Phú Yên: Quỹ HTND tăng trưởng trên 3,3 tỷ đồng
09:08 - 22/08/2022
(Quỹ HTND)- Sáu tháng đầu năm 2022, các cấp Hội đã vận động, tăng trưởng Quỹ HTND được 3.307 triệu đồng với nguồn vốn cấp tỉnh 1.581 triệu đồng, cấp huyện 1.725 triệu đồng, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu giao. Lũy kế đến nay Quỹ HTND các cấp đạt 35.169 triệu đồng, trong đó: Nguồn TW Hội ủy thác 8.140 triệu đồng, Quỹ cấp tỉnh 7.781 triệu đồng, cấp huyện 15.965 triệu đồng; nguồn Hội ND cấp xã vận động 3.282 triệu đồng. 02 đơn vị cấp huyện đạt mức 500 triệu đồng.
Các dự án vay vốn Quỹ đã phát huy được hiệu quả kinh tế; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.


Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, Ban Điều hành Quỹ đã tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng vốn Quỹ năm 2022 nên đã tạo được sự chủ động cho công tác vận động tăng trưởng Quỹ của các huyện, thị, thành Hội.
 
 
Sáu tháng đầu năm, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác và của tỉnh đã cho 63 hộ vay 2.500 triệu đồng triển khai 05 dự án; Quỹ HTND các huyện, thị, thành phố cho 43 hộ vay 1.625 triệu đồng triển khai 12 dự án từ nguồn ngân sách cấp và nguồn vận động. Nhờ đó, các hội viên có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.
 
 
Trong kỳ, Quỹ thu nợ 4 dự án đến hạn với số vốn 2.000 triệu đồng. Cụ thể: Thu nợ 500 triệu đồng/10 hộ vay thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” ở xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác; thu nợ 3 dự án từ nguồn Quỹ HTND tỉnh gồm: 500 triệu đồng/18 hộ vay thực hiện dự án “Bó chổi đót” ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa; 600 triệu đồng/20 hộ vay thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa; 400 triệu đồng/10 hộ vay thực hiện dự án “Nuôi tôm càng xanh kết hợp lúa trên đất sản xuất nông nghiệp” tại phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa.
 
 
Quỹ HTND các cấp đã lập 124 dự án cho 1.158 lượt hộ vay 4.125 triệu đồng để phát triển sản xuất, cụ thể: 500 triệu đồng/10 hộ vay từ nguồn Quỹ HTND Trung ương triển khai dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu; từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh triển khai các dự án: Bó chổi đót xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa với 500 triệu đồng/18 hộ vay; chăn nuôi bò sinh sản xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân với 500 triệu đồng/13 hộ vay; chăn nuôi bò sinh sản xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa với 500 triệu đồng/13 hộ vay; trồng chăm sóc hoa, cây cảnh Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa với 500 triệu đồng/09 hộ vay. Nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện đã cho 43 hộ vay 1.625 triệu đồng thực hiện 12 dự án gồm: Chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi bò sinh sản, kỹ thuật nuôi lươn…
 
 
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ đã phát huy được hiệu quả kinh tế; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân.
 
 
Từ một hộ khó khăn, ông Nguyễn Thành Sơn, xã An Lĩnh, huyện Tuy An được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay gia đình ông Sơn không những thoát nghèo, trả hết nợ mà còn có 6 con bò, trị giá hơn 100 triệu đồng.
 
 
Lần đầu tiên được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND, ông Nguyễn Văn Tốt ở xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu chuyển sang đầu tư mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ nuôi bò lấy thịt. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nên năng suất mang lại cao hơn mọi năm. Qua hơn một năm vay vốn, ông gây được đàn bò hơn 10 con, tính theo giá thị trường khoảng 200 triệu đồng. Từ tiền bán bê con, ông đã có tiền trả vốn theo quy định.
 
 
Ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa được vay 30 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư mở cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu làm chổi đót và cọng dừa. Có vốn, ông mua 3 tấn nguyên liệu đót và cọng dừa, hàng ngày cùng vợ bó chổi để bán. Cơ sở sản xuất chổi đót, chổi dừa của gia đình ông ngày càng mở rộng quy mô, hiện bình quân mỗi tháng, ông nhập về khoảng 70 tấn đót và cọng dừa để sản xuất và cung cấp cho các cơ sở sản xuất khác trong thôn. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 1.500-2.000 cái chổi, thu lãi 200-300 triệu đồng/năm.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng CSXH, các cấp Hội đã cho 27.757 hộ vay với tổng dư nợ 1.141.343,28 triệu đồng thông qua 736 Tổ TK&VV. Trong đó: 593 tổ xếp loại tốt (đạt tỷ lệ 80,57%); 114 tổ khá (tỷ lệ 15,49%). Tỷ lệ thu lãi đạt 93,89%; huy động tiền gửi tiết kiệm 44.904 triệu đồng (đạt 65,2%).
 
 
Điển hình như Hội ND xã An Phú, thành phố Tuy Hòa đang quản lý 5 Tổ TK&VV với 321 hộ vay vốn, dư nợ 5,8 tỷ đồng. Tổ TK&VV thôn Long Thủy có 40 hộ vay, dư nợ hơn 1,3 tỷ đồng. Tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Long Thủy được vay 25 triệu đồng ngân hàng CSXH thành phố Tuy Hòa để mua dàn lưới đánh bắt cá. Sau khi đến hạn, trả hết vốn cũ, chị vay tiếp 40 triệu đồng nâng cấp dàn lưới để nâng cao khả năng đánh bắt dài ngày trên biển.
 
 
Hay chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để đầu tư nuôi tôm hùm. Có vốn, chị đầu tư mua con giống, cải tạo lồng bè và chuẩn bị thức ăn nuôi tôm. Nhờ đó, gia đình không phải vay ngoài với lãi suất cao, yên tâm làm ăn, tích lũy, trả lãi hàng tháng và trả nợ khi đến hạn.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng NN&PTNT, các cấp Hội đã cho 16.760 hộ vay với tổng dư nợ 1.166.336 triệu đồng thông qua 705 Tổ Vay vốn. Hội còn phối hợp với ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho hội viên, nông dân vay 37.599 triệu đồng, nâng tổng dư nợ đạt 29.399 triệu đồng/530 hộ vay.
 
 
Trong kỳ, các cấp Hội đã tiến hành kiểm tra 4/9 đơn vị cấp huyện và 8 cơ sở Hội. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thẩm định các hộ vay sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND sau giải ngân, đảm bảo đúng mục đích; đồng thời phối hợp với ngân hàng CSXH kiểm tra hoạt động của các Tổ TK&VV và các hộ vay vốn của các ngân hàng khác. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
 
 
Các nguồn vốn trên đã giúp hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

Đăng Nguyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường