Đồng Nai: Nhiều hộ hội viên thoát nghèo nhờ nguồn vốn Quỹ HTND
13:25 - 27/04/2023
(Quỹ HTND) - Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương. 
Nông dân xã Phú Lâm, huyện Tân Phú (Đồng Nai) xây dựng nhà lưới trồng rau sạch.


Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn từ nguổn Quỹ HTND cho hội viên nông dân trong tỉnh; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 


Nguồn vốn hỗ trợ góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao lợi thế cạnh tranh của các cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giúp hình thành ở các vùng sản xuất tập trung: vùng cây chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương. 


Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục được Ngân sách tỉnh cấp 10 tỷ đồng, nâng nguồn vốn Ngân sách tỉnh cấp đến nay là 60 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân của 11/11 đơn vị cấp huyện, thành phố được ngân sách địa phương cấp 41,6 tỷ đồng (riêng trong năm 2022 ngân sách cấp huyện cấp 11,45 tỷ đồng). Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã kiện toàn Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân theo đúng điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Dư nợ cho vay Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp quản lý hiện nay là 122.22 triệu đồng, phát vay cho 2.744 hộ với 278 dự án nhóm hộ. Trong đó, có 159 dự án trồng trọt (chiếm 57,19%), 84 dự án chăn nuôi (chiếm 30,22%), 22 dự án thủy sản (chiếm 7,55%) và 14 dự án khác (chiếm 5,04%). 


Trong kỳ đã tiến hành phát vay cho 172 dự án, 1.548 hộ với số tiền 68,47 tỷ đồng; thu hồi vốn của 126 dự án, 1.183 hộ với số tiền 41,89 tỷ đồng. Công tác thu hồi phí và gốc các dự án thực hiện đúng hạn, tỷ lệ thu nợ đạt 100% so với yêu cầu, đến nay chưa xảy ra tình trạng nợ quá hạn.​


Đạt được kết quả như trên thể hiện vai trò của Hội Nông dân các cấp trong quá trình chỉ đạo, vận động, hướng dẫn nông dân các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Câu lạc bộ năng suất cao tham gia xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Hiệu quả từ các dự án đã giúp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, cải thiện thu nhập, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu.


Đồng thời thông qua tổ chức Hội vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ HTND, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các hộ đang cần vốn để sản xuất.


Từ nguồn quỹ này, nhiều hộ dân tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.


Ông Trần Viết Tứ là một hội viên nông dân xã Sông Thao thuộc huyện Trảng Bom, do không có vốn, diện tích đất của gia đình hạn chế nên việc áp dụng các mô hình kinh tế vào sản xuất vô cùng khó khăn. Năm 2020, sau khi được Hội nông dân xã cho đi học tập mô hình nuôi lươn không bùn tại Củ Chi và Bà Rịa Vũng Tàu và được biết Quỹ hỗ trợ nông dân Tỉnh đang cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nên anh đã mạnh dạn lập hồ sơ vay 50 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất.


Ban đầu, anh đầu tư chuồng trại, thuốc, thức ăn và nuôi 5000 ngàn con lươn ở diện tích 18m2. Ngay sau lứa đầu tiên gia đình anh bán ra gần 1 tấn lươn thành phẩm, với giá bán 150-200 ngàn/kg, anh đã hoàn trả vốn cho Qũy hỗ trợ nông dân. Đến nay, gia đình anh đã xuất bán 3 đợt, mỗi đợt lời 50-70 triệu đồng.


Ông Trần Viết Tứ chia sẻ: “Ban đầu cũng không biết, trăn trở không làm gì thì thấy mô hình nuôi lươn này nó phù hợp với diện tích của mình.Qua đó mình vay được quỹ hỗ trợ nông dân đó thì về đầu tư thêm, tức vốn đối ứng 50/50 thì đầu tư chuồng trại hết 80 triệu…qua 1 năm mình sử dụng mô hình đó thì nuôi lứa đầu tiên thì đã hoàn trả lại được vốn Quỹ HTND… Qua đó tạo thành cái bước đệm cho mình đê mình duy trì các lứa về sau. Quỹ HTND đã hoàn thành công việc trả quỹ , bây giờ mình sử dụng vốn, mình nhân lên và sử dụng vốn tự có. 


Để đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân huyện đã làm tốt việc bình xét đối tượng cho vay. Bên cạnh đó, lựa chọn các dự án thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình hội viên, địa phương.


Nhằm đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng vốn vay, Hội đã kết hợp với các hộ được vay vốn, mở các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho hội viên được vay. Từ đó, hội viên có vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất.


Trong năm 2023, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mạnh mẽ về nội dung, mục đích, ý nghĩa, vai trò, kết quả tích cực của Quỹ HTND trên các phương tiện thông tin đại chúng tới các cấp, các ngành, các tổ chức, cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân hiếu, đồng thuận, tạo điều kiện ủng hộ xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ quản lý, điều hành Quỹ HTND; bố trí nguồn nhân lực quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp theo hướng chuyên nghiệp, ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền tạo điều kiện để phát triển Quỹ HTND từ nguồn vốn ngân sách; đồng thời đẩy mạnh vận động ủng hộ từ nguồn ngoài ngân sách, phấn đấu cuối nhiệm kỳ 2018 – 2023 có 50% số Cơ sở Hội, có số vốn vận động Quỹ 100 triệu đồng.


Đẩy mạnh các hoạt động Quỹ HTND gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác, Hợp tác xã ở nông thôn.​ Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án nhóm hộ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh của địa phương, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ chất lượng, hiệu quả cao.


Có thể nói, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân là công cụ, điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, nông dân, xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội ở địa phương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân. 
Bảo Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng