Nông thôn đổi mới nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND
16:02 - 10/01/2023
(Quỹ HTND) – Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong cả nước đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác vận động, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Qua đó, tạo đà cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân tích cực xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới, gia tăng thu nhập, vươn lên khá, giàu.


Tại tỉnh Sơn La, nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND. Trên cơ sở đó, Hội ND nhiều huyện, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đưa vào kế hoạch ngay từ đầu năm và trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.


Nguồn vốn Quỹ HTND góp phần xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng và giá trị kinh tế cao tại nhiều địa phương trong cả nước


 
Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cũng như của Hội cấp trên nên nguồn vốn Quỹ HTND được quan tâm phê duyệt và bổ sung vốn hàng năm. Nhờ đó, đã kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn có thêm nguồn lực, giúp các hộ chủ động hơn trong việc đầu tư xây dựng các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống.

 
Kết quả, năm 2022 Quỹ HTND toàn tỉnh tăng trưởng 5.366 triệu đồng (đạt 107,3% chỉ tiêu kế hoạch giao); nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đang quản lý đạt trên 67.920 triệu đồng.

 
Trong đó: Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh quản lý 33.069 triệu đồng (15.400 triệu đồng nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác, 17.669 triệu đồng nguồn vốn của tỉnh); nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện quản lý 34.850 triệu đồng (ngân sách cấp huyện duyệt bổ sung 15.810 triệu đồng, 18.928 triệu đồng từ nguồn ủng hộ, vận động của huyện và xã, 112 triệu đồng từ nguồn bổ sung).

 
Đáng chú ý, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố đều đã xây dựng được Quỹ HTND. Có 09 đơn vị Hội ND cấp huyện phát triển nguồn vốn Quỹ từ mức 1 tỷ đồng trở lên, gồm các huyện: Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp, thành phố Sơn La. Ngoài ra, các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Mường La có vốn Quỹ HTND từ 500 triệu - 1 tỷ đồng.

 
Trong kỳ, Quỹ HTND đã thu hồi xong 18.180 triệu đồng được triển khai giải ngân để thực hiện 68 dự án với 514 hộ vay trước đó. Đồng thời, các cấp Hội tiếp tục phê duyệt, đầu tư cho vay 24.385 triệu đồng (kể cả nguồn mới và quay vòng) cho 723 hộ hội viên, nông dân vay triển khai tại 92 dự án phát triển sản xuất.
 

Như vậy, lũy kế tổng dư nợ tính đến hết năm 2022, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã cho 1.898 hộ vay 65.898 triệu đồng thực hiện 236 dự án. Cụ thể: Nguồn ủy thác của Trung ương Hội 15.400 triệu đồng đang cho 273 hộ vay tại 24 dự án; nguồn cấp tỉnh quản lý 17.550 triệu đồng cho 349 hộ vay thực hiện 33 dự án; nguồn cấp huyện quản lý cho 1.276 lượt hộ vay 32.948 triệu đồng triển khai 179 dự án.

 
Đến nay, nhiều mô hình, dự án nhờ đầu tư đúng hướng đã giúp phát huy tốt các lợi thế sẵn có của các địa phương, sản xuất ra những mặt hàng nông sản có năng suất và giá trị kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích. Trên địa bàn cũng đã xuất hiện nhiều mô hình mới, đang tiếp tục được các cấp Hội chỉ đạo nhân rộng, trở thành địa điểm tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm của hàng trăm hội viên, nông dân trong tỉnh.

 
Một số mô hình sản xuất đã cho thấy tính hiệu quả và giá trị kinh tế cao như: Mô hình trồng và chăm sóc cây chanh leo tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả có múi tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn; mô hình trồng rau an toàn ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu…

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.

 
Tiêu biểu như: Mô hình dự án đầu tư mới trồng và chăm sóc cây xoài, nhãn thay thế cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp tại một số xã trọng điểm của tỉnh (được triển khai tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu, Yên Châu); các dự án chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, gắn với trồng cỏ có lắp đặt hệ thống tưới ẩm tại các xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ), Chiềng Pha (huyện Thuận Châu) giúp bà con nông dân từng bước chuyển hướng chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt chuồng mang lại hiệu quả.

 
Trong năm 2022, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời hỗ trợ vốn vay cho hội viên, nông dân để tăng gia sản xuất, mở rộng quy mô và tăng thu nhập, góp phần giúp hội viên, nông dân trong tỉnh vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. 

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 51 tỷ đồng (tăng 7,791 tỷ đồng so với cuối năm 2021). Trong đó: Nguồn Trung ương Hội ủy thác 13,1 tỷ đồng; nguồn cấp tỉnh quản lý 28,3 tỷ đồng; nguồn cấp huyện quản lý hơn 10 tỷ đồng.

 
Nhờ làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội ND tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua Đề án “Bổ sung vốn điều lệ Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”. Được UBND tỉnh quan tâm, ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025.

 
Ngay sau đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tổ chức hội nghị để triển khai và kịp thời hướng dẫn Hội ND các huyện, thành phố, thị xã làm thủ tục lập kế hoạch, đề án xin cấp vốn điều lệ cho Quỹ HTND cấp huyện. Hiện, đã có 8/9 đơn vị cấp huyện đã được phê duyệt đề án Quỹ HTND, giai đoạn 2021- 2025.

 
Kết quả, đã có 03 huyện đạt mức trên 01 tỷ đồng gồm các huyện: Phổ Yên (2,68 tỷ đồng); Định Hóa (1,80 tỷ đồng); Đại Từ (1,09 tỷ đồng). Ngoài ra, 06 huyện có nguồn vốn từ 500 triệu - 1 tỷ đồng (huyện Võ Nhai, Phú Bình, Phú Lương, Sông Công, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên).

 
Lũy kế trong kỳ, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã giải ngân 51,499 tỷ đồng cho 1.187 hộ vay để triển khai thực hiện 115 dự án.

 
Cụ thể: Nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác 13,150 tỷ đồng cho 314 hộ vay để thực hiện 25 dự án (bình quân 526 triệu đồng/dự án, 41,8 triệu đồng/hộ); nguồn cấp tỉnh 28,340 tỷ đồng cho 617 hộ vay thực hiện 56 dự án (bình quân 45,9 triệu đồng/dự án, tỷ lệ đầu tư 44,6% cho dự án trồng trọt, 35,6% chăn nuôi, 7,1% thủy sản, 12,5%làng nghề); nguồn cấp huyện giải ngân trên 10 tỷ đồng cho 268 hộ vay thực hiện 35 dự án (bình quân 286 triệu đồng/dự án, trên 37,3 triệu đồng/hộ).

 
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã trực tiếp thẩm định, giải ngân đối với các nguồn vốn do Trung ương Hội NDVN ủy thác và nguồn cấp tỉnh quản lý. Các dự án được thực hiện đúng, đầy đủ các khâu trong quy trình cho vay, nhìn chung đã đầu tư đúng mục đích, phát huy được hiệu quả nguồn vốn.

 
Một số mô hình điển hình được xây dựng và hình thành tại các địa phương như: “Chăm sóc chè theo hướng hữu cơ” tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh (huyện Phú Lương); tổ hợp tác chăn nuôi bò thương phẩm tại xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ); trồng và chăm sóc chè tại các xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên); trồng đào thế, đào cảnh ở phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên...

 
Đặc biệt, có nhiều sản phẩm nông sản từ việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án do Quỹ HTND hỗ trợ nguồn lực đã trở thành những sản phẩm chủ lực địa phương và được đăng ký sản phẩm OCOP, được Hội ND tỉnh trao tặng danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

 
Qua đánh giá, các mô hình, dự án được xây dựng, đề xuất lên cấp trên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân. Do đó, khi triển khai đã phát huy tốt lợi thế của các địa phương giúp mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn; các hộ vay vốn tự liên kết thành các nhóm hộ, tổ liên kết xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 
Có thể thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hàng ngàn hội viên, nông dân đầu tư nguồn lực kịp thời để phát triển sản xuất các loại cây, con đặc sản nhằm nâng cao giá trị và lợi nhuận. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, các dự án vay vốn đều là những mô hình liên kết, gắn với việc thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các Câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề; áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Từ đó, hoạt động Hội ngày càng có nội dung phong phú hơn, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong hệ thống chính trị.

 


Hà Hương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng