Nguồn vốn Quỹ HTND tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân
09:28 - 10/02/2023
(Quỹ HTND) - Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết.
Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay qua Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết trồng trọt hiệu quả



Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội, nguồn vốn Quỹ HTND tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Công tác điều hành, quản lý, sử dụng nguồn Quỹ HTND tiếp tục được nâng cao.


Điểm đáng chú ý, các dự án Quỹ HTND đã thúc đẩy hội viên nông dân chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị gia tăng.
 

Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nông dân tham gia các quy trình sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, nhằm phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng.


Tỉnh Hội đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay vốn với các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề cho nông dân nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị.


Bên cạnh đó, các cấp Hội ND đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về mục đích ý nghĩa, nội dung và vai trò của hoạt động Quỹ HTND với công tác Hội và phong trào nông dân. Từ đó giúp cán bộ, hội viên, nông dân và các cấp, các ngành hiểu rõ hơn, nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động của Quỹ HTND.


Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 61 tỷ đồng. Nhìn chung, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. 


Các dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ HTND đã xây dựng được các mô hình sản xuất tốt, có chiều hướng phát triển mở rộng, thành lập các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh.


Quỹ HTND tỉnh đã quan tâm đầu tư vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương.
 

Nhằm hỗ trợ người trồng cam ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn liên kết sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng nông sản, Hội ND tỉnh đã giải ngân vốn vay Quỹ HTND để thực hiện Dự án "Trồng và thâm canh cây cam Canh". Theo đó, 15 hộ trồng cam ở xã Quý Sơn được vay 750 triệu đồng Quỹ HTND thực hiện dự án với quy mô 8ha, trồng 6.400 cây cam Canh…
 

Dự án được thực hiện với mục đích giúp hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình "liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản"; sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đồng thời tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tăng thu nhập kinh tế hộ.

 
Đến nay, toàn xã Quý Sơn đã có 245ha đất chuyển đổi để trồng cam, hình thành một vùng trồng cây có múi chất lượng cao của cả huyện. Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội ND tỉnh đã tích cực tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.


Trong quá trình cho vay, Hội ND tỉnh đã khảo sát nhu cầu vay vốn, ưu tiên lựa chọn các hộ nông dân có khát vọng và ý chí làm giàu, cần cù lao động, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. 


Ngay sau khi giải ngân dự án, Hội ND xã đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam canh theo tiêu chuẩn VietGap, sử dụng phân vi sinh, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và hướng thâm canh hữu cơ cho các hộ tham gia dự án.
 

Các hộ vay vốn đã đầu tư cây giống, cải tạo vườn, mua phân bón và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh vốn vay cùng với nguồn vốn tự có của mỗi hộ gia đình đã đầu tư 800 cây giống/ha, bước đầu đã giải quyết được việc làm cho các hộ vay vốn và từ 20-30 lao động theo thời vụ.

 
Sau thời gian đầu tư chăm sóc cây cam đã cho thu hoạch với sản lượng và chất lượng rất cao, sản lượng bình quân đạt 20 tấn/ha, giá bán bình quân trên 50.000đồng/kg giúp các hộ có thu nhập cao, có hộ thu trên 5 tỷ đồng.


Dự án đã đạt được tất cả các chỉ tiêu chủ yếu mà dự án đề ra, chứng minh thực tế rằng: lựa chọn đúng cây trồng đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất rất cao; các hộ sản xuất biết liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình kinh tế tập thể (mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản) chung mua, chung bán sẽ giảm chi phí đầu vào tăng giá bán và lợi nhuận.

 
Dự án đã trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật và phương pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao năng suất, tăng nhanh sản phẩm hàng hoá, tạo việc làm nâng cao thu nhập.
 

Đặc biệt thông qua thực hiện dự án, đã thành lập tổ Hội nghề nghiệp nông dân trồng cây cam canh của xã với trên 50 thành viên tham gia. Theo anh Lưu Văn Sáng Tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp, những năm trước chưa thành lập tổ Hội, nên việc định hướng đầu tư như thế nào, khoa học kỹ thuật ra sao, chăm sóc cây trồng như thế nào anh tự tìm hiểu, sau 2 năm mất mùa không có tiền đầu tư chăm sóc.

 
 Anh được Hội ND xã định hướng thành lập các Tổ Liên kết, anh đã cùng 14 hộ trong thôn, thành lập tổ hội sản xuất và tiêu thụ cam đường, anh đã được Hội ND hướng dẫn tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây cam đường. Với diện tích trên 3ha trồng cam đường anh thu về trên 5 tỷ đồng.

 
Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
 

Trước đây, các hộ ở thôn Nội và thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên đã tận dụng vùng đầm trũng trong xã để nuôi thả cả. Tuy nhiên, các hộ nuôi cá ở đây đều thiếu vốn và kỹ thuật thâm canh.
 

Ông Nguyễn Văn Vui ở thôn Nội cùng 9 hội viên nông dân khác trong thôn Bỉ và thôn Nội thành lập Tổ hợp tác để liên kết sản xuất và được vay 600 triệu đồng từ Quỹ HTND của Hội ND tỉnh, mỗi hội viên được vay 60 triệu đồng thực hiện Dự án "Nuôi trồng thủy sản".


Có vốn, gia đình ông đã không phải mua cám chịu. Một số thành viên khác như ông Nguyễn Đình Huân, Nguyễn Văn Đại còn dùng vốn vay để sửa ao, mua máy sục oxy nâng cao năng suất nuôi cá.


Sau khi thành lập Tổ hợp tác, các thành viên còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong phòng dịch bệnh, giúp nhau thu hoạch cá khi đến thời vụ, đặc biệt, thống nhất được giá bán, thời điểm thu hoạch, cùng chịu trách nhiệm trả nguồn vốn vay.

 
Thực tế cho thấy, các hộ nuôi cá được vay vốn từ Quỹ HTND, năng suất cá đạt gần 30 tấn/ha/năm. Trong khi đó, những hộ không được hỗ trợ chỉ đạt khoảng 20 tấn cá/ha/năm.
 

Có thể khẳng định, hoạt động Quỹ HTND ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với công tác Hội và phong trào nông dân. Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay qua Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân liên kết trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
 

Minh Xuân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường