Quỹ HTND Phú Thọ: Phát triển mô hình liên kết tại dự án “Chăn nuôi vịt suối thương phẩm”
11:39 - 09/01/2023
(Quỹ HTND)- Đầu năm 2022, căn cứ đề nghị của Hội ND xã Đông Cửu, Hội ND huyện Thanh Sơn về việc đề nghị bố trí nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện dự án “Chăn nuôi vịt suối thương phẩm”, Quỹ HTND tỉnh đã phối hợp với các cấp Hội cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, hướng dẫn xây dựng dự án và thẩm định các hộ vay vốn để giải ngân 600 triệu đồng cho 10 hộ vay thực hiện dự án. 

Cán bộ Hội ND huyện Thanh Sơn kiểm tra mô hình

Gắn với giải ngân nguồn vốn Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND huyện thành lập chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt tại xã Đông Cửu với 15 thành viên tham gia.
 

Qua gần 1 năm triển khai, gia đình ông Hà Xuân Mai - khu Bái, xã Đông Cửu là một trong 10 hộ tham gia dự án và là hộ chăn nuôi nhiều vịt suối. Ông Mai cho biết: “Nuôi vịt suối cho thời gian xuất bán nhanh hơn (khoảng 3 lứa/năm), mỗi lứa gia đình nuôi 200 con. Nuôi loại vịt suối này không tốn nhiều công chăm sóc và cơ bản lao động nông nhàn ở độ tuổi nào cũng làm được. Mỗi lứa xuất bán sau khi trừ chi phí về giống, thức ăn, thuốc bảo vệ… cũng thu được số tiền khá cao. Đặc biệt, không phải lo đầu ra tiêu thụ bởi Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Bình An của xã đã nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân”.


Được biết, Đông Cửu là xã miền núi vùng cao của huyện Thanh Sơn, còn nhiều khó khăn do diện tích canh tác ít, đường giao thông vào xã vẫn gập ghềnh, xa xôi. Nhờ, điều kiện tự nhiên đã ưu đãi cho xã có nhiều khe suối chảy qua thuận lợi cho việc chăn thả vịt suối. Đi qua các xóm, khu ở Đông Cửu thường bắt gặp từng đàn vịt đắm mình trong làn nước trong veo của những khe suối. Những con vịt suối có lông màu nâu xám, cổ ngắn, mỏ nhỏ, chân nhỏ, khi trưởng thành vịt nặng chỉ 1,5 - 1,8kg, con to nhất khoảng 2kg nếu chăm sóc tốt. Loại vịt này được người dân chăn thả kết hợp giữa tự nhiên, không ăn cám tăng trọng; buổi sáng vịt được thả ra suối tự tìm kiếm thức ăn, chiều tối vịt thường tự về nhà theo đàn.
 

Trên địa bàn xã hiện có 12 hộ dân chăn nuôi vịt suối theo hướng thương phẩm. Nhằm giúp bà con nông dân ổn định đầu ra, HTX dịch vụ Bình An chịu trách nhiệm cung ứng về con giống, thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh…; đồng thời, cử cán bộ thú y hướng dẫn cho bà con quy trình, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vịt, kiểm tra, vệ sinh chuồng, trại nuôi… Người dân chịu trách nhiệm nuôi, chăm sóc vịt từ con giống đến khoảng hai tháng tuổi, sau đó HTX sẽ mua lại với giá cam kết từ ban đầu. Khi đạt đủ thời gian chăn nuôi khoảng hơn ba tháng, HTX sẽ xuất bán ra thị trường.


Đồng chí Hà Văn Cách - Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho biết: “Mô hình nuôi vịt suối giúp giải quyết việc làm, tăng nhu nhập cho người dân trong xã, từng bước giúp các hộ chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo. Hiện, xã đang có chiến lược khai thác đặc trưng, thế mạnh nhằm phát triển mạnh mẽ thương hiệu vịt suối Đông Cửu, hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương”.


Có thể khẳng định, dự án “Nuôi vịt suối thương phẩm” từ nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân đầu tư phát triển kinh tế, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tạo được sự gắn kết giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội; từng bước xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng  yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
 

Lý Quang Đại
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng