Thái Nguyên: Hỗ trợ hàng ngàn hộ vay vốn
16:09 - 02/03/2023
(Quỹ HTND) – Đến nay, Hội ND tỉnh Thái Nguyên đã tích cực xây dựng nhiều mô hình vay vốn Quỹ HTND, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả.
Nguồn vốn Quỹ HTND được giải ngân đảm bảo đúng quy định, đối tượng và mục đích sử dụng, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương


 
 
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND”, Hội ND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua Đề án “Bổ sung vốn điều lệ Quỹ HTND tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”.


Tổng nguồn vốn Quỹ toàn tỉnh hiện đạt 52,124 tỷ đồng, trong đó Trung ương Hội ủy thác 13,150 tỷ, cấp tỉnh 28,340 tỷ, cấp huyện 10,734 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn đang triển khai cho 1.111 hộ vay tại 111 dự án.

 
Nhìn chung, nguồn vốn Quỹ HTND được giải ngân đảm bảo đúng quy định, đối tượng và mục đích sử dụng, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 

Bên cạnh đó, Hội còn đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Năm 2022, các cấp Hội trong tỉnh đã hướng dẫn, triển khai, tư vấn, thành lập mới được 12 Hợp tác xã, 34 Tổ hợp tác, duy trì có hiệu quả của 18 chi Hội nghề nghiệp, 103 Tổ hội nghề nghiệp với gần 2.000 hội viên tham gia tại 09 huyện, thành thị.

 
Cùng với ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án, Quỹ HTND các cấp còn tạo điều kiện để hội viên, nông dân có cơ hội tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kinh doanh. Trong quá trình bình xét cho vay, Hội phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu, trong đó ưu tiên lựa chọn những hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.
 

Để tận dụng và phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương, các cấp Hội còn xây dựng và hướng dẫn hội viên, nông dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, vừa giúp bà con nâng cao lợi nhuận vừa gia tăng tính bền vững.
 

Qua việc thực hiện dự án chăn nuôi bò thương phẩm tại xã Minh Lập - huyện Đồng Hỷ cho thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc sử dụng đồng vốn Quỹ HTND. Xã Minh Lập là một xã trung du miền núi. Đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, sản xuất và chế biến chè, chăn nuôi theo quy mô trang trại.
 

Hội ND xã Minh Lập có 1.292 hội viên, hiện đang sinh hoạt tại 07 chi Hội, trong những năm qua Hội luôn thực hiện tốt công tác Hội và phong trào nông dân, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao.
 

Hội viên, nông dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất lúa, trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm…đời sống của hội viên nông dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm, sản phẩm nông nghiệp thu nhập không ổn định. Xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất.
 

Hội ND xã đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền tổ chức đoàn tham quan đưa hội viên, nông dân đi học tập kinh nghiệm mô hình chăn nuôi bò thương phẩm tại một số địa phương…


Nhận thấy chăn nuôi bò thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã tổ chức cho các hộ chăn nuôi đi tham quan học tập mô hình chăn nuôi bò thương phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc và mạnh dạn đề nghị cấp trên hỗ trợ vốn Quỹ giúp hội viên đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống.
 

Dự án chăn nuôi bò thương phẩm được vay vốn từ Quỹ HTND Trung ương và được các cấp Hội tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã là nguồn động lực giúp các hộ mạnh dạn chuyển đổi quy mô sản xuất từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có quy mô lớn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Sau khi thực hiện dự án chăn nuôi bò thương phẩm, đến nay, toàn xã có 30 hộ chăn nuôi bò thương phẩm trong đó 20 hộ tham gia dự án. Các hộ tham gia dự án đã được cải thiện cuộc sống nhờ có thu nhập khá từ chăn nuôi bò, mở rộng chăn nuôi tăng đàn bò từ 2 con lên đến vài chục con đến nay số lượng đàn bò được tăng từ 27 con lên 109 con, việc tăng doanh thu, tăng lợi nhuận từ chăn nuôi đã góp phần tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi của địa phương.
 

Thông qua dự án, 40 lao động có việc làm mới, đồng thời nông dân có việc làm thường xuyên tại gia đình, tăng thu lợi nhuận, nâng cao đời sống của các hộ nông dân trực tiếp tham gia dự án tăng thu nhập từ 99.000.000 đồng/năm trở lên.


Đến nay, mô hình dự án đã thành lập được Tổ hợp tác hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể, đang hướng tới thành lập Hợp tác xã chăn nuôi, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường cho người tiêu dùng.

 
Từ mô hình chăn nuôi có hiệu quả của Tổ hợp tác chăn nuôi bò thương phẩm đến nay đã có nhiều hộ hội viên trên địa bàn của xã đến học tập và nhân rộng để phát triển kinh tế góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững.


Qua đó khẳng định được sự cần thiết sử dụng đồng vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần xây dựng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 
Bên cạnh đó, công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là một trong những nội dung thi đua sôi nổi trong hoạt động Hội.


Qua chương trình, hội viên, nông dân nghèo cùng các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh được hỗ trợ kịp thời để có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.


Nhìn chung, các hộ vay vốn cơ bản đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích; tích cực tham gia sinh hoạt Tổ TK & VV, học tập kinh nghiệm, chuyển giao KHKT, phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

 
Các cấp Hội tín chấp với ngân hàng NN&PTNT cho 12.780 hộ hội viên, nông dân vay vốn với số tiền 1.904,016 tỷ đồng thông qua 749 Tổ vay vốn; nhận uỷ thác với ngân hàng CSXHcho 23.484 hộ hội viên, nông dân vay vốn 1.126,218 tỷ đồng để sản xuất thông qua 796 Tổ TK&VV.
 

Bên cạnh đó, để nguồn vốn vay thực sự phát huy được hiệu quả, các cấp Hội đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn nhằm kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng vốn vay.

 
Các dự án đều được triển khai thực hiện đúng và đầy đủ theo các khâu trong quy trình cho vay. Nhờ nguồn vốn vay Quỹ HTND và sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội ND các cấp giúp hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống; thu hút đông đảo nông dân vào Hội nhiều hơn đồng thời tạo sự gắn bó chặt chẽ hội viên với tổ chức Hội.

 
Thời gian tới, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức các hoạt động chuyển giao KHKT và công nghệ cho nông dân; chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ để giải quyết các nhu cầu về vốn, vật tư cho nông dân; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH, NN&PTNT tín chấp, nhận ủy thác cho hội viên, nông dân vay vốn; chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ HTND, huy động các nguồn dự án để đáp ứng nhu cầu về vốn cho hội viên, nông dân.
 
 

Tú Tiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng