(Quỹ HTND)- Sáu tháng đầu năm 2022, ngân sách địa phương cấp bổ sung cho Quỹ HTND các cấp 3.800 triệu đồng, trong đó cấp tỉnh 2 tỉ đồng, cấp huyện 1.800 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ đến nay đạt 36.527 triệu đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 9.480 triệu đồng; Quỹ cấp tỉnh 21.095 triệu đồng; Quỹ cấp huyện 5.952 triệu đồng.
|
Trong kỳ Quỹ HTND các cấp đã cho 296 hộ vay 6.790 triệu đồng, trong đó cho vay đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi 4.750 triệu đồng (chiếm 76%). |
Trong kỳ Quỹ HTND các cấp đã cho 296 hộ vay 6.790 triệu đồng, nâng tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh lên 30.455,9 triệu đồng. Trong đó: Vốn xây dựng mô hình, cho 158 hộ vay 6.250 triệu đồng; cho vay đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi 4.750 triệu đồng (chiếm 76%), trồng trọt 1.000 triệu đồng (chiếm 16%), dịch vụ 500 triệu đồng (chiếm 8%); cho vay dự án tín dụng quay vòng bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo tại các xã biên giới, giải ngân 690 triệu đồng với 138 hộ vay, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.
Trong kỳ đã thu hồi vốn vay đến hạn, quá hạn được 3.004 triệu đồng (đạt 78,9% kế hoạch), trong đó: Vốn cho vay xây dựng mô hình đến hạn đã thu được 2.179 triệu đồng (đạt 67% kế hoạch); nguồn bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo thu 825 triệu đồng (bao gồm cả nợ quá hạn năm 2021, đạt 100% kế hoạch).
Các dự án vay vốn Quỹ đã phát huy hiệu quả thiết thực như: Chăn nuôi, bảo tồn giống chó Mông cộc đỏ- xã Phố Cáo và nông dân làm dịch vụ du lịch, nhà nghỉ- xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn); nuôi hươu sinh sản và lấy nhung- thị trấn Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên); chăn nuôi trâu sinh sản- thị trấn Yên Bình và xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình); phát triển trồng đào cảnh- xã Tân Quang (huyện Bắc Quang); chăn nuôi lợn ở thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì)...
Năm 2022, trên tinh thần mở rộng các dự án thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất tập chung theo chuỗi giá trị, Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch lồng ghép các dự án giữa Quỹ cấp tỉnh và cấp huyện, theo đó các dự án được sự giám sát chặt chẽ của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh và chính quyền địa phương. Nhờ đó, hoạt động của các dự án có quy mô lớn hơn, các hộ tham gia tại một dự án được nhiều hơn, thuận tiện cho hiệu quả và công tác quản lý nguồn vốn của Quỹ các cấp.
Từ nguồn vốn 600 triệu đồng Quỹ HTND Trung ương, Hội ND xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) đã triển khai mô hình “Chăm sóc cam theo hướng VietGAP” cho 12 hộ tại các chi Hội thôn: Vĩnh Xuân, Vĩnh Chúa và Vĩnh Ban.
Tham gia dự án, các hộ còn được tham dự các lớp tập huấn do Hội ND tổ chức về chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng tem nhãn cho cam. Sau 4 năm triển khai thực hiện, dự án đã giúp 12 hộ ở thay đổi nhận thức về lợi ích sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt; cùng với đó, các hộ còn tuyên truyền cho các hộ khác trên địa bàn để cùng “sản xuất sạch” đảm bảo an toàn.
Các hộ vay vốn thực hiện dự án có mức thu nhập khá. Điển hình như: Hộ bà Lê Thị Lan, bà Hà Thị Lập, ông Nguyễn Văn Hảo, ông Đỗ Văn Phương đã có mức thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt từ 250 triệu đồng - 300 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với trước.
Chi Hội nghề nghiệp trồng na phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) được vay 450 triệu đồng Quỹ HTND tỉnh để các hội viên cải tạo vườn na.
Dự án đã đem lại thành công trong việc sản xuất na an toàn, các hộ dân đã đoàn kết, liên kết để sản xuất sạch, 100% các hộ gia đình không sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là mua máy phát cỏ để chăm sóc vườn na; mua phân bón Silic bón lót và bón thúc cho cây na... Các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tiêu biểu như: Lê Thị Hà, Vi Văn Bảo, Nguyễn Minh Hùng, Trần Thị Hằng, Vi Thị Thanh, Nguyễn Thị Hoà. Đến nay, chi Hội đã thu hút thêm 43 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 54. Năm 2021 tổng thu hoạch trên 30ha đạt 80,4 tấn, đem về thu nhập trên 4 tỷ đồng.
Được tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện, anh Lý Văn Thuần, thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài (huyện Hoàng Su Phì) đầu tư phát triển lợn đen. Được cán bộ Hội trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, sau gần 2 năm vay vốn, anh đã mở rộng quy mô chăn nuôi với tổng đàn duy trì từ 30 con/lứa trở lên, thu nhập ổn định.
Thực hiện chương trình ủy thác vay vốn ngân hàng CSXH, đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay toàn tỉnh do Hội quản lý đạt 1.029.958 triệu đồng cho 23.042 hộ vay thông qua 674 Tổ TK&VV. Trong đó, 568 Tổ xếp loại tốt (chiếm 84,27%); 88 Tổ xếp loại khá (chiếm 13%).
Anh Vàng Văn Quyền ở thôn Lao Pờ, xã Xín Mần (huyện Xín Mần) hiện đang vay 100 triệu đồng từ ngân hàng CSXH chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên hướng tới làm giàu, ổn định cuộc sống.
Hay anh Sùng Dìu Sì - xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để mua giống cam về trồng trên vùng đất đồi rừng. Hiện anh có trang trại với diện tích 6,6ha gồm cam, cây nhãn, cây chuối, gà, vịt… và ao cá. Trang trại tổng hợp đã mang lại cho anh thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động địa phương. Anh được Hội NDVN vinh danh nông dân suất sắc trong lĩnh vực trồng trọt năm 2020.
Với 95 triệu đồng vốn vay ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê, anh Hầu Mí Xay ở thôn Bản Bó, xã Yên Định đã đầu tư vào mua trâu nái để chăn nuôi và phát triển trồng rừng sản xuất. Hiện, thu nhập từ đàn trâu sinh sản và rừng trồng mang lại cho anh trên 100 triệu đồng/năm.
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng NN&PTNT (Agribank), đến nay huyện Bắc Quang và thành phố Hà Giang đã phối hợp với Agribank thành lập được 19 Tổ liên kết vay vốn, cho 552 hộ vay với tổng dư nợ 56.357 triệu đồng.
Trong kỳ, các huyện, thành Hội đã phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức 6 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 150 cán bộ Hội cơ sở và thành viên Ban quản lý Tổ TK&VV; phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức được 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 675 hộ vay vốn.
Quỹ HTND tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát Quỹ HTND và chương trình phối hợp với ngân hàng tại 7/11 huyện; Quỹ cấp huyện đã tổ chức kiểm tra được 45 cuộc với 50 đơn vị. Qua kiểm tra cơ bản các nguồn vốn cho vay đều được hội viên, nông dân đầu tư sử dụng đúng mục đích, đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt chương trình phối hợp với các ngân hàng nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, các tổ, nhóm vay vốn thường xuyên được hỗ trợ về nghiệp vụ.
Thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích hoạt động, của Quỹ HTND trong việc tạo vốn, hỗ trợ vốn cho Hội viên nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và Tổ trưởng các Tổ TK&VV, tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên Tổ TK&VV tham gia gửi tiết kiệm theo kế hoạch.