Công tác phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp được Hội Nông dân thành phố chú trọng triển khai. Tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tăng trưởng nguồn vốn theo hướng đề xuất cấp vốn điều lệ từ ngân sách Thành phố, hiện Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã được phê duyệt cấp vốn điều lệ giai đoạn 2021-2025 là 225 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2022 cấp vốn điều lệ là 155 tỷ đồng. Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp để tổ chức các hình thức vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân hàng năm.
Hiện có 8/8 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện thành lập Quỹ HTND. Quỹ HTND huyện Củ Chi là đơn vị có nguồn vốn đang quản lý cao nhất với số tiền là 3,31 tỷ đồng; huyện Cần Giờ là đơn vị có nguồn vốn đang quản lý thấp nhất với số tiền là 0,72 tỷ đồng. Quỹ HTND cấp huyện quản lý là 13,97 tỷ đồng, trong đó: vốn cấp huyện vận động là 1,81 tỷ đồng, cấp xã có 91 đơn vị trực tiếp vận động tạo nguồn vốn với tổng số tiền là 12,16 tỷ đồng (78 đơn vị có mức vốn trên 100 triệu đồng, 13 đơn vị có mức vốn từ 50 – 100 triệu đồng, riêng Hội Nông dân Phường 28, quận Bình Thạnh là cơ sở Hội trực thuộc Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, do đó không thành lập Quỹ HTND mà nhận vốn trực tiếp từ Quỹ HTND Thành phố).
Tổng nguồn vốn toàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là 149,39 tỷ đồng, gồm: Nguồn thành phố: 135,42 tỷ đồng, chiếm 90,65% tổng nguồn vốn; Nguồn huyện, quận: 1,81 tỷ đồng, chiếm 1,21% tổng nguồn vốn; Nguồn xã phường: 12,16 tỷ đồng, chiếm 8,14% tổng nguồn vốn.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện vận động tăng trưởng nguồn vốn để kịp thời phát vay hỗ trợ hội viên sản xuất, hiện nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố tăng trưởng với tổng số tiền là 31.039,65 triệu đồng, đạt tỷ lệ 155,19% chỉ tiêu Trung ương Hội giao, bao gồm: Nguồn thành phố tăng 30.453,42 triệu đồng; nguồn huyện, quận tăng 27,63 triệu đồng và nguồn xã, phường tăng 558,6 triệu đồng.
Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn hiện có phát vay cho hội viên, ngay từ đầu năm Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã lãnh đạo Quỹ HTND xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch phân bổ vốn cả năm để triển khai cho Hội Nông dân thành phố Thủ Đức và huyện, quận. Trên cơ sở đó, hàng tháng Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố thông báo thu hồi vốn, phí gửi cho Hội Nông dân thành phố Thủ Đức, huyện, quận biết trước một đến hai tháng để cân đối triển khai giải ngân và đôn đốc thu hồi vốn, phí đến hạn.
Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố chỉ đạo Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã thực hiện giảm phí cho vay và tỷ lệ trích phí Quỹ hỗ trợ nông dân trong quý 1, quý 2 năm 2022 đối với các hộ vay bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 từ 7,8%/năm (0,65%/tháng) xuống 7,2%/năm (0,6%/tháng); kết quả trong năm 2022, Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã giảm phí vay cho 1.894 hộ với số tiền 365,53 triệu đồng.
Năm 2022, Quỹ HTND các cấp trên địa bàn thành phố đã giải ngân 552 dự án với số tiền 100,15 tỷ đồng cho 2.212 người vay, trong đó: cấp Thành phố đã ủy nhiệm chi cho Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện với số tiền là 91,61 tỷ đồng để giải ngân 402 dự án cho 1.894 hộ vay vốn; nguồn vốn cấp huyện quản lý đã giải ngân 150 dự án với số tiền 8,54 tỷ đồng cho 318 hộ vay vốn.
Quỹ HTND Thành phố có tỷ lệ giải ngân bình quân đạt trên 91% cao hơn so với năm 2021 (89,92%). Trong bối cảnh thành phố phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân tăng, Quỹ HTND Thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố thống nhất chủ trương tiếp tục giải ngân các dự án vay vốn ngành nghề dịch vụ và các dự án vay vốn tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có nợ quá hạn để kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế gia đình của hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, Quỹ HTND thành phố còn tiến hành thu hồi vốn số tiền 98,85 tỷ đồng của 2.294 hộ vay, trong đó: nguồn vốn thành phố thu hồi số tiền 89,95 tỷ đồng của 1.934 hộ vay; nguồn vốn cấp huyện quản lý thu hồi 8,91 tỷ đồng của 360 hộ vay. Tính đến 30/11/2022, nợ quá hạn toàn Thành phố là 2.332,94 triệu đồng/90 hộ vay, chiếm tỷ lệ 1,75% tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn thành phố (trongđó: nợ quá hạn nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp thành phố là 1.882,70 triệu đồng/58 hộ; nợ quá hạn nguồn vốn cấp huyện quản lý là 450,24 triệu đồng/32 hộ).
Nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn và thu hồi được nợ quá hạn tồn đọng, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện thu hồi nợ quá hạn nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố năm 2022 để triển khai, đánh giá phân loại nợ và có giải pháp thu hồi nợ đối với từng trường hợp nợ quá hạn.
Kết quả, Quỹ HTND Thành phố phối hợp Quỹ HTND huyện và Hội Nông dân cấp xã vận động thu hồi nợ quá hạn mới phát sinh là 1.781,5 triệu đồng của 41 hộ vay và thu hồi nợ quá hạn tồn đọng là 794,9 đồng của 42 hộ vay (kéo giảm 44,18% so với nợ quá hạn nguồn vốn Thành phố tại thời điểm 30/11/2021); đồng thời, thực hiện gia hạn nợ cho 15 hộ vay với số tiền 733 triệu đồng.
Tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố là 133.495,31 triệu đồng với 747 dự án cho 2.981 hộ vay (trong đó: dư nợ nguồn vốn cấp thành phố là 123.015,2 triệu đồng với 549 dự án cho 2.598 hộ vay; dư nợ nguồn vốn cấp huyện quản lý là 10.480,11 triệu đồng với 198 dự án cho 383 hộ vay). Tương ứng tỷ lệ dư nợ toàn thành phố đạt 89,36% (trong đó, tỷ lệ dư nợ nguồn vốn cấp thành phố đạt 90,84%).
Cùng với việc được Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp giải ngân vốn với số tiền 100,15 tỷ đồng, đã thu hút thêm trên 345,16 tỷ đồng vốn đầu tư của hội viên nông dân để duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Qua đó góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu xây dựng liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (các dự án trồng rau VietGap, rau an toàn, rau thủy canh, hoa lan, cây kiểng, nuôi tôm thẻ có trải bạt), hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân tham gia thực hiện Đề án phát triển Du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.
Một số mô hình điển hình hiệu quả được Quỹ HTND Thành phố hỗ trợ vốn vay gồm: Mô hình tiểu thủ công nghiệp: hộ ông Đỗ Thế Vinh (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) vay vốn 50 triệu đồng đầu tư sản xuất thủ công mỹ nghệ ngà, sừng; Mô hình chăn nuôi bò: hộ ông Tô Văn Tấn (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) vay vốn 100 triệu đồng đầu tư mô hình chăn nuôi bò; hộ bà Huỳnh Thị Hoàng (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) vay vốn 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản; hộ ông Huỳnh Tấn An (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) vay vốn 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò siêu thịt; Mô hình trồng lan: hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Chủ Doanh nghiệp có ký thỏa thuận hợp tác và tiêu thụ sản phẩm hoa lan cho hội viên xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, vay vốn 200 triệu đồng…
Thông qua hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập từng bước ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho 5.530 lao động, nhiều mô hình mới được hình thành và nhân rộng, giúp nông dân trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn và tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.