(Quỹ HTND) – Bằng nguồn vốn vay Quỹ HTND, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã đẩy mạnh phát triển các mô hình dự án hiệu quả, gia tăng thu nhập,ổn định đời sống.
|
Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất |
Quỹ HTND các cấp đều được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ, không có nợ xấu hay chiếm dụng vốn. Nguồn vốn đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của nông dân tại địa phương.
Bên cạnh việc tập trung cho vay phát triển sản xuất, Hội còn chú trọng tới hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; đồng thời, thực hiện đúng các quy định về quản lý vốn, thu hồi nợ đến hạn nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn vốn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội hàng năm xây dựng các mô hình điểm vay vốn Quỹ HTND với nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn lồng ghép việc giải ngân vốn Quỹ HTND với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, thành lập các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương nhằm giúp tăng nguồn Quỹ HTND ngay tại cơ sở.
Trên cơ sở đó, Hội ND nhiều huyện, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đưa vào kế hoạch từ đầu năm và trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.
Nhờ có sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí của UBND các cấp, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đã có sự phát triển qua từng năm. Các cấp Hội cũng làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND. Công tác vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ thuận lợi và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt hơn 37,4 tỷ đồng. 10/11 đơn vị có nguồn vốn toàn huyện đạt trên 1 tỷ đồng, riêng huyện Chợ Mới đạt trên 3 tỷ đồng, 2 huyện Phú Tân, An Phú đạt trên 2 tỷ đồng.
Các cấp Hội ND đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND.
Các mô hình vay vốn của Hội thông qua Quỹ HTND không những tạo công ăn việc làm cho chính người vay vốn, mà còn có sức lan tỏa cao trong cộng đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội đã xây dựng được nhiều dự án, mô hình làm ăn hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của hội viên nông dân.
Nhìn chung, các dự án đều đã phát huy tính hiệu quả. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai, nhiều hộ hội viên, nông dân đã có mức thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Có được kết quả trên là nhờ hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch vận động ủng hộ xây dựng Quỹ và tích cực triển khai thực hiện đến từng cơ sở Hội. Hội ND các huyện, thành phố cũng chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp và nhận được sự quan tâm, ủng hộ.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình theo phương thức nhóm hộ để cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm giúp gia tăng giá trị.
Các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND đều có tính khả thi và đạt hiệu quả, giúp phát huy được thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh và hiện đang được các cấp Hội tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều loại hình Tổ, nhóm nông dân liên kết, Hợp tác xã giúp phát triển hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo sự gắn bó liên kết, giúp đỡ nhau giữa các thành viên tham gia dự án cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh.
Các mô hình kinh tế tập thể do hội viên, nông dân làm chủ đều duy trì và phát huy hiệu quả. Hàng năm, các cấp Hội đã phê duyệt, giải ngân nguồn vốn trên để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thêm việc làm cũng như thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương ngày càng phát triển.
Có nguồn lực hỗ trợ về vốn, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã biết thay đổi cách thức sản xuất, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn KHKT về: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Quỹ HTND các cấp đã phát huy hiệu quả vốn vay, phát triển sản xuất ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, thủy sản, rau màu và cây ăn trái, trồng rau sạch kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ, đa canh, nhà lưới góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất.
Từ nguồn vốn này, hội viên, nông dân đã sử dụng để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình, trung bình mỗi hộ hội viên vay vốn đều có thu nhập khá.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội còn chú trọng tập huấn, chuyển giao KHKT giúp hội viên, nông dân nắm được kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nhằm phát huy hiệu quả vốn vay.
Đồng thời, các huyện, thị, thành và cơ sở Hội còn phối hợp với các Viện, trung tâm, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn đưa các giống, cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để bà con nông dân có điều kiện học tập, nhân rộng.
Từ khi các cấp Hội triển khai việc xây dựng các mô hình dự án đã giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, được tập huấn về khoa học kỹ thuật; đồng thời, cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, tận tình hướng dẫn giúp hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Các dự án sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND còn giúp chia sẻ giữa các thành viên tham gia dự án cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm trong sản xuất... Từ đó, các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống hội viên, nông dân có nhiều khởi sắc, thu nhập ngày càng tăng lên.
Đặc biệt, hội xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm và đưa tiêu chí phát triển nguồn Quỹ vào việc đánh giá, bình xét thi đua. Cùng với đó, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ; trong đó, chú trọng kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay, tổ chức thực hiện ủy thác cho vay vốn ở cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, để bảo toàn nguồn vốn Quỹ HTND, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều triển khai tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn Quỹ HTND.
Bên cạnh việc cho vay, các cấp Hội thường xuyên theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên. Đơn cử, các cấp Hội đã kiểm tra hoạt động thực tiễn của các hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
Nhìn chung, các dự án được cho vay theo đúng quy trình, từ khâu xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt, giải ngân. Do đó, không xảy ra tình trạng cho vay sai đối tượng hoặc người vay sử dụng vốn vay sai mục đích. Các dự án đều tiến hành thu nộp gốc và phí đúng hạn; không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng nguồn vốn, phí.
Các cấp Hội thường xuyên tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn và ưu tiên lựa chọn các hộ chăm chỉ lao động sản xuất, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Thông qua hoạt động vay vốn, hội viên, nông dân trên địa bàn có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, Hội ND huyện Phú Tân đã phối hợp các ngành hỗ trợ 168 hộ nông dân vay vốn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng từ Quỹ HTND.
Ngoài ra, Hội ND huyện còn giới thiệu hội viên nông dân vay vốn từ ngân hàng CSXH huyện với 88 Tổ TK & VV hơn 3.800 hộ tham gia vay vốn với tổng số tiền gần 93 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất phát triển kinh tế địa phương.
Hiện, trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ HTND để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ở xã Phú Long có khoảng 20 hộ theo nghề trồng mai vàng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình, Hội ND xã đã thành lập tổ Hội nghề nghiệp trồng mai với 5 thành viên.
Sau khi tập hợp, 2 hội viên đã được vay 80 triệu đồng từ ngân hàng CSXH. Cây mai vàng được nông dân trồng bán quanh năm, gồm cây con và mai trưởng thành tạo dáng, được đánh giá triển vọng phát triển, nhân rộng trong thời gian tới góp phần tăng thu nhập cho bà con.
Việc thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ chi Hội trong việc điều hành và quản lý,thu hút sự tham gia của hội viên, củng cố niềm tin và tạo sự gắn bó của hội viên với tổ chức Hội.
Mô hình đã thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, hiệu quả.
Dự án được thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch đề ra; các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích đã được dự án xét duyệt; nộp phí, trả gốc đúng thời hạn, thực sự phát huy được hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên nông dân.
Điểm nổi bật khi triển khai dự án là các hội viên đã vay đều chủ động đầu tư phát triển sản xuất. Các dự án vay vốn đều có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm.
Vốn Quỹ giúp hàng ngàn hộ nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần ổn định chính trị ở nông thôn. Từ đó, giúp công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân ngày càng sâu rộng, hiệu quả, tổ chức Hội các cấp được củng cố vững mạnh, vị thế của Hội trong hệ thống chính trị.
Thực hiện Nghị quyết số 09/TU về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tổ Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Mỹ An 2 xã Mỹ Hòa Hưng được thành lập trên diện tích 7,6 ha, có 13 thành viên sản xuất 19 loại rau ăn lá.
Ngay sau khi Tổ được thành lập, để giúp các thành viên trong tổ có vốn đầu tư sản xuất, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh, Quỹ HTND tỉnh đã hỗ trợ các thành viên trong Tổ vay 450 triệu đồng, thời gian 12 tháng.
Khi kết thúc thời hạn vay, nhận thấy dự án có hiệu quả cao, nhiều hộ mới được kết nạp vảo Tổ mong muốn tham gia dự án và tiếp cận nguồn vốn Quỹ này, Hội ND tỉnh đã quyết định tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn xã.
Đến nay, Tổ đã có hơn 70 lượt hộ thành viên được vay với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay vốn Quỹ HTND, doanh thu của Tổ tăng lên mỗi năm đạt gần 4 tỷ đồng.
Mỗi kg sản phẩm rau của Tổ được bán ra cao hơn giá thị trường từ 2.000-5.000 đồng, mỗi thành viên của Tổ có thu nhập từ 150- 400 triệu đồng/hộ.
Mô hình Tổ sản xuất rau đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi và xây dựng nông thôn mới của xã.
Đến nay, Tổ đã được nâng lên thành HTX nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng với diện tích trên 60 ha và 53 thành viên, doanh thu của Tổ tăng lên mỗi năm. Khai thác thế mạnh của địa phương về tham quan du lịch, Tổ kết hợp sản xuất rau màu với du lịch nông nghiệp và trở thành một trong số điểm dừng chân cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan khu lưu niệm Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Việc làm sáng tạo này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã và tăng thêm thu nhập cho thành viên trong HTX.
Điển hình như anh Trần Phước Nguyên Ấp Mỹ An 2 với vườn bưởi, vườn ổi phục vụ khách tham quan du lịch với diện tích 5.000 m2.
Anh Trần Văn Chúc Ấp Mỹ An 2, trồng rau an toàn, làm vườn sinh thái phục vụ khách tham quan, diện tích 6.000 m2... và nhiều hộ gia đình dân trong HTX.
Anh Bùi Văn Quý - Giám đốc HTX Bến Bà Chi, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn được hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND phát triển sản xuất.
Trước đây, anh canh tác các giống xoài tượng xanh, xoài tượng đỏ, xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc với diện tích khoảng 4ha. Trong quá trình canh tác, anh Quý gặp nhiều khó khăn trong việc tưới tiêu.
Có vốn, anh đầu tư hệ thống tưới tiêu, xây dựng hồ chứa nước phục vụ sản xuất giúp gia đình anh giảm đáng kể công chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.
Tới đây, các cấp Hội tiếp tục vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND; đồng thời tiếp tục nắm bắt sát thực nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân và nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch cho vay, thu hồi, luân chuyển vốn Quỹ hiệu quả; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cấp vốn từ nguồn ngân sách cho Quỹ cấp tỉnh và cấp huyện, xã để bổ sung vào nguồn vốn của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân để duy trì và phát triển mô hình, dự án góp phần chuyển dịch cây trồng, vật nuôi và tăng thêm thu nhập cho người nông dân.