(Quỹ HTND) - Để tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Hội ND tỉnh Thái Bình đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND theo quy định.
|
Các dự án được triển khai thực hiện nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện các nội dung, chương trình của Hội đề ra |
Nhằm tăng trưởng vốn vay Quỹ HTND, hàng năm, Hội ND tỉnh tổ chức phân bổ và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cấp Hội, lấy đó làm tiêu chí để bình xét thi đua. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương Hội, Điều lệ Quỹ HTND, Hội ND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn bộ máy, quản lý Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Quỹ HTND.
Việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND được các cấp Hội chú trọng, đến nay tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 31,012 tỷ đồng cho 1.530 hộ vay thực hiện 83 dự án.
Thông qua nguồn vốn vay, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị và lợi nhuận cao. Điển hình như dự án: “ Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” trên địa bàn xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư.
Vũ Đoài là xã sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nằm ở phía Nam xa trung tâm huyện Vũ Thư, xã có diện tích tự nhiên là 719,79 ha, đất canh tác là 512 ha. Từ tiềm năng thế mạnh của xã Vũ Đoài có diện tích mặt nước 68 ha, nông dân có truyền thống nuôi cá nước ngọt từ nhiều đời, có làng đã có nghề cá giống truyền thống, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đáp ứng yêu cầu tổ chức dự án tại địa phương.
Hội ND xã quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên và những hộ tham gia dự án “Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt”, các hộ dân hiện đang thả cá trắm, chép, trôi là các loại giống phù hợp với khí hậu địa phương, thường xuyên tuyên truyền phổ biến, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi trong dự án để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Dự án đã giúp người dân có thu nhập khá từ nuôi cá có thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, làm cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn. Dự án thu nhập mỗi năm từ 7.000.000 – 8.000.000 đồng/sào (360 m2). Mức thu nhập bình quân đạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/người/ tháng
Chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án “ Nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt” được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các quy định pháp luật về đầu tư và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Định hướng nội dung hoạt động của dự án thông qua việc kiểm tra giám sát thường xuyên đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ chăn nuôi tham gia dự án để kịp thời phản ánh với cấp trên để có hướng giải quyết kịp thời.
Dự án đã góp phần khẳng định niềm tin của hội viên, nông dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, khẳng định sử quan tâm của Đảng, nhà nước và Hội cấp trên đối với nông dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng tạo điều kiện để hội viên, nông dân phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu.
Nhìn chung, dự án có tính lan tỏa sâu rộng, hội viên trong dự án sẽ hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ngoài dự án xây dựng mô hình trên địa bàn dân cư góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Mỗi hộ trong dự án tạo thêm việc làm mới thường xuyên cho 1 - 2 lao động.
Nhằm tận dụng nguồn nước sông tự nhiên (sông Hồng), hộ gia đình ông Phạm Đình Chiểu – Thôn 2 đã vay 50 triệu đồng vốn Quỹ đầu tư vật tư, con giống và xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng với quy mô từ 32 - 34 lồng cá, mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi từ 400 triệu - 450 triệu đồng/năm (Cao điểm đã xây dựng và thực hiện 74 lồng).
Quỹ HTND các cấp đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cùng với việc quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn triển khai hiệu quả hoạt động ủy thác nhằm hỗ trợ kịp thời nguồn vốn vay giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất.
Các hoạt động vay vốn ngân hàng NN & PTNT, ngân hàng CSXH được các cấp Hội thực hiện hiệu quả, đồng thời tiếp tục thu hồi và giải ngân các nguồn vốn cho vay, tổng số vốn đến nay đạt 3.431,472 tỷ đồng cho 55.093 hộ vay.
Nguồn vốn vay ngân hàng CSXH là 1.227,6351tỷ đồng cho 31.689 hộ vay; vốn vay ngân hàng NN & PTNT tính đến nay đạt 2.153,837 tỷ đồng cho 23.404 hộ vay, nhìn chung các nguồn vốn vay thông qua kênh của Hội đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Hội định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Các dự án được triển khai thực hiện nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện các nội dung, chương trình của Hội đề ra. Thông qua các dự án được triển khai còn giúp giải quyết việc làm tại chỗ hội viên, nông dân địa phương.
Thời gian tới, các cấp Hội tập trung bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, nhất là các chương trình trọng điểm của tỉnh về phát triển nông nghiệp nhằm vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các mô hình liên kết nhóm, hộ, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.