Bạc Liêu: Nguồn vốn Quỹ tăng trưởng hơn 1,7 tỷ đồng
14:17 - 28/09/2022
(Quỹ HTND)- Sáu tháng đầu năm 2022, Quỹ HTND tăng trưởng nguồn vốn được 1,71 tỷ đồng (ngân sách tỉnh cấp 800 triệu đồng; huyện cấp 800 triệu đồng; nguồn vận động 113,8 triệu đồng), nâng tổng số nguồn Quỹ HTND tỉnh hiện đang quản lý đạt 25,86 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn TW ủy thác 10,83 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cấp 6 tỷ đồng; huyện cấp 5,45 tỷ đồng; nguồn vốn vận động cấp tỉnh 415 triệu đồng, cấp huyện và cơ sở 4,06 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân hình thành mới nhiều tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác sản xuất.


Trong kỳ, nguồn Quỹ HTND Trung ương ủy thác đã cho 45 hộ vay 1,4 tỷ đồng để triển khai 04 dự án; Quỹ HTND tỉnh cho 45 hộ vay 1,75 tỷ đồng thực hiện 06 dự án; Quỹ cấp huyện cho 147 hộ vay 2,55 tỷ đồng thực hiện 15 dự án. Trong đó, có 11 dự án trồng trọt (chiếm 44%); 14 dự án chăn nuôi (chiếm 56%).
 
 
Hiện tổng số 120 dự án Quỹ HTND còn dư nợ đạt 22,69 tỷ đồng; trong đó: Nguồn Trung ương ủy thác 8,83 tỷ đồng cho 274 hộ vay thực hiện 23 dự án; nguồn tỉnh 5,98 tỷ đồng cho 267 hộ vay thực hiện 27 dự án; nguồn huyện 7,87 tỷ đồng cho 407 hộ vay thực hiện 70 dự án.
 
 
Trong kỳ, Quỹ đã thu nợ 18 dự án. Cụ thể: Nguồn Trung ương 6 dự án với số tiền 2,49 triệu đồng; Quỹ HTND tỉnh 03 dự án với số tiền 750 triệu đồng; Quỹ HTND huyện 09 dự án với số tiền 1,85 triệu đồng (đạt tỉ lệ 97%).
 
 
Nhìn chung, các dự án đều phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, đạt hiệu quả kinh tế, thu nhập của các hộ tham gia vay vốn được nâng lên, các mô hình dự án đã được nhân rộng ở nhiều địa phương. Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ HTND còn giúp cho hội viên, nông dân hình thành mới nhiều tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác sản xuất.
 
 
Một số mô hình điển hình như: “Lưới gởi” tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu; “Nuôi lươn thương phẩm” huyện Phước Long; “Sản xuất lúa chất lượng cao” tại thị trấn Hòa Bình; “Trồng cây ăn trái trong nhà lưới” huyện Vĩnh Lợi; “Tôm – lúa” huyện Hồng Dân; “Nuôi bò sinh sản” thị xã Giá Rai; “Nuôi cua, sò huyết” huyện Đông Hải.
 
 
Điển hình như Hội ND huyện Vĩnh Lợi, từ nguồn vốn Quỹ HTND đã thành lập 3 HTX có 104 thành viên và 5 tổ hợp tác. Trong đó, Ban điều hành Quỹ HTND huyện đã xây dựng 11 dự án mới với 6 mô hình như: Nuôi bò sinh sản, nuôi rắn, nuôi lươn, trồng rau thủy canh trong nhà lưới... Hiện Quỹ HTND huyện quản lý 6,505 tỷ đồng cho gần 200 hộ hội viên thực hiện 29 dự án.
 
 
Cuối năm 2021, Hội ND huyện Hồng Dân triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật” từ bông tràm tại thị trấn Ngan Dừa, nơi có nhiều diện tích trồng tràm và cây ăn quả, được đánh giá phù hợp để phát triển nghề nuôi ong.
 
 
Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa ra đời, ban đầu với 9 thành viên. Được vay 54 triệu đồng Quỹ HTND (trung bình 6 triệu đồng/hộ) để mua con giống, đóng thùng nuôi ong và tập huấn khoa học kỹ thuật nuôi ong. Sau hơn 5 tháng nuôi, các tổ viên đã thu hoạch được khá nhiều mật ong chất lượng với giá thành cao do mật ong hoàn toàn tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng, số lượng mật cung không đủ cầu.
 
 
Nếu như ban đầu, mỗi tổ viên chỉ đặt vài thùng ong để thăm dò thì nay, các hộ đã mạnh dạn đầu tư hàng chục thùng, nâng tổng số thùng ong trong Tổ hợp tác lên gần 200 thùng, lượng mật ong đã thu hoạch đạt gần 1.000 lít. Với giá mật ong 500-600 ngàn đồng/lít và bán ong giống đã mang lại thu nhập khá cho các tổ viên. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng mật ong chất lượng cao cũng như mở rộng mô hình nuôi trong thời gian tới, tổ hợp tác đang hướng tới thành lập Hợp tác xã, tổ chức xây dựng thương hiệu, đăng ký mẫu mã nhãn mác cũng như quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
 
Năm 2020, ông Phạm Thanh Phương (ở ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) được vay 80 triệu đồng Quỹ HTND để chuyển từ trồng táo vườn sang trồng táo hồng, táo sừng bò trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Có vốn, ông mua sắt, lưới bao toàn bộ vườn táo. Dưới ao, ông trồng thêm bông súng, thả cá đồng và lươn trong mương để khai thác bán mỗi ngày. Những trái táo sạch được ông Phương bán tại vườn cho khách tham quan với giá 40.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với bán cho thương lái. Hiện, với diện tích 3.000m2 trồng táo, ông thu nhập 250 triệu đồng/năm.
 
 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, HTX 30/4 ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình đã đầu tư trang thiết bị, quy trình kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASC. (ASC là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm).
 
 
Nhờ có chứng nhận ASC, toàn bộ sản lượng tôm nuôi của HTX 30/4 được doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh bao tiêu cao hơn giá thị trường khoảng 3%. Ngoài ra, thành viên HTX còn được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
 
 
Đến nay, có 7/7 huyện, thị xã, thành phố đều đã thành lập Ban điều hành Quỹ, Ban kiểm soát, có tài khoản và con dấu riêng. Ban điều hành Quỹ HTND tổ chức lồng ghép vào chương trình tập huấn công tác Hội năm 2022 về bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho 74 cán bộ Hội ND phụ trách Quỹ HTND của các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 22 cuộc tập huấn nghiệp vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho 185 hội viên, nông dân thuộc các hộ thực hiện dự án.
 
 
Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, các cuộc hội thảo, tập huấn, cán bộ Hội ND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các chi, tổ Hội đã tuyên truyền được 104 cuộc cho 936 lượt hội viên, nông dân về ý nghĩa và lợi ích của hoạt động Quỹ HTND.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng CSXH, trong kỳ có 406 hộ được vay vốn, nâng tổng dư nợ qua tổ chức Hội đạt 618,664 triệu đồng, với 23.677 lượt hộ vay vốn thông qua 501 Tổ TK&VV. Trong đó: 157 Tổ xếp loại tốt (chiếm 31,33%); 119 Tổ khá (chiếm 23,75%). 100% Tổ TK&VV huy động tiết kiệm tự  nguyện với số tiền 12,533 triệu  đồng của 18.933  hộ; số dư tiết kiệm tăng 2,075 triệu đồng.
 
 
Điển hình như ông Trần Văn Điền ở ấp Ngọn, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH để mua 1 con trâu nái. Sau 3 năm, trâu sinh sản được 2 con nghé. Bán 2 con nghé này, ông Điền đã trả xong nợ vay ngân hàng và tiếp tục vay vốn ngân hàng CSXH 50 triệu đồng để mở rộng mô hình nuôi trâu, gà, vịt theo hướng đa con, ổn định cuộc sống.
 
 
Anh Thạch Sương ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi nhiều năm liền thuộc đối tượng hộ nghèo. Được vay 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của ngân hàng CSXH để đầu tư mua 2 con bò nuôi sinh sản, nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình anh có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Có vốn, anh chuộc lại đất, đầu tư trồng hoa màu và thoát nghèo.
 
 
Ông Danh Sua ở ấp Tân Ðiền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải trước đây là hộ nghèo, chỉ có 5 công đất sản xuất nên thu nhập không cao. Được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện, ông mua 10 con dê về nuôi. Ðến nay, gia đình đã nhân giống được 20 con và cải tạo thêm đất sình lầy để nuôi tôm, cua. Kinh tế dần ổn định giúp ông thoát nghèo.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng NN&PTNT, trong kỳ đã có 272 thành viên được vay 27,524 triệu đồng, nâng tổng dư nợ qua tổ chức Hội đạt 242.610 triệu đồng, cho 20.590 thành viên vay vốn thông qua 703 Tổ vay vốn; doanh số thu nợ đạt 27,610 triệu đồng.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tổ chức quản lý và điều hành Quỹ HTND theo hướng phát triển bền vững, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, xây dựng và phát huy có hiệu quả các chi, tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác sản xuất, tiến tới xây dựng Hợp tác xã nâng cao trong hệ thống tổ chức Hội. 
Ngọc Huân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường