An Giang: Quỹ HTND giúp hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh
09:12 - 26/04/2023
(Quỹ HTND)- Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội đã xây dựng và phát triển Quỹ HTND được 20,73 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt được hơn 41,9 tỷ đồng; đã hỗ trợ hơn 1.000 hộ vay/năm là thành viên chi, tổ Hội nghề nghiệp, để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Từ nguồn vốn Quỹ, mỗi năm hàng trăm hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.


Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên, từ nguồn vốn Quỹ, các cấp Hội đã cho hơn 1.000 hộ vay mỗi năm, đối tượng chủ yếu là thành viên chi, tổ Hội nghề nghiệp. Qua đó, đáp ứng một phần nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho nông dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trong khu vực nông thôn. Mỗi năm, hàng trăm hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trở thành “đầu tàu” để tập hợp nông dân xây dựng các mô hình hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh...
 
 
Điển hình là Quỹ HTND huyện Châu Phú đã gắn hỗ trợ vay vốn với đào tạo nghề. Thông qua lớp dạy nghề, hội viên nắm chắc kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nguồn vốn được phát huy hiệu quả tối đa, hội viên có điều kiện trả nợ đúng hạn.
 
 
Đến nay, Hội ND huyện phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, cùng đơn vị có liên quan đã tổ chức 62 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng, làm vườn cây ăn trái, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi dê, nuôi lươn… Qua đó, cấp chứng nhận cho 1.430 học viên, đồng thời tổ chức 2 lớp sơ cấp cho 125 nông dân.
 
 
Ông Trần Nghi Bình (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) được vay 90 triệu đồng Quỹ HTND cùng với hỗ trợ dạy nghề, nhờ đó, việc canh tác nhãn Mỹ Đức của gia đình ông đem lại kết quả cao, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, nguồn vốn còn giúp ông phát triển thêm dịch vụ cung cấp cây giống cho người dân địa phương. Với số lượng nhãn có tại vườn, mỗi vụ gia đình ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
 
 
Hộ ông Huỳnh Văn Hải (xã Phú Bình, huyện Phú Tân) được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư máy vót thẻ tre phục vụ nghề đan bội. Nhờ vậy, số lượng bội làm ra tăng lên đáng kể, mỗi tháng có thể làm 150-200 cái. Hiện mỗi tháng, ông Hải xuất bán trên 60 chiếc bội bắt cá với giá 750.000 đồng/chiếc và giải quyết việc làm cho 7-8 lao động/ngày.
 
 
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả ở các lĩnh vực, như: Chăn nuôi, thủy sản, rau màu, cây ăn trái, trồng rau sạch kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ, đa canh, nhà lưới... Từ nguồn vốn này, nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất.
 
 
Ông Đinh Văn Pho (ấp Long Thuận, xã Long Giang, huyện Chợ Mới) được Hội ND xã giới thiệu tham gia dự án chăn nuôi bò thịt và tạo điều kiện vay vốn Quỹ HTND để xây chuồng và mua thêm 6 con bò về nuôi. Từ đất trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp xung quanh nhà, ông Pho trồng thêm cỏ và trồng bắp trắng để làm thức ăn cho bò. Sau 4 - 5 tháng nuôi vỗ béo, ông Pho xuất bán được 222 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, ông thu về lợi nhuận trên 70 triệu đồng. Hiện gia đình ông Pho tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nhờ mô hình này đã giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
 
Các cấp Hội cũng tích cực phối hợp ngân hàng CSXH thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, đã đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay người vay, giúp hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Đến nay, 100% cơ sở Hội đã thực hiện nhận ủy thác với ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ hơn 1.148 tỷ đồng, hỗ trợ 40.895 lượt hộ vay.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tích cực giới thiệu các mô hình, giải pháp hay để nhân rộng trong việc phát huy hiệu quả nguồn Quỹ HTND; tăng cường vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác và thành lập các HTX tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng mô hình điểm về liên kết hỗ trợ vốn sản xuất, đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông sản của hội viên, nông dân... để nguồn Quỹ HTND thực sự là “chiếc cần câu” giúp nông dân mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Văn Trường
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng