Quỹ HTND Bắc Ninh: Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho 3.458 lao động nông thôn
16:18 - 04/02/2023
(Quỹ HTND)- Đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nhiều gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sản xuất với những mô hình hay trong đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. 
Các mô hình vay vốn phần lớn đều đạt hiệu quả giúp người vay tăng thu nhập, một số mô hình đã được nhân rộng như phát triển VAC


 
Hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND các cấp đã tích cực chỉ đạo các huyện, thành Hội tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn vốn.


Thông qua nguồn vốn Quỹ, Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai xây dựng nhiều mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND, cho vay và sử dụng quỹ gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của hội viên, nông dân.
 

Năm 2022, tăng trưởng nguồn Quỹ HTND đạt 15,612 tỷ đồng nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 114,512 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn đang giải ngân cho 1.583 hộ nông dân thực hiện 363 dự án, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho 3.458 lao động. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ để nắm bắt những thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh.

 
Nhìn chung, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích với nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, góp phần chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm giúp các hộ nông dân nghèo vươn lên làm giàu.


Để sử dụng nguồn Quỹ hiệu quả, Hội ND các cấp phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

 
Các mô hình vay vốn phần lớn đều đạt hiệu quả giúp người vay tăng thu nhập. Một số mô hình đã được nhân rộng như: Sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả ở xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du); phát triển nghề mộc ở xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong), phường Võ Cường, Khúc Xuyên (TP. Bắc Ninh); phát triển VAC, nuôi trồng thủy sản ở huyện Thuận Thành, Gia Bình; trồng cà rốt xuất khẩu ở huyện Lương Tài; phát triển nghề may công nghiệp ở TP. Từ Sơn…

 
Thông qua những mô hình phát triển sản xuất không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho những hộ trực tiếp tham gia dự án mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
 

Đồng thời, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh như: Trồng cà rốt ở huyện Lương Tài, trồng khoai tây ở huyện Quế Võ, cây ăn quả ở huyện Tiên Du, phát triển nghề truyền thống như: Sản xuất bánh đa nem ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong; sản xuất bún bánh ở  phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh từ đó tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP.


Nguồn vốn trên đã giúp nhiều hội viên, nông dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 
Hàng năm, các cấp Hội đã phê duyệt, giải ngân nguồn vốn trên để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập. Nhìn chung, các dự án đều đã phát huy tính hiệu quả.


Thông qua các mô hình, dự án được triển khai, nhiều hộ hội viên, nông dân đã có mức thu nhập khá. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ban quản lý Quỹ HTND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chú trọng việc khảo sát, thẩm định, lựa chọn đúng đối tượng vay vốn.


 Phương thức cho vay theo dự án trong thời gian qua là định hướng đúng  giúp bà con nông dân mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. 


Tam Sơn là xã  thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Khi được phân bổ nguồn vốn để xây dựng dự án “Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ” Ban Thường vụ Hội ND xã đã tổ chức xét duyệt hộ vay đúng đối tượng, hướng dẫn lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Hội.


Trước và sau giải ngân vốn, Hội ND xã đã phối hợp với Hội cấp trên, các cơ quan chuyên ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những hộ vay; đồng thời Ban quản lý dự án định kỳ duy trì sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.


Các cấp Hội thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, đảm bảo nguồn vốn cho vay sử  dụng đúng mục đích, có hiệu quả, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém để có hướng giải quyết.


Với nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.


Nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hàng chục nông dân trong lúc nông nhàn có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân đồng thời giúp cho các hộ có thêm kinh nghiệm và kỹ năng trong sản xuất.


Ưu điểm lớn nhất của Quỹ HTND là vay bằng hình thức tín chấp thông qua các cấp Hội. Nhiều hộ hội viên, nông dân đã tiếp cận được với nguồn vốn đặc biệt là những nông dân nghèo.


Từ nguồn vốn ưu đãi xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, xuất sắc tiêu biểu các cấp, sau đó đã quay trở lại giúp các hộ khác cùng vươn lên, làm ấm thêm tình thôn xóm và cùng nhau hợp tác, chung sức xây dựng nông thôn mới.


Qua hoạt động của Quỹ, việc tổ chức các phong trào nông dân đã có nhiều đổi mới và được triển khai có hiệu quả đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
 

Đa số các hộ được vay vốn đã đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Thông qua hoạt động của Quỹ cũng góp phần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội.

 
Để hỗ trợ hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn Quỹ được vay đảm bảo đúng mục đích, mang lại hiệu quả lâu dài; trong quá trình cho vay vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp đã phân công cán bộ theo sát dự án, hướng dẫn, định kỳ giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay của các hộ hội viên.

 
Đồng thời Hội ND các cấp tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, cung ứng cho nông dân các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ sản xuất như cung ứng phân bón trả chậm, liên kết tiêu thụ nông sản, hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và trên các kênh thương mại điện tử.

 
Bên cạnh đó, Hội ND các cấp còn vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia thành lập chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn.


Quỹ còn tạo động lực cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: Gia đình ông Nguyễn Văn Khang (ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhờ vay vốn từ Quỹ HTND để phát triển sản xuất.

 
Trước đây, gia đình ông canh tác hơn 8 sào rau, nhưng do đầu ra không ổn định, cộng với việc không có vốn để sản xuất nên gia đình ông chỉ canh tác có 4 sào, diện tích còn lại gia đình ông phải bỏ hoang. Khi được Hội ND xã Việt Đoàn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND, gia đình ông đã đầu tư mua máy móc, cải tạo lại 8 sào ruộng để trồng những loại rau, củ, quả ngắn ngày.

 
Để tăng năng suất, chất lượng và tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, gia đình ông Khang đã tham gia HTX sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du và trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, trừ chi phí gia đình ông lãi trên 50 triệu đồng mỗi năm.

 
Bên cạnh đó, để bảo toàn nguồn vốn Quỹ HTND, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể về hoạt động Quỹ ở tất cả các cấp.


Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều triển khai tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn Quỹ HTND. Nhìn chung, các dự án được cho vay theo đúng quy trình, từ khâu xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt, giải ngân.


Do đó, không xảy ra tình trạng cho vay sai đối tượng hoặc người vay sử dụng vốn vay sai mục đích. Các dự án đều tiến hành thu nộp gốc và phí đúng hạn; không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng nguồn vốn, phí.


Các nguồn vốn trên đã tiếp thêm nguồn lực cho Hội ND các cấp trong việc đưa nội dung hoạt động Hội vào thực chất, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua do Hội phát động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhiều hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn nhằm nâng cao đời sống cho bà con.
 


 
Thu Thân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường