|
Gắn liền với hoạt động vay vốn, các cấp Hội luôn chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp bà con áp dụng vào chăn nuôi hiệu quả nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn
|
Việc xây dựng nguồn Quỹ dân được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Hội ND các cấp. Đây là kênh trợ vốn hiệu quả cho hội viên, qua đó, còn xây dựng những mô hình kinh tế có thu nhập cao, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp đặc thù địa phương, vừa có sức lan tỏa, cụ thể hóa được Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa góp phần đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.
Với việc đưa nguồn vốn Quỹ HTND đến với bà con, Hội đã khẳng định vai trò là chỗ dựa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia. Qua đó, hoạt động của mạng lưới Hội tại cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả tập hợp nông dân.
Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi. Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ quy trình trợ vốn, thu hồi vốn dự án, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với giải quyết nông sản hàng hóa đầu ra, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, nâng chất hoạt động của Quỹ từ đó, có thêm nhiều hội viên, nông dân được hưởng lợi.
Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt 50,511 tỷ đồng cho 2.347 hộ vay thông qua 231 dự án phát triển sản xuất. Thực tế cho thấy, từ nguồn Quỹ ngoài việc giúp hội viên, nông dân có vốn phát triển kinh tế, còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tiếp cận với việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Nhìn chung, các dự án đều phát huy hiệu quả, các hộ tham gia sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thu nhập ổn định, nhiều hội viên, nông dân đã có cuộc sống khấm khá hơn.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 227 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, kiến thức phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây rau, kỹ thuật trồng cây có múi, trồng khoai lang cho 21.070 lượt hội viên, nông dân.
Tại địa phương, các dự án được triển khai đúng quy trình cho vay; công tác khảo sát và lựa chọn phát triển mô hình được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chọn mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, phát huy được thế mạnh của vùng.
Các dự án vay vốn Quỹ đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra, hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, nộp phí đúng hạn, kết thúc dự án, các hộ vay vốn trả đầy đủ gốc đúng hạn. Hội ND các cấp luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng vốn, xác định mô hình điểm để nhân rộng, nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khác được vay vốn phát triển sản xuất.
Qua nhiều năm triển khai, Quỹ HTND trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là những nông dân có ý chí làm giàu nhưng thiếu vốn. Coi trọng phương châm "Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân", nhờ vậy, Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả vốn vay.
Đến nay, Quỹ HTND vay vốn phát triển sản xuất ở các lĩnh vực. Hiệu quả từ mô hình chi Hội nghề nghiệp “Sản xuất kinh doanh mộc, đóng thuyền” tại chi Hội nghề nghiệp Bến Đền, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ là một điển hình.
Trên cơ sở Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội ND tỉnh, huyện, Hội ND xã Trường Sơn đã chủ động thành lập và phát triển hệ thống các chi hội nghề nghiệp phù hợp với ngành nghề, địa giới hành chính.
Được sự quan tâm của Trung ương Hội, Hội ND tỉnh, Hội ND xã Trường Sơn đã thành lập chi Hội nghề nghiệp sản xuất kinh doanh mộc, đóng thuyền tại thôn Bến Đền, xã Trường Sơn.
Chi Hội được Quỹ HTND Trung ương hỗ trợ vay 1 tỷ đồng cho dự án “Đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh đồ mộc” gồm 10 hộ hội viên thuộc chi Hội nghề nghiệp Bến Đền vay vốn mua các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất mộc dân dụng như: máy cưa, phay, máy tiện.
Mục tiêu của dự án nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, sáng kiến, sáng tạo, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm làm ra, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, tạo chất lượng sản phẩm; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình, đảm bảo sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân; thu hút đông đảo nông dân vào Hội.
Thông qua Dự án vận động số hộ nông dân trong xã đóng góp xây dựng Quỹ HTND, từ đó nhân rộng trên địa bàn toàn xã, toàn huyện, toàn tỉnh.
Từ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND nhiều xưởng sản xuất được mở rộng, mua sắm thêm máy móc; quan tâm cải tiến mẫu mã vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ phù hợp với thị hiếu của người sử dụng, các sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn, các đơn đặt hàng không chỉ còn trong địa phương mà đã mở rộng ra các địa phương khác, trong đó có những đơn hàng từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…
Nguồn vốn của Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hội viên và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Điển hình có hộ sản xuất kinh doanh mộc cao cấp của các hội viên, nông dân: Thái Ngọc Hải, Thái Văn Thỏa, Nguyễn Văn Minh đã và đang sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Sau khi được tiếp cận nguồn vốn các hộ đã đầu tư máy móc, đầu tư công nghệ, tạo thành dây chuyền sản xuất đồ mộc cao cấp, từ lựa chọn nguyên liệu đến cưa xẻ, tiện, chạm trổ, lắp ráp, phun bóng, mở rộng phân xưởng, đầu tư tay nghề, khảo sát nắm bắt thị trường và đặc biệt mở điểm trưng bày sản phẩm dọc trục đường liên xã để giới thiệu sản phẩm.
Các sản phẩm luôn được đầu tư mẫu mã mới, đa dạng, hiện đại, sang trọng phù hợp với nhu cầu sử dụng người dùng nên luôn được ưa chuộng. Đến nay, lợi nhuận thu về từ dự án gần 3 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ thu tiền từ dự án sản xuất kinh doanh đồ mộc gần 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 20-30 lao động, thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/ người/tháng, đóng góp cho quỹ HTND 5-10 triệu đồng/năm.
Sau khi hoàn thành Dự án các hộ đủ điều kiện trả phí, trả gốc và phát triển các năm tiếp theo. Với nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, chi Hội nghề nghiệp nông dân sản xuất kinh doanh mộc, đóng thuyền tại thôn Bến Đền, xã Trường Sơn là mô hình hiệu quả nhất trong sản xuất kinh doanh mộc, đóng thuyền nhằm tạo việc làm cho người lao động địa phương và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Từ kinh nghiệm từ mô hình này, Hội ND xã đã chia sẻ cho các hộ có cùng ngành nghề tương đồng trong các chi Hội về sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhất là đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có đầu tư công nghệ, máy móc, quảng bá sản phẩm, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm…từ đó đã có nhiều hội viên, hộ gia đình trong chi Hội phát triển kinh tế, làm ăn khá giả, tạo việc làm và mang lại thu nhập cao, là tiền đề cho việc thu hút hội viên vào Hội.
Công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là một trong những nội dung thi đua sôi nổi trong hoạt động Hội.
Đến nay tổng dư nợ 3 ngân hàng, đạt 4.879,030 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng CSXH 2.064,094 tỷ đồng cho 36.639 hộ vay, thông qua 1.109 Tổ TK & VV; ngân hàng NN&PTNT 2.716,000 tỷ đồng, 22.816 hộ vay, 963 Tổ Vay vốn; phối hợp với ngân hàng Liên Việt giải ngân 48,425 tỷ đồng cho 1.123 hộ vay tại 25 Tổ.
Qua chương trình, hội viên, nông dân nghèo cùng các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh được hỗ trợ kịp thời để có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Nhìn chung, các hộ vay vốn cơ bản đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích; tích cực tham gia sinh hoạt Tổ TK & VV, học tập kinh nghiệm, chuyển giao KHKT, phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể khẳng định, các nguồn vốn trên đã tạo điều kiện cho bà con nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.