Thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà): Nâng cao chất lượng Quỹ Hỗ trợ nông dân
15:42 - 06/01/2023
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND thành phố luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND đối với mục tiêu xây dựng, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo.

Nhiều mô hình, dự án của thành phố Cam Ranh khi triển khai đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hội viên, nông dân trên địa bàn


 
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Hội ND thành phố đã quan tâm chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở tập trung mọi nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Để công tác vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND có hiệu quả, Ban Thường vụ Hội ND thành phố có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, các tổ chức, cá nhân hiểu về mục đích, ý nghĩa, hoạt động và hiệu quả của vốn Quỹ trong việc tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng và có sức lan tỏa ngày càng rộng trong hệ thống Hội.

 
Đến nay, Quỹ HTND thành phố đang quản lý nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, các cơ sở Hội trên địa bàn đã huy động từ các hộ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đóng góp được hơn 155 triệu đồng, nâng tổng số tiền vận động từ hội viên, nông dân ủng hộ xây dựng Quỹ HTND thành phố lên hơn 2,1 tỷ đồng.

 
Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND thành phố đã tham mưu Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố xem xét cấp bổ sung từ nguồn ngân sách cấp xã, phường. Nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương nên nguồn ngân sách các cấp đã phê duyệt và cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ HTND tăng trưởng đều qua các năm.

 
Bên cạnh đó, Hội ND thành phố cũng căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ HTND để xây dựng kế hoạch cụ thể; đồng thời, giao chỉ tiêu vận động và tổ chức ký kết thi đua đến các cơ sở Hội nhằm đẩy mạnh việc vận động hội viên, nông dân, các chủ trang trại, doanh nghiệp và nông dân sản xuất giỏi các cấp tích cực tham gia. Trong năm, Ban điều hành Quỹ HTND thành phố cũng đã kịp thời phân bổ và quản lý tốt nguồn vốn ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn theo đúng quy định.

 
Hoạt động ủy thác giữa Hội ND thành phố với các ngân hàng trên địa bàn cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thành phố đạt trên 7 tỷ đồng, với hơn 380 hộ hội viên, nông dân được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đáng chú ý, các mô hình liên kết sản xuất như tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác và Hợp tác xã đều được các cấp Hội quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay để kịp thời đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mới.

 
Thông qua các nguồn vốn vay, nhiều dự án được triển khai thực hiện đã góp phần xây dựng các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, chi, tổ Hội ND nghề nghiệp... Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân, biết chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh giúp tăng năng suất, tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập để phát triển kinh tế hộ gia đình, trở thành những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi ở các cấp.

 
Tiêu biểu như dự án vay vốn của Hợp tác xã trồng táo trong nhà lưới tại xã Cam Thành Nam được đánh giá là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả trên địa bàn thành phố Cam Ranh. Đây là mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Táo Cam Thành Nam” và đến nay hình thành được kênh phân phối khá bài bản.

 
Những năm trước đây, hơn 40 ha trồng táo chuyên canh của hội viên, nông dân trong xã thường xuyên bị dịch ruồi vàng làm hại quả, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên, bà con nông dân bảo nhau mua thuốc trừ ruồi về pha chế rồi tiến hành phun xịt trên cây trồng, nhưng việc làm này vừa không mang lại hiệu quả triệt để mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

 
Trước những khó khăn thực tế đặt ra, Hội ND thành phố đã xây dựng dự án và đề xuất lên trên, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt, giải ngân nguồn vốn 800 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để cùng đồng hành với các thành viên trong Hợp tác xã. Có vốn, các hộ trồng táo đã xây dựng nhà lưới nhằm ngăn chặn ruồi vàng và các sinh vật gây hại cũng như đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.

 
Nhờ được đầu tư bài bản, đúng hướng đã giúp sản lượng táo của các hộ dân tăng từ 0,5 tấn lên 0,8 tấn/ha; đồng thời, giảm bớt chi phí tiền công và thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới trên cây trồng... Theo ước tính của các hộ dân, với 1 ha táo được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có đầu tư nhà lưới ngăn sâu bệnh và ruồi vàng thì sau từ 2 - 3 năm, mỗi hộ nông dân thu về trên 500 triệu đồng/ha, sau khi trừ hết các chi phí còn thu lãi khoảng 250 triệu đồng/năm/ha.

 
Có nhiều mô hình, dự án sau khi triển khai được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, là mô hình điểm để các cấp Hội tiếp tục nhân rộng trên địa bàn, điển hình như mô hình sản xuất của Tổ hợp tác sửa chữa tàu thuyền phường Cam Phúc Nam.

 
Từ nguồn vốn ủy thác 300 triệu đồng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tạo điều kiện kịp thời cho 10 hộ thành viên vay vốn đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị để mở rộng và nâng cấp các dịch vụ sửa chữa ghe, thuyền của Tổ. Đến nay, lượng khách hàng của Tổ hợp tác tăng lên rõ nét, giúp doanh thu bình quân của Tổ đạt khoảng 1,5 tỷ đồng (trước đây chỉ đạt 1 tỷ đồng/năm); ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho 8 - 10 lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

 
Hay như mô hình Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh mộc- mỹ nghệ Thuận Thành ở phường Cam Thuận, với nguồn vốn 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND thành phố đã hỗ trợ cho 10 hộ vay mua thêm máy móc thiết bị và mở rộng sản xuất. Nhờ được nâng cấp kịp thời, hàng tháng, Tổ hợp tác tạo ra trên 100.000 sản phẩm gỗ mỹ nghệ và đang được tiêu thụ rộng rãi tại các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…).

 
Ước tính doanh thu hiện nay của Tổ hợp tác đạt trên 1 tỷ đồng/năm (tăng 30% so với trước). Ngoài ra, hoạt động sản xuất của Tổ hợp tác còn giúp tạo việc làm cho trên 100 lao động có thu nhập ổn định từ  3- 5 triệu đồng/người/tháng. 

 
Song song với hoạt động vay vốn, các cấp Hội còn chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật giúp hội viên, nông dân nắm được kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.


Đồng thời, các huyện, thị và cơ sở Hội còn phối hợp với các Viện, trung tâm, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn đưa các giống, cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để bà con nông dân có điều kiện học tập, nhân rộng.


Năm 2022, Hội ND thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 12 buổi tập huấn; 1 lớp dạy nghề; 2 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng online và chuyển đổi số trong nông nghiệp dành cho các đơn vị Hội có sử dụng vốn Quỹ HTND; xây dựng 6 mô hình trình diễn…

 
Mặt khác, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân mở rộng và đa dạng các kênh tiêu thụ nông sản, hàng hóa như: Hướng dẫn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức các phiên chợ nông sản…

 
Nhờ các giải pháp linh hoạt, đồng bộ được triển khai giúp cho nhiều mặt hàng, sản phẩm của hội viên, nông dân trên địa bàn đã được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Một số sản phẩm cũng đã sử dụng được thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường, như: Tôm hùm Cam Lập, xoài sấy dẻo Top-Food, táo Cam Thành Nam (xã Cam Thành Nam); thịt dê thương phẩm (xã Cam Phước Đông); hải sản khô (xã Cam Bình)...

 
Có thể thấy, Quỹ HTND thành phố Cam Ranh là một trong những nguồn tín dụng quan trọng hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập. Nhờ được vay vốn Quỹ HTND kịp thời, nhiều hộ nông dân khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần thiết thực trong việc phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn thành phố.

 

Thúy Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường