(Quỹ HTND)- Thời gian qua, nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp các hộ hội viên nông dân có thêm điều kiện mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế hộ và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương.
|
Các mô hình vay vốn Quỹ phần lớn đều đạt hiệu quả giúp người vay tăng thu nhập. |
Tại Bắc Ninh, các mô hình vay vốn Quỹ phần lớn đều đạt hiệu quả giúp người vay tăng thu nhập. Một số mô hình đã được nhân rộng như: Sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả ở xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du); phát triển nghề mộc ở xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong), phường Võ Cường, Khúc Xuyên (TP. Bắc Ninh); phát triển VAC, nuôi trồng thủy sản ở huyện Thuận Thành, Gia Bình; trồng cà rốt xuất khẩu ở huyện Lương Tài; phát triển nghề may công nghiệp ở TP. Từ Sơn…
Thông qua những mô hình phát triển sản xuất không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho những hộ trực tiếp tham gia dự án vay vốn Quỹ mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như trong việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh (vùng trồng cà rốt ở Lương Tài, trồng khoai tây ở Quế Võ, cây ăn quả ở Tiên Du…), phát triển nghề truyền thống (sản xuất bánh đa nem ở Yên Phụ, Yên Phong; sản xuất bún bánh ở Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh…). Đồng thời tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh” (OCOP).
Tại Nghệ An, 563 hộ vay 21.450 triệu đồng Quỹ HTND tỉnh thực hiện 52 dự án chăn nuôi bò. Đến nay, các mô hình chăn nuôi bò phát huy rất tốt hiệu quả sử dụng vốn. Tại xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn) hiện có 26 hộ dân vay 02 tỷ đồng vốn Quỹ HTND đầu tư mua 78 con bò 3B loại F1. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đã tăng trưởng được 282 con loại F1, kết hợp với mua tinh bò 3B để phối vào bò cái lai Sind đã sinh trưởng và đưa tổng đàn lên trên 1.200 con trong toàn xã. Bình quân mỗi con bò 3B lãi từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, bà con chăn nuôi giống bò 3B rất phấn khởi vì bò phát triển nhanh và đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thịt bò.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Nam - xã Vĩnh Sơn được Hội ND hỗ trợ vay vốn mua 10 con bò 3B về nuôi vỗ béo. Thời gian nuôi từ 18-20 tháng là có thể xuất bán. Ông dự tính nếu chăm sóc tốt, sau 10 tháng có thể cho lãi 30 triệu đồng.
Từ hiệu quả của mô hình ở xã Vĩnh Sơn, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các huyện nhân ra diện rộng và trực tiếp đầu tư cho vay Quỹ HTND tỉnh để phát triển các mô hình chăn nuôi bò 3B như: Đầu tư cho 10 hộ hội viên nông dân vay 700 triệu ở xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu); 400 triệu ở xã Thanh Lương (huyện Thanh Chương) với 10 hộ hội viên nông dân vay; 500 triệu ở xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) với 10 hội viên nông dân vay.
Hay như mô hình “Trồng cam xã đoài” theo tiêu chuẩn VietGAP có dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại xã Đồng Thành (huyện Yên Thành) với 37 hộ được vay 1,4 tỷ đồng Quỹ HTND từ năm 2017. Sau 03 năm thực hiện đã nâng quy mô sản xuất từ 72 ha ban đầu tăng lên 60 hộ với diện tích 120 ha, lãi ròng 8,2 tỷ, thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên 5 triệu đồng/tháng, của lao động thời vụ 180.000 – 200.000 đồng/ngày và giải quyết việc làm cho 315 lao động thường xuyên, 630 lao động thời vụ. Mô hình đã góp phần giúp các hộ hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo.
Tại Kon Tum, chị Y Bơr - thôn K’Bay, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) được Hội ND tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng Quỹ HTND và 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH đầu tư trồng 1ha cao su, 3ha cà phê. Sau nhiều năm chăm sóc, vườn cây giờ đây đã cho thu hoạch. Sau đó, chị tiếp tục phát triển mô hình nuôi lợn thịt. Đến nay, trừ mọi chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm và thoát nghèo bền vững.
Đến nay, Quỹ HTND các cấp huyện Sa Thầy đã cho 79 hộ vay 4,3 tỷ đồng triển khai 10 dự án. Từ nguồn vốn nay, nhiều nông dân đã phát triển kinh tế, trở thành tấm gương cho các hội viên khác noi theo. Điển hình như: Anh A Wĩ ở thôn Kơ Tol, xã Hơ Moong với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc phát triển cây cao su; chị Vũ Thị Tám ở thôn Ya De, xã Ya Xiêr với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc nuôi bò vỗ béo; anh Lê Xuân Khiêm ở thôn 2, xã Sa Sơn với thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ việc phát triển cây cà phê.
Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các địa phương.