Bơr ở thôn K’Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy được vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ HTND để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn và đầu tư đúng hướng, chị Y Bơr trở thành một trong những điển hình của việc sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ HTND để phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Có vốn, gia đình chị đã đầu tư trồng 1ha cao su, 3ha cà phê. Sau nhiều năm chăm sóc, vườn cây giờ đây đã cho thu hoạch. Sau đó, chị tiếp tục phát triển mô hình nuôi heo thịt. Đến nay, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ mô hình và đã thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững.
Nhờ có nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế, trở thành tấm gương cho các hội viên khác noi theo.
Tiêu biểu như: Anh A Wĩ ở thôn Kơ Tol, xã Hơ Moong với thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng từ mô hình phát triển cây cao su; chị Vũ Thị Tám ở thôn Ya De, xã Ya Xiêr với thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi bò vỗ béo; anh Lê Xuân Khiêm ở thôn 2, xã Sa Sơn với thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng với mô hình phát triển cây cà phê.
Ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) có 13 hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để triển khai dự án trồng và chăm sóc cà phê theo chuỗi giá trị với diện tích gần 20ha.
Sau hơn 3 năm triển khai dự án, các vườn cà phê sinh trưởng tốt, năng suất trung bình hàng năm đạt hơn 30 tấn/ha. Trừ chi phí, mỗi năm, bà con nông dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Nhờ vậy các hộ tham gia dự án đến nay đã thoát nghèo, tham gia nộp tiền phí, tiền gốc đầy đủ, không có nợ quá hạn.
Trên địa bàn huyện Đăk Tô có 15 nông dân được nhận hỗ trợ vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 1 tỷ đồng, trong đó có 10 hộ tham gia dự án “Chăn nuôi bò bán công nghiệp” tại thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô và 5 hộ tham gia dự án “Trồng chanh dây” ở thôn 4, xã Diên Bình. Đến nay, trên địa bàn huyện có 40 hộ vay 2,8 tỷ đồng vốn Quỹ HTND để tham gia các mô hình, dự án.
Nhìn chung, các dự án đều hỗ trợ đúng đối tượng vay, nguồn Quỹ được sử dụng đúng mục đích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nông dân và quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã trợ lực cho nhiều hộ nông dân cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định. Từ những điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn, Quỹ HTND góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của nông dân đối với phát triển nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững. Từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất chuỗi, từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị lợi nhuận cao gắn với phát triển bền vững, an toàn thực phẩm.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, quyết tâm tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới. Nhờ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện để hoạt động Hội ngày càng phát huy hiệu quả, nội dung hoạt động thiết thực với hội viên, nông dân.