Cà Mau: Tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt trên 57 tỷ đồng
15:08 - 12/08/2022
(Quỹ HTND)- Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt gần 57,4 tỷ đồng, tăng 6.568 triệu đồng so với cuối năm 2021. Trong đó, vốn Trung ương ủy thác 7,1 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác 22 tỷ đồng; nguồn vốn cấp huyện được ngân sách cấp 8.617 triệu đồng; nguồn vận động 18.019 triệu đồng…
Nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân bình quân thu nhập tăng trung bình từ 15-20%/năm, tương đương từ 30 - 40 triệu đồng/hộ/năm.


Các cấp Hội tổ chức hàng nghìn cuộc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND với nhiều hình thức như: Trên phương tiện thông tin, báo, đài, trang thông tin điện tử của Hội; biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn; tài liệu hướng dẫn cho cơ sở Hội vận động xây dựng Quỹ HTND và các văn bản chính sách mới liên quan cho hội viên, nông dân.
 
 
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ HTND biên soạn tài liệu, cập nhật, bổ sung các văn bản chỉ đạo, quản lý về nghiệp vụ Quỹ HTND, đồng thời mở 02 lớp chuyên đề, nghiệp vụ kế toán cho 120 lượt cán bộ trực tiếp phụ trách Quỹ đầu năm 2022.
 
 
Hội ND cấp huyện, thành phố tổ chức 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Hội hàng năm cho gần 500 lượt cán bộ; phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ và phổ biến các chế độ chính sách mới cho 300 lượt cán bộ cấp huyện, cơ sở, Ban quản lý Tổ TK&VV.
 
 
Đến nay, 100/100 cơ sở Hội có Ban chỉ đạo và Tổ vận động Quỹ HTND; 9/9 huyện, thành phố xây dựng được Quỹ HTND. Trong đó huyện Trần Văn Thời xây dựng Quỹ HTND đạt 500 triệu đồng/năm. Hội ND cấp xã vận động được 18.019 triệu đồng đã chuyển về Quỹ HTND cấp huyện quản lý.
 
 
Khi xây dựng dự án cho vay vốn hướng dẫn thành lập THT, HTX chi, tổ Hội nghề nghiệp, trong đó tập trung xây dựng mô hình điểm “3 trong 1” (Chi Hội ND nghề nghiệp – Hợp tác xã kiểu mới – Doanh nghiệp), “4 trong 1” (Chi bộ hoặc Tổ Đảng – Chi Hội ND nghề nghiệp – Hợp tác xã kiểu mới – Doanh nghiệp), “5 trong 1” (Bí thư Chi bộ hoặc Trưởng thôn là chi hội trưởng – Tổ chức Đảng – Chi Hội ND nghề nghiệp – Hợp tác xã kiểu mới – Doanh nghiệp) trên cùng một địa bàn thôn, bản hoặc xã, phường, thị trấn. Điển hình như: HTX “Dèo tôm” 02 giai đoạn, ấp Nhà Vi, xã Trần Thới (huyện Cái Nước); “Ươm dèo sò giống” tại ấp Xóm Mới, xã Đất Mới (huyện Năm Căn); “Rừng Tôm”, khóm 8, thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển)…
 
 
Hay chi Hội nghề nghiệp “Nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học”, ấp 5, xã Tân Thành (thành phố Cà Mau); “Nuôi tôm sinh thái”, ấp Kinh Kinh Ranh, xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển); “Trồng màu” ấp Cơi 6 A, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời)
 
 
Một số mô hình hiệu quả như: Nuôi tôm quảng canh cải tiến; sò huyết thương phẩm; tôm - cua kết hợp; tôm sinh thái; tôm càng xanh kết hợp trồng lúa; cua thương phẩm kết hợp nuôi tôm càng xanh vào mùa mưa; cá đồng kết hợp trồng màu; cá chình, cá bống tượng; cá bống mú; cá bổi thương phẩm; chồn hương sinh sản; heo thương phẩm đảm bảo vệ sinh môi trường; nuôi gà, vịt xiêm thương phẩm.
 
 
Đầu năm 2022, các cấp Hội đã thu hồi 3 tỷ 315 triệu đồng vốn đến hạn của 67 dự án, 688 hộ vay. Tiêu biển như Quỹ HTND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Thới Bình và Phú Tân.  Đồng thời, giải ngân trên 18 tỷ đồng thông qua 111 dự án cho 3.315 hộ vay (bao gồm vốn quay vòng và vốn cấp mới). Tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh tính đến nay đạt gần 51 tỷ đồng, cho 3.297 hộ vay thông qua 323 dự án.
 
 
Riêng Quỹ HTND tỉnh đã đôn đốc thu hồi được 8 dự án đến hạn của 93 hộ vay, với tổng số tiền 2 tỷ 200 triệu đồng; giải ngân gần 9 tỷ 500 triệu đồng thông qua 41 dự án thông qua 538 hộ vay (mức bình quân 263 triệu đồng/dự án; 20,7 triệu đồng/hộ vay).
 
 
Nhìn chung, nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân dần ổn định, phát triển sản xuất, đời sống. Bình quân thu nhập tăng trung bình từ 15-20%/năm, tương đương từ 30 - 40 triệu đồng/hộ/năm. Đồng thời, giúp hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương do các cấp Hội phát động.
 
 
Thông qua các dự án Quỹ, Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, vận động nông dân thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, đã có trên  90% hộ hội viên, nông dân ký cam kết bảo vệ môi trường.
 
 
HTX thương mại dịch vụ Tiến Ðạt, ấp Hoà Hiệp, xã Ngọc Chánh (huyện Ðầm Dơi) ngoài ngành nghề chính là nuôi thuỷ sản, các thành viên còn tận dụng diện tích đất ngập mặn bao ví, giữ ngọt để trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá, hình thành mô hình kinh tế tập thể.
 
 
Được Hội ND tỉnh, huyện hỗ trợ vốn từ Quỹ HTND 3 đợt trên 500 triệu đồng; nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH mỗi hộ từ 20-50 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình. Hiện HTX đang hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm dưa bồn bồn vào OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra, nâng cao thu nhập cho xã viên.
 
 
Tổ Hội nghề nghiệp ấp Tân Hiệp, xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) có 10 thành viên, mô hình chính là nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm 2 giai đoạn. Hiện để nâng cao thu nhập cho tổ viên, tổ Hội triển khai thêm mô hình nuôi chồn hương thương phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả.
 
 
Ði vào hoạt động hơn 1 năm, trong nuôi trồng thuỷ sản, các tổ viên đã đoàn kết, cùng nhau học tập và chia sẻ kinh nghiệm hay để sản xuất có hiệu quả. Với việc nuôi chồn hương, mỗi tổ viên được vay 10 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư mua con giống. Đến nay số chồn giống trong tổ đã nhân lên được khoảng 100-150 con và hiện đang tiếp tục gây đàn.
 
 
Cuối năm 2021, Dự án nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn tại xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) được Hội ND huyện giải ngân 100 triệu đồng, cộng với nguồn vốn hiện có của hội viên với tổng kinh phí 358,250 triệu đồng để thực hiện dự án. Tham gia dự án, các hội viên liên kết và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra mô hình hiệu quả để nhân rộng. Đến nay, xã đã được Hội ND huyện hỗ trợ 3 dự án với tổng số tiền 260 triệu đồng, giúp cho hội viên, nông dân có vốn xoay vòng để thả con giống, cải tạo đất.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng CSXH, đến nay 9/9 đơn vị Hội ND cấp huyện, 97/101 Hội ND cấp xã thực hiện ủy thác. Tổng dư nợ ủy thác do Hội ND tỉnh quản lý đạt 950.802 triệu đồng cho 35.708 thành viên vay vốn thông qua 737 Tổ TK&VV. 100% số Tổ tham gia huy động tiết kiệm với 33.922 hộ thành viên tham gia. Trong đó, có 535 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 72%), 140 Tổ xếp loại khá (19%).
 
 
Tổ TK&VV ấp Kinh 5B, xã Tân Phú (huyện Thới Bình) đang quản lý 38 hộ vay vốn với dư nợ trên 700 triệu đồng. Các hộ vay vốn về cải tạo đất nuôi tôm, trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, mua bán nhỏ… phát triển kinh tế. Tiêu biểu như bà Võ Thị Bích – Tổ trưởng Tổ TK&VV được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng CSXH đã phát triển mô hình đa cây, đa con. Mô hình mang lại thu nhập trung bình khoảng 200.000 đồng/ngày, khi vào vụ thu hoạch ổi hay lúa - tôm thì thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
 
Anh Nguyễn Minh Hiền, ở ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) được vay 20 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để chuộc lại gần 3 công đất ruộng của gia đình và cải tạo lại đất rồi trồng màu, nuôi cá. Từ khi trồng màu, Có thời điểm chỉ với 50kg mướp đắng (khổ qua), với giá 10.000 đồng/kg, thu nhập của anh đã đạt 500.000 đồng, chưa kể các loại rau màu khác như rau thơm, rau diếp cá.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nhà nước, ngân hàng NN&PTNT theo Nghị định 55 của Chính phủ, đến nay Hội ND các huyện, thành phố đã ký thỏa thuận liên ngành với các chi nhánh ngân hàng NN &PTNT huyện, thành phố cho 1.674 hộ vay 194.811 triệu đồng thông qua 274 Tổ Vay vốn.
 
 
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng, Hội ND tỉnh đã thực hiện được 05 cuộc kiểm tra chuyên đề định kỳ từ 1 - 2 kỳ/năm/huyện đối với 5 huyện, thành phố; 05 cuộc kiểm tra đối với cơ sở Hội, 8 Tổ TK&VV. Hội cấp huyện thực hiện kiểm tra ít nhất 2 lần trong năm đối với 100% Hội cấp xã; Hội cấp xã thực hiện kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần đối với 100% hộ vay vốn và kiểm tra 100% món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân.
 
 
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho người vay, các cấp Hội phối hợp với các ngành, nhà khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công tổ chức 9 lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ cho 450 cán bộ, hội viên.
 
 
Có thể khẳng định, thông qua nguồn vốn Quỹ đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông thôn, tích cực xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường