Điện Biên: Quỹ HTND tăng trên 2,27 tỷ đồng
09:02 - 25/07/2022
(Quỹ HTND)- Sáu tháng đầu năm 2022, Quỹ HTND các cấp tăng 2.278,31 triệu đồng. Trong đó, Quỹ HTND tỉnh được ngân sách cấp 500 triệu đồng; 08/10 Quỹ HTND cấp huyện được cấp 1,3 tỷ đồng; nguồn vận động ủng hộ 478,3 triệu đồng, trong đó cấp huyện 247,9 triệu đồng, cấp xã 230,4 triệu đồng. 
Các dự án đầu tư từ nguồn vốn Quỹ HTND đã đáp ứng nhu cầu thiết thực, hiệu quả, tăng thu nhập về kinh tế cho hội viên, nông dân.


Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đến nay đạt trên 23,31 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn Trung ương ủy thác 11,7 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND tỉnh 4,78 tỷ đồng; nguồn Quỹ cấp huyện 6,16 tỷ đồng, Hội ND xã xây dựng 664,94 triệu đồng.
 
 
Trong kỳ, Quỹ HTND các cấp đã cho 123 hộ vay 5,23 tỷ đồng triển khai 14 dự án nuôi trâu, bò sinh sản. Trong đó, nguồn Trung ương ủy thác cho 52 hộ vay 2,6 tỷ đồng thực hiện 04 dự án; Quỹ cấp tỉnh cho 42 hộ vay 1,75 tỷ đồng thực hiện 04 dự án; Quỹ cấp huyện cho 29 hộ vay 880 triệu đồng thực hiện 06 dự án.
 
 
Nâng tổng số dự án đang triển khai đến nay đạt 72 dự án cho 606 hộ vay 23,367 tỷ đồng. Trong đó có: 54 dự án chăn nuôi gia súc (chiếm tỷ lệ 75%), 05 dự án chăn nuôi gia cầm (6,94%), 02 dự án chăn nuôi thủy sản (2,77%), 01 dự án trồng chanh leo (1,38%), 03 dự án trồng bưởi da xanh (4,16%), 07 dự án trồng cây ăn quả (9,72%).
 
 
Trong kỳ, Ban Điều hành Quỹ các cấp đã tiến hành thu hồi 13 dự án đến hạn của 125 hộ vay với tổng số tiền gốc 4,73 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Nhìn chung, các dự án đầu tư từ nguồn vốn Quỹ HTND đã đáp ứng nhu cầu thiết thực, hiệu quả, tăng thu nhập về kinh tế cho hội viên, nông dân. Ngoài ra các hộ tham gia dự án còn được tham gia 2.505 lớp tập huấn KHKT, dự hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, thống nhất giá bán trong quá trình triển khai dự án, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Hội các cấp, chia sẻ kinh nghiệm cách phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi…
 
 
Bên cạnh đó, Ban Điều hành Quỹ HTND kiểm tra 04 Quỹ HTND cấp huyện, 24 hộ vay về công tác quản lý cho vay sử dụng vốn và việc thực hiện tín dụng chính sách. Kết quả cho thấy các đơn vị đều thực hiện đúng quy định, sử dụng vốn an toàn, hiệu quả.
 
 
Gia đình ông Sùng A Chua - Bản Tìa Ló A, xã Noong U (huyện Điện Biên Đông) được vay 30 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư mua thêm hai cặp bò sinh sản. Sau một năm chăm sóc, bò cái đã bắt đầu sinh ra lứa bê con đầu tiên, bê cái được giữ lại để nuôi với mục đích tăng đàn, bê đực thì nuôi vỗ béo bán lấy tiền đầu tư tiếp. Đến nay, gia đình ông Chua không chỉ trả hết được nguồn vốn vay mà đàn bò cũng đã phát triển lên hàng chục con.
 
 
Gia đình ông Lò Văn Ngoai ở bản Nong Giáng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) được tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND huyện phát triển sản xuất và được Hội tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu, ông chỉ nuôi vài con bò sinh sản, lợn thịt và vài chục con gà. Có vốn, quy mô sản xuất được ông mở rộng ra hàng năm, đến nay gia đình ông đã có mô hình VACR cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
 
 
Hay anh Lò Văn Vấn, bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) trước đây gia đình thuộc hộ nghèo. Được vay 30 triệu đồng Quỹ HTND để mua 2 con trâu sinh sản, sau 2 năm, đàn trâu phát triển thành 4 con, gia đình anh đem bán 2 con để đầu tư xây dựng chuồng trại và chăn nuôi thêm lợn thương phẩm, trồng cây ăn quả. Hiện, gia đình anh duy trì nuôi 4 con trâu sinh sản, trên 20 con lợn thương phẩm, thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vườn bưởi da xanh trên 50 gốc của gia đình năm nay cũng bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến thu trên 1.000 quả.
 
 
Thực hiện hoạt động ủy thác của ngân hàng CSXH, tổng dư nợ các chương trình ủy thác đạt 1.041.135 triệu đồng (tăng so với quí IV/2021 là 87.980 triệu đồng) với 19 chương trình tín dụng đang có dư nợ, cho 20.305 thành viên vay thông qua 600 Tổ TK&VV. 100% tổ được ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm với 100% thành viên tham gia gửi tiết kiệm. Trong đó, 450 Tổ TK&VV xếp loại tốt, 100 Tổ khá.
 
 
Được Hội ND huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện, ông Lò Văn Trịnh - thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) đã xây dựng 8 chuồng nuôi rộng hơn 100m2 đầu tư nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm. Ban đầu, gia đình nuôi 2 con lợn nái để gây đàn lợn. Nhờ được tập huấn qua các lớp kỹ thuật về chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm do Hội ND huyện tổ chức, cùng với chủ động nguồn lợn giống nên đàn lợn của gia đình hầu như không bị dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất ra thị trường trên 3,5 tấn lợn thương phẩm, trừ mọi chi phí thu về 130 triệu đồng.
 
 
Để giảm chi phí thức ăn, tăng thu nhập trong chăn nuôi, ông còn nấu rượu kết hợp với chăn nuôi tận thu phụ phẩm làm thức ăn cho lợn, gà. Hiện gia đình ông đang nuôi 6 con lợn nái, trên 20 con lợn thương phẩm, 2 con trâu, hơn 200 con gà, vịt, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
 
 
Hay như anh Lò Văn Phóng, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) đã vay vốn ngân hàng CSXH huyện đầu tư mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi và quầy thuốc thú y nhằm hướng dẫn, tiêm phòng, điều trị cho gia súc, gia cầm mắc bệnh trên địa bàn. Tận dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, anh còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi hàng chục con lợn thịt, 1.000 con gà thương phẩm. Mô hình của anh đã mang lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp xây dựng Quỹ; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách; tập trung nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác đối với Tổ TK&VV...

Thành Phong
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường