(Quỹ HTND) – Thời gian qua, công tác xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND luôn được các cấp Hội ND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo và triển khai đồng bộ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả.
|
Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm và sản xuất hiệu quả thông qua các mô hình |
Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên tăng cường công tác hỗ trợ nguồn vốn theo định hướng có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng các mô hình điển hình trong việc sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Các mô hình, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên, nông dân lại vừa gắn với việc hướng dẫn, chuyển giao các ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới giúp gia tăng sản lượng và chất lượng của sản phẩm.
Đáng chú ý, thông qua các dự án vay vốn được triển khai theo hình thức nhóm hộ tại nhiều địa phương đã giúp xây dựng và thành lập được các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất, phát huy tốt lợi thế vùng để hình thành nên thương hiệu của các sản phẩm đặc thù.
Đồng thời, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tham mưu, giao chỉ tiêu thi đua về xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND cho các huyện, thị, thành Hội để chủ động thực hiện hàng năm. Nhìn chung, các cơ sở Hội trong tỉnh đều tổ chức vận động ủng hộ và xây dựng nguồn Quỹ HTND đạt kết quả.
Bên cạnh đó, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch và hàng năm trích từ ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp hoạt động.
Các cấp Hội ND toàn tỉnh đã vận động xây dựng được 2,871 tỷ đồng Quỹ HTND, nâng tổng nguồn vốn của toàn tỉnh đang quản lý hiện nay đạt trên 61 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ hiện đang cho 2.180 hộ vay ở 620 dự án, xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng về giá trị.
Nhiều mô hình, dự án triển khai thực hiện cho thấy mang lại hiệu quả kinh tế cao; khi được các cấp Hội quan tâm nhân rộng ở quy mô sản xuất lớn hơn đã giúp giải quyết nhiều việc làm cho các lao động tại chỗ.
Với nguồn vốn Quỹ HTND cũng đã góp phần làm đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Mặt khác, nhiều hội viên, nông dân nhờ tập trung đầu tư phát triển kinh tế, có thêm việc làm, tăng thu nhập, giúp cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Ở địa phương, các cấp Hội đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình, dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng các loại cây đặc sản mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua các mô hình dự án, nhận thức của hội viên, nông dân đã thay đổi, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất liên kết, nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất kinh doanh, cùng ngành nghề. Từ đó, giúp tạo nên những sản phẩm nông nghiệp có giá trị.
Trên cơ sở phát huy hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn Quỹ HTND để đẩy mạnh việc xây dựng chi, tổ Hội ND nghề nghiệp nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội ở cơ sở và nâng cao năng lực cho hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, phương thức cho vay từng bước đổi mới, chuyển dần từ cho vay theo nhóm hộ hội viên, nông dân sinh hoạt theo địa bàn dân cư sang đầu tư cho vay theo nhóm hộ hiệu quả.
Tại địa phương, nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình theo phương thức nhóm hộ để cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm vừa gia tăng giá trị, vừa xây dựng được thương hiệu đặc thù của vùng, miền.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND trong việc giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tháo gỡ những khó khăn, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội ND các cấp đã hỗ trợ nguồn lực về vốn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về khoa học kĩ thuật giúp hội viên, nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và vươn lên trong cuộc sống.
Đồng thời, các cấp Hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến cho hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND.
Các hình thức tuyên truyền được Hội triển khai đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Bản tin công tác Hội, Website; biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn; tài liệu hướng dẫn cho các cơ sở Hội trong việc vận động xây dựng Quỹ HTND và các văn bản chính sách mới liên quan; lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; thường xuyên nêu gương các tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ HTND.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc vận động, xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.
Nhằm giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tăng cường sự liên kết cùng nhau xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, các cấp Hội ND trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ.
Tại địa phương, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả cao, giúp các hộ hội viên, nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá, giàu và hiện đang tiếp tục được triển khai nhân rộng.
Nghề sản xuất miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã có từ xa xưa, năm 2016 được công nhận là làng nghề Tiểu thủ công nghiệp truyền thống (trong đó có 102 hộ làm miến).
Điều này đã giúp địa phương có điều kiện bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống và tạo đà cho sản xuất, kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm tại đây chỉ được khẳng định khi miến gạo Thăng Long được công nhận là sản phẩm OCOP.
Theo anh Trương Hữu Hoa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, làng Tân Giao có nghề làm miến gạo lâu đời, anh chỉ nhớ tới hình ảnh nhà nhà làm miến, cả làng làm miến, thời đó, trước năm 2002, chủ yếu là làm bằng thủ công.
Anh cũng là một trong những người ngồi xay bột cả ngày bằng cối đá, sau đó tráng bánh như bánh đa, phơi cho ráo rồi đem vào máy thủ công cán thành sợi gọi là miến.
Sau khi trực tiếp khăn gói học nghề tận Hoài Đức (Tp Hà Nội) về, anh đầu tư máy móc và từng bước giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, sản phẩm miến và nghề làm miến lúc bấy giờ cũng chỉ là nghề phụ, tận dụng thời điểm nông nhàn, khi hết vụ cày cấy.
Đến năm 2014, Quỹ HTND đầu tư 300 triệu đồng xây dựng phát triển làng nghề miến gạo Tân Giao.
Để đáp ứng được yêu cầu của Dự án là phải thành lập tổ hợp tác, các hộ sản xuất miến nơi đây phải có phương án, kế hoạch sản xuất và các điều kiện về đảm bảo đầu ra, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…
Một loạt những yêu cầu được đưa ra buộc các hộ vay vốn phải thay đổi tư duy, nâng cao khả năng sản xuất. Từ đây, mọi khâu sản xuất, kinh doanh của các hộ tham gia vay vốn đi vào quy củ, bài bản hơn, và nhất là các yếu tố như sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì và là những yếu tố bắt buộc.
Theo định hướng của Hội ND và đáp ứng nhu cầu về liên kết để cùng phát triển, các hộ làm miến thôn Tân Giao thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất miến gạo.
Chi Hội như mái nhà chung cho các hộ làm miến dựa vào, khi hàng hóa đầu vào khan hiếm, khi thị trường tiêu thụ ế ẩm, họ cùng gắn bó với nhau để không hộ nào bị thua lỗ.
Sau chu kỳ vay vốn lần thứ nhất kết thúc, các hộ đều hoàn thành nghĩa vụ Quỹ, không có nợ xấu, ngược lại các thành viên của chi Hội đều cải thiện được đời sống gia đình.
Nhu cầu vay vốn lần 2 rồi lần 3 được đáp ứng với mức đầu tư Dự án nâng lên 500 triệu đồng và yêu cầu đặt ra từ Tổ hợp tác phải thành lập lên Hợp tác xã và đây cũng là thời khắc đáng nhớ khi năm 2018 Hợp tác xã dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long được thành lập.
Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ thủ công, nguồn vốn Quỹ HTND đã tiếp sức để làng nghề vươn tầm và dần khẳng định vị thế trên thị trường. Hợp tác xã ra đời đã đem đến cơ hội đầu tư cho nhiều gia đình, ngoài đồng vốn ổn định, bà con còn được hoạt động trong môi trường mở rộng có quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, Hội ND xã Thăng Long đã bám sát các hoạt động của chi Hội, của Hợp tác xã luôn đưa ra định hướng cụ thể và kịp thời tìm ra nguyên nhân để khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của hội viên cũng là thành viên của Hợp tác xã.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, Hội ND xã vận động người dân tích đất đai canh tác theo hướng tập trung để dễ quản lý chất lượng gạo nguyên liệu.
Trước tiên, vận động các hộ là thành viên Hợp tác xã cùng góp đất để tổ chức trồng lúa phục vụ chuyên cho làm miến.
Dự kiến sẽ có trên 60ha được đưa vào sản xuất trong thời gian tới đây theo quy trình HTX cung cấp giống, phân bón và quản lý nghiêm ngặt quá trình gieo trồng và thu mua lúa làm nguyên liệu sản xuất miến.
Đây là cách làm có tính chất lâu dài và khoa học giúp cho việc quản lý nguồn gốc sản phẩm và nâng tầm cho chất lương miến gạo Thăng Long.
Sau quá trình sản xuất và từng bước cải tiến chất lượng, sản phẩm miến gạo Thăng Long được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng OCOP ba sao.
Đây là kết quả của cả một quá trình xây dựng của Hợp tác xã và sự nỗ lực cố gắng của các thành viên, trong đó, việc quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ HTND đã góp phần quan trọng tạo nên thành công này.
Hiện nay sản phẩm miến gạo Thăng long được lưu thông rộng rãi trên thị trường và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng với việc được dán tem truy xuất nguồn gốc OCOP; mã vạch kiểm tra; các thông số về thành phần dinh dưỡng; cách sử dụng…và được trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long hiện có tổng nguồn vốn trên 13 tỷ đồng với 28 thành viên thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm/thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động thu nhập 5 triệu/lao động/tháng.
Như vậy, với 3 chu kỳ vay vốn có tổng mức 1,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND, đầu tư đúng mục đích, sử dụng hiệu quả làng nghề miến gạo Tân Giao đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, hòa mình vào quá trình phát triển kinh tế tập thể. Đây không chỉ là thành công của HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng long mà còn làm nổi bật bức tranh nông thôn mới của xã Thăng Long.
Thông qua các dự án đã triển khai từ các nguồn vốn vay tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả kinh tế đạt được rất rõ nét nhờ góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Đặc biệt, các hộ vay đã biết tự liên kết với nhau để trở thành nhóm hộ, tổ liên kết nhằm mục đích xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã kết nạp mới 4.613 hội viên, hướng dẫn xây dựng thành lập mới 22 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 149 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Đối với hội viên, nông dân đang sinh hoạt trong các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp cũng luôn được các cấp Hội quan tâm và tạo mọi điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn vay.
Qua đó, nhằm khuyến khích bà con tham gia vào chuỗi liên kết cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh giúp gia tăng cả về giá trị sản phẩm nông sản cũng như lợi nhuận mang lại.
Hội ND các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, tư vấn giúp nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; đồng thời, tăng cường vận động các nguồn lực về vốn, giống, vật tư để hỗ trợ hội viên, nông dân đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Với lợi thế có mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên, nông dân hợp lý, các tổ Hội đã chủ động tiến hành xây dựng các quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, ngày càng đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân trên địa bàn.
Việc xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội về đẩy mạnh xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp; góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội cơ sở trong sạch vững mạnh.
Nhờ có vốn, có kiến thức đã góp phần giúp cho các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng và triển khai đạt kết quả thiết thực; trong đó nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Nông dân thành phố đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp, tham gia các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, tham gia liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, thu hút trên 5.000 lao động có việc làm thường xuyên.
Chính vì thế, kinh tế nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước. Diện tích sản xuất hàng năm đạt hơn 12.000 ha.
Hoạt động của Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, Công ty đóng trên địa bàn tổ chức tốt hoạt động xúc tiến thương mại nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp hội viên, nông dân yên tâm sản xuất.
Nguồn vốn trên đã giúp nhiều hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn nâng cao đời sống cho bà con. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững.