Vốn Quỹ giúp nông dân làm giàu
08:22 - 08/09/2022
(Quỹ HTND) –Nguồn vốn từ Quỹ HTND đã góp phần trợ giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập.
Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều mang tính khả thi và có hiệu quả cao về kinh tế, phát huy được thế mạnh của hội viên, nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi


Quỹ HTND là một trong những nguồn lực quan trọng của các cấp Hội trong tỉnh giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất nên hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức vận động xây dựng tăng trưởng nguồn Quỹ HTND.


Theo đó, nguồn vốn Quỹ HTND liên tục tăng trưởng hàng năm, góp phần giải quyết tốt tình trạng “khát” vốn của hội viên, nông dân trên địa bàn. Công tác vận động tăng trưởng Quỹ HTND luôn được các cấp Hội tập trung thực hiện với nhiều hình thức phong phú.


Đến nay, Hội ND tỉnh đang quản lý 23,5 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho 775 hội viên vay thực hiện 109 dự án phát triển sản xuất.


Việc thực hiện đề án đã tạo điều kiện cho các cấp Hội ND nâng cao chất lượng hoạt động, củng cố niềm tin của hội viên, nông dân vào tổ chức hội, giúp Hội viên lao động sản xuất, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.


Trong quá trình thực hiện, Hội ND các cấp thực hiện đúng quy định của Trung ương Hội và Bộ Tài chính, từ khâu vận động, thủ tục cho vay, ghi chép vào hệ thống sổ sách đến thu hồi phí và thực hiện nghĩa vụ tài chính đạt 100%.  


Nhờ đó, nguồn vốn được bảo toàn và ngày càng tăng theo hướng bền vững, bảo đảm đúng đối tượng, công khai dân chủ, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Với những kết quả tích cực, Quỹ HTND trở thành điểm tựa cho hội viên, nông dân và các phong trào của Hội.


Hội phối hợp với ngân hàng CSXH nhận uỷ thác hơn 654 tỷ đồng với 409 Tổ TK & VV với 14.867 hộ vay.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ dân đã vươn lên phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, có thu nhập và cuộc sống ổn định. Qua việc xây dựng các mô hình dự án đã giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn; đồng thời, cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, tận tình hướng dẫn giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.


Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các Tổ hợp tác, Hợp tác xã thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.


Đồng thời Hội còn tăng cường phối hợp tổ chức các hội thảo tổng kết, đánh giá mô hình, khuyến khích hội viên, nông dân sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, tập trung ưu tiên xây dựng các mô hình kinh tế tập thể với tiêu chí 5 cùng.


Đối với hội viên, nông dân đang sinh hoạt trong các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp cũng luôn được các cấp Hội quan tâm và tạo mọi điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn vay nhằm khuyến khích bà con tham gia vào chuỗi liên kết cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh giúp gia tăng lợi nhuận.


Về quá trình bình xét cho vay, Hội ND các cấp luôn phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, ưu tiên các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn. 


 Bên cạnh đó, Hội định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.


Các mô hình dự án đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ trực tiếp tham gia dự án xây dựng mô hình điểm có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.


Thông qua vốn trên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững ở các địa phương.


Các cấp Hội chỉ đạo tập hợp thành lập 74 chi, tổ Hội nông nghề nghiệp với trên 2.000 hội viên; 45 Tổ hợp tác, HTX với 693 thành viên. Các HTX, Tổ hợp tác được thành lập đều dựa trên nền tảng từ các chi, tổ Hội nghề nghiệp phát triển lên; trong đó hội viên là những nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.


Nguồn vốn Quỹ HTND đã trợ lực cho nhiều hộ nông dân cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định. Từ những điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn, Quỹ HTND góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo.


Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của nông dân đối với phát triển nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững.


Từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất chuỗi, từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị lợi nhuận cao gắn với phát triển bền vững, an toàn thực phẩm.


Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, quyết tâm tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới.


Hội ND tỉnh đã thành lập CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với 110 thành viên tham gia; 3 CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thành phố, thị xã với 121 thành viên.


Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thường với mô hình nuôi tôm càng xanh cho thu lãi trên 1 tỷ đồng, hộ bà Trần Thị Thanh Thoanh ở Duy Tiên nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa cho thu nhập khá.


Tại địa phương, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn tạo việc làm cho 80.000 lao động, giúp hơn 4.000 hộ nông dân thoát nghèo. Hàng năm, các nông dân giỏi đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng trong các phong trào.


Nhằm phát huy hiệu quả vốn vay, cán bộ Hội ND các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, chọn hộ vay đúng đối tượng để tham gia nhóm hộ xây dựng dự án.


Thông qua việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ HTND đã giúp nhiều hội viên nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.


Các hộ nông dân sau khi vay vốn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các Tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng, giúp các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.


Các cấp Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn và vận động hội viên, nông dân vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, kết hợp với cho vay vốn, mở các lớp tập huấn, lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho hội viên vay vốn giúp nông dân có vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất và tạo việc làm và nâng cao thu nhập.


Quỹ HTND là nguồn vốn ưu đãi quan trọng đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đây, người nông dân dần tìm được hướng đi trong sản xuất, giúp cải thiện đời sống.


Các thành viên tham gia thực hiện dự án đã có sự thống nhất và liên kết chặt chẽ với nhau cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng hiệu quả và giá trị lợi nhuận của các mô hình.


Việc khai các mô hình, dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ, hội viên, nông dân.


Đồng thời, tạo điều kiện để các cấp Hội hoạt động sâu sát với cơ sở, trực tiếp chỉ đạo xây dựng và phát triển các dự án sản xuất đạt hiệu quả thiết thực; nội dung sinh hoạt của các chi, tổ Hội ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu. 


Nhờ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện để hoạt động Hội ngày càng phát huy hiệu quả, nội dung hoạt động thiết thực với hội viên, nông dân.   


Nhìn chung các dự án đều hỗ trợ đúng đối tượng vay, nguồn Quỹ được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế  xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nông dân, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.


Xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên là xã đặc thù về nông nghiệp, có diện tích bãi bồi ven đê sông Hồng thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa.


Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tạo điều kiện giúp người dân phát huy lợi thế sẵn có trong phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp địa phương.


Chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc được hành lập theo Quyết định số 06-QĐ/HND, ngày 20/8/2011 của Ban Thường vụ xã với 20 thành viên.


Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác, Hội ND xã đã xây dựng dự án “Chăn nuôi bò sữa” cho 20 hội viên chi Hội tham gia, với tổng số vốn 01 tỷ đồng.


Sau khi vay vốn cùng với số với tự có, các hộ đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, mua thêm bò, máy móc, thiết bị, tu sửa chuồng trại.


Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND xã đã phối hợp với các ngành địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; tạo điều kiện để các hộ đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình có hiệu quả.


Kết quả chi Hội từ 20 hội viên ban đầu, nuôi 188 con bò sữa đến nay phát triển lên 45 hội viên, nuôi 1.750 con. Hộ nuôi nhiều trên 50 con, hộ nuôi ít là 10 con.


Trong đó, các hộ được vay vốn Quỹ HTND tăng 550 con bò sữa so với trước khi thực hiện dự án. Sản lượng sữa của chi hội là 3.850 tấn với giá bán như hiện nay thì thu nhập từ bán sữa khoảng trên 70 tỷ đồng, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên trong chi Hội ngày càng được nâng cao.


Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tại khu chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh, đường giao thông khu trang trại được bê tông hóa.


Hệ thống điện được lắp đặt với 4 trạm biến áp; hệ thống nước sạch được lắp đặt đường trục của khu trang trại chăn nuôi bò sữa...


Với mức phí cho vay thấp, tiến độ giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, nguồn vốn tín dụng từ Quỹ HTND ngày càng phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình.


Để tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả, tạo điều kiện có thêm các hộ khác trong chi Hội được tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND, sau khi kết thúc Hội ND xã đã tham mưu cho Hội ND cấp trên tiếp tục quay vòng nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác với tổng số vốn 900 triệu đồng cho 15 hộ tham gia vay.


Trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân địa phương, chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sữa Mộc Bắc đã thực hiện tốt các chỉ tiêu, phong trào của Hội.


Việc xây dựng Quỹ chi Hội đến nay đạt 67,5 triệu đồng cho các hội viên trong chi Hội vay để phát triển chăn nuôi, với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi nhằm hỗ trợ phát triển tăng đàn, đầu tư máy móc thiết bị.


Các hội viên trong chi Hội luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối cuả Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, thực hiện tốt phong trào thi đua do Hội phát động nhất là phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.


Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, tập huấn chuyển giao KHKT về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thông tin thị trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng hàng nông sản; sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV; bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị, sản xuất hữu cơ, nông sản sạch an toàn cho đông đảo lượt hội viên, nông dân.


Thông qua nguồn Quỹ HTND, các cấp Hội địa phương đã thuận lợi hơn trong vận động, tập hợp hội viên nông dân tham gia hoạt động Hội, phát huy được vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế địa phương, hình thành và nhân rộng các Tổ hợp tác, nhóm hộ hợp tác, chi Hội nghề nghiệp để hỗ trợ, liên kết giúp đỡ nhau hội viên nông dân trong sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.


Phát huy kết quả đã đạt được, Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội ND các cấp trong tỉnh rà soát số gia đình hội viên có nhu cầu vay vốn để có kế hoạch phân bổ nguồn vốn hợp lý, hiệu quả, tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.


 
Minh Xuân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường