|
Hiện Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang triển khai cho 2.058 hộ vay 76.370 triệu đồng thực hiện 394 dự án. |
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 84,669 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn Trung ương ủy thác 17,7 tỷ đồng; nguồn tỉnh 37,565 tỷ đồng; nguồn huyện 29,404 tỷ đồng.
Trong kỳ, Quỹ HTND toàn tỉnh đã cho 218 hộ vay 7.530 triệu đồng thực hiện 37 dự án. Các dự án đã gắn với thành lập chi, tổ Hội nghề nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang triển khai cho 2.058 hộ vay 76.370 triệu đồng thực hiện 394 dự án. Các loại hình cho vay chủ yếu gồm: Chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trâu, bò hàng hóa, nuôi dê sinh sản; trồng cây có múi (cam, bưởi); nuôi trồng thủy sản (tôm, cá); chế biến nước mắm; sản xuất mỹ nghệ (mộc dân dụng)...
Trong kỳ, Quỹ đã tập trung thu hồi đầy đủ, kịp thời 28 dự án đến hạn của 213 hộ với tổng số tiền 5.720 triệu đồng. Trên địa bàn không có nợ quá hạn, đạt tỷ lệ 100%.
Nhìn chung, các dự án vay vốn Quỹ HTND đều phát huy tốt hiệu quả đồng vốn, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập bình quân mỗi lao động thường xuyên từ 5-7 triệu đồng/tháng, lao đồng thời vụ từ 200- 300 ngàn đồng/ngày công, đã góp phần thực hiện thành công chủ trương giảm nghèo bền vững của địa phương. Đặc biệt, gắn với cho vay vốn Quỹ HTND, 6 tháng đầu năm đã góp phần thành lập được 10 tổ Hội nghề nghiệp.
Điển hình như 26 hộ dân ở xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn) được vay 02 tỷ đồng từ Quỹ HTND đầu tư mua 78 con bò 3B loại F1. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án đã tăng trưởng được 282 con loại F1, kết hợp với mua tinh bò 3B để phối vào bò cái lai Sind đã sinh trưởng và đưa tổng đàn bò lên trên 1.200 con trong toàn xã.
Bình quân mỗi con bò 3B người chăn nuôi thu lãi từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, bà con nông dân chăn nuôi giống bò 3B rất phấn khởi vì bò phát triển nhanh và đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thịt bò.
Từ hiệu quả của mô hình ở xã Vĩnh Sơn, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các huyện nhân ra diện rộng và trực tiếp đầu tư cho vay Quỹ HTND tỉnh để phát triển các mô hình chăn nuôi bò 3B như: Đầu tư cho 10 hộ hội viên, nông dân vay 700 triệu đồng ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu; 400 triệu đồng ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương với 10 hộ hội viên, nông dân vay; 500 triệu đồng ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu với 10 hội viên, nông dân vay.
Hay mô hình “Trồng cam xã Đoài” theo tiêu chuẩn VietGAP có dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại xã Đồng Thành (huyện Yên Thành) với số vốn vay từ Quỹ HTND 1,4 tỷ đồng. Sau 03 năm thực hiện đã nâng quy mô sản xuất từ 37 hộ ban đầu với 72 ha canh tác tăng lên 60 hộ với diện tích 120 ha, cho lãi ròng 8,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên 5 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ 180.000 – 200.000 đồng/ngày; góp phần giải quyết việc làm cho 315 lao động thường xuyên, 630 lao động thời vụ.
10 hộ hội viên, nông dân giáo dân tại xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) được vay 500 triệu đồng Quỹ HTND triển khai mô hình “Nuôi cá lồng trên sông nước mặn”. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch 04 chu kỳ, mỗi chu kỳ có sản lượng gần 30 tấn cá (vực, hồng Mỹ), trừ mọi chi phí, mô hình cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/chu kỳ.
Mô hình “Chế biến nước mắm” tại phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) trước khi vay vốn Quỹ HTND, làng nghề Hải Giang 1 chỉ có 54 thành viên, giải quyết việc làm cho 175 người với thu nhập bình quân 26,6 triệu đồng/người/năm, sản lượng nước mắm đạt 550 nghìn lít. Quỹ HTND đã hỗ trợ làng nghề vay vốn 500 triệu đồng cho 20 hộ vay mở rộng quy mô sản xuất. Hiện làng nghề đã có 84 thành viên, giải quyết việc làm cho 300 lao động với thu nhập bình quân 72 triệu đồng/người/năm, sản lượng nước mắm đạt 1.000 lít.
Thực hiện chương trình nhận ủy thác của ngân hàng CSXH, tổng dư nợ của Hội đạt 3.008,207 tỷ đồng (tăng 206,412 tỷ đồng so với đầu năm), đã hỗ trợ cho 66.922 hội viên thông qua 1.861 Tổ TK&VV. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua Tổ TK&VV đạt 192 tỷ đồng (tăng 13 tỷ đồng so với đầu năm). Trong đó, 1.730 Tổ xếp loại tốt, 99 Tổ xếp loại khá.
Hộ ông Kha Văn Thương ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH mua vật liệu làm hằng ngày, trả lương thợ để khởi động lại nghề mây tre đan truyền thống. Cùng với việc tìm kiếm thị trường và tập trung vào các sản phẩm bàn, ghế mây tre đan và các sản phẩm thủ công khác thể hiện tinh tế văn hóa Việt Nam, hàng hóa của gia đình ông làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện, xưởng của ông đang tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Từ 50 triệu đồng vay vốn ngân hàng CSXH huyện, anh Ngân Văn Hùng ở xóm Đồng Kho và Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ) đã đầu tư phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình anh có 7 con bò, 32 con dê, 200 con gà và 1.000 con ếch. Anh còn đầu tư phát triển mô hình nuôi dế thương phẩm. Mô hình tổng hợp này đem lại lãi ròng cho gia đình anh trên 100 triệu đồng/năm.
Hay chị Lô Thị Quyên ở bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo của ngân hàng CSXH từ 5 triệu đồng, rồi 30 triệu đồng, nay là 50 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò. Hiện, chị đã sở hữu đàn trâu, bò tới hơn chục con. Vừa qua đã bán gần hết cả đàn trâu, bò để sửa lại ngôi nhà sàn trị giá 80 triệu đồng, gia đình chị vẫn duy trì đàn với 13 con trâu, bò.
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng NN&PTNT, tổng dư nợ đến nay đạt 2.110,094 tỷ đồng cho 14.025 hộ vay thông qua 413 Tổ Vay vốn. Một số đơn vị cấp huyện thực hiện tốt như: Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Diễn Châu… Đồng thời, với ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt chi nhánh Nghệ An, hiện tổng dư nợ đạt 53,704 tỷ đồng cho 1.027 hộ vay thông qua 151 Tổ Vay vốn.
Thời gian tới, các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của Quỹ HTND đối với hoạt động Hội và phong trào nông dân, từ đó vận động cán bộ, hội viên, nông dân, các tập thể và cá nhân khác ủng hộ xây dựng Quỹ đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; phối hợp với ngân hàng CSXH đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhận ủy thác cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, Ban quản lý Tổ TK&VV, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đến cán bộ hội viên, nông dân…