|
Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều có tính khả thi và đạt hiệu quả, giúp phát huy được thế mạnh của các địa phương trong nhiều lĩnh vực |
Thông qua nguồn vốn vay, các cấp Hội đã vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ; tăng cường mối liên kết giúp nông dân tham gia liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá.
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Ngoài ra, hoạt động của Quỹ luôn gắn với xây dựng các mô hình, dự án, Tổ hợp tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ vay góp phần không nhỏ trong việc hình thành các vùng sản xuất, chuỗi liên kết hàng hóa.
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 80 tỷ đồng cho vay 387 dự án với 2.068 hộ. Bình quân mỗi mô hình được vay từ 400 triệu đồng - 500 triệu đồng; hộ vay thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội ND trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai việc giải ngân vốn để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá giả.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Tại các cơ sở Hội, nơi có mô hình vay nguồn vốn Quỹ HTND trong những năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở nông thôn, góp phần thực hiện thành công chủ trương giảm nghèo bền vững của địa phương.
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đều được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ; trên địa bàn không có hiện tượng nợ xấu, nợ quá hạn và chiếm dụng vốn.
Các cấp Hội ND luôn xác định việc bảo đảm an toàn nguồn vốn là quan trọng nhất trong công tác quản lý vốn. Do đó, trước khi tiến hành các thủ tục giải ngân để cho vay nguồn vốn Quỹ HTND đều phải trực tiếp thẩm định đối với các hộ vay.
Các mô hình, dự án vay vốn góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững.
Toàn tỉnh có 270.424 hộ hội viên, nông dân đăng ký trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 103% chỉ tiêu được giao. Nhìn chung, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng cả về chất và lượng. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, nông sản đạt chất lượng OCOP chiếm ưu thế và chú trọng về tính an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các cơ sở Hội trong toàn tỉnh đã đăng ký giúp 460 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo bền vững. Đồng thời Hội phối hợp các cấp, các ngành tổ chức 1.276 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân.
Nhờ nguồn lực hỗ trợ về vốn, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã biết thay đổi cách thức sản xuất, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa.
Trước đây, anh Trần Minh Tý ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn, Đô Lương nhận thầu 0,6ha đất hoang hóa để làm mô hình vườn, ao, chuồng.
Được Quỹ HTND cho vay 40 triệu đồng, anh Tý mua thêm bò giống dần phát triển đàn con bò sinh sản lên 12 con. Trung bình mỗi năm đàn bò sinh sản thêm 6 bê con, đem lại thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn của Quỹ HTND, gia đình anh có thêm kinh phí đầu tư nâng tổng đàn chăn nuôi, từ đó ngày càng cho hiệu quả cao hơn.
Tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn hiện có 26 hộ dân vay vốn Quỹ HTND với số tiền 2 tỷ đồng đầu tư mua 78 con bò 3B. Là 1 trong những hộ được vay vốn, ông Nguyễn Văn Nam, xã Vĩnh Sơn được Hội hỗ trợ vay vốn.
Gia đình ông mạnh dạn mua 10 con bò 3B về nuôi theo hướng vỗ béo. Giống bò 3B rất dễ nuôi, tăng trọng nhanh, ít khi mắc dịch bệnh và có sức đề kháng tốt. Mô hình mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Từ hiệu quả của mô hình nuôi bò, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các huyện nhân rộng và trực tiếp đầu tư cho vay Quỹ HTND tỉnh để phát triển các mô hình chăn nuôi bò 3B như: Đầu tư cho 10 hộ hội viên nông dân vay 700 triệu ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu; 400 triệu ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương với 10 hộ hội viên nông dân vay; 500 triệu ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu với 10 hội viên nông dân vay.
Ngoài mô hình chăn nuôi bò, Hội ND tỉnh còn xây dựng mô hình "Trồng cam xã đoài" theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành với số vốn vay từ Quỹ HTND là 1,4 tỷ đồng từ năm 2017. Sau 3 năm thực hiện đã nâng quy mô sản xuất từ 37 hộ ban đầu với diện tích 72ha hiện nay tăng lên 60 hộ với diện tích 120ha cho lãi 8,2 tỷ.
Có thể khẳng định, Quỹ HTND đã góp phần tạo thêm nguồn lực cho hội viên, nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.