|
Sáu tháng đầu năm 2022, Quỹ HTND các cấp đã cho 479 hộ vay 17.280 triệu đồng thực hiện 75 dự án. |
Điển hình trong công tác quản lý, điều hành, vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND như Hội ND thành phố Việt Trì, các huyện: Thanh Sơn, Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Ba..., đến nay tổng số vốn mỗi huyện đạt trên 1,2 tỷ đồng.
Trong kỳ Hội ND trong tỉnh đã xuất bản và phát hành trên 6.500 cuốn thông tin công tác Hội và trên 300 tin, bài viết đăng trên trang thông tin điện tử của tỉnh có nội dung tuyên truyền về hoạt động Quỹ HTND, công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH.
Sáu tháng đầu năm 2022, Quỹ HTND các cấp đã cho 479 hộ vay 17.280 triệu đồng thực hiện 75 dự án, gồm: 12 dự án trồng trọt (chiếm 16%); 45 dự án chăn nuôi (chiếm 60%); 16 dự án thủy sản (chiếm 21,4%); làng nghề và các loại hình khác 02 (chiếm 2,6%), tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh hiện đang cho 1.201 hộ vay vốn triển khai 219 dự án. Trong đó, có 41 dự án trồng trọt (chiếm 18,8%); 136 dự án chăn nuôi (chiếm 62,1%); 34 dự án thủy sản (chiếm 15,5%); làng nghề và các loại hình khác 08 (chiếm 3,6%).
Trong kỳ Quỹ đã tiến hành thu nợ 391 hộ vay với tổng số tiền 13.990 triệu đồng, tại 59 dự án; tỷ lệ nộp phí và gốc đạt 100%. Thu nhập bình quân của các hộ vay vốn Quỹ được tăng lên từ 40 - 200 triệu đồng/hộ/năm. Đồng thời gắn với việc cho vay, Hội đã tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn thành lập được 03 HTX, 15 Tổ hợp tác và 13 chi Hội nghề nghiệp, 18 tổ Hội nghề nghiệp...
Hầu hết các hộ được vay vốn đều tự nguyện tham gia đóng góp ủng hộ để xây dựng nguồn Quỹ HTND của địa phương với số tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng /hộ/năm.
Các dự án điển hình đạt hiệu quả tốt như: Chăn nuôi gà thịt tại xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh; nuôi vỗ béo bò lấy thịt tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy; nuôi cá giống tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê; trồng, chăm sóc, chế biến chè tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn; chăm sóc, nâng cao chất lượng bưởi quả Đoan Hùng tại xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng...
Được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND, anh Trần Ngọc Bảy ở khu 17, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy đầu tư nuôi bò thịt và nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh đã có đàn bò hơn chục con, ổn định cuộc sống.
Thực hiện dự án phát triển nghề mộc từ Quỹ HTND tỉnh, anh Hà Mạnh Tuyên ở khu Vắng, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn được vay 60 triệu đồng Quỹ HTND để mở xưởng mộc với đầy đủ các thiết bị máy móc như máy xẻ gỗ, máy cưa, máy cắt... quy mô sản xuất tăng gấp 2 - 3 lần, sản phẩm đa dạng, phục vụ công trình và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, đem lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhờ đó cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.
10 hộ nông dân ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao được vay 400 triệu đồng Quỹ HTND tỉnh triển khai dự án trồng rau an toàn trên tổng diện tích đất 7.000m2. Tổng vốn đầu tư là 857,7 triệu đồng, trong đó vốn tự có của các hộ tham gia dự án là 457,7 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng.
Để giúp hội viên kỹ thuật trồng rau, Hội ND thị trấn Lâm Thao còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau ăn lá theo hướng an toàn; phối hợp Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức 3 buổi hướng dẫn về quy trình sử dụng phân bón NPK khép kín và kỹ thuật nhận biết sâu bệnh hại trên cây rau. Đặc biệt từ dự án Quỹ HTND, Hội ND đã thành lập được chi Hội trồng rau an toàn để giúp bà con sản xuất thuận lợi.
Thu nhập bình quân các hộ trồng rau đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Điển hình là hộ ông Nguyễn Đức An ở khu Phương Lai, hộ ông Vũ Huy Mến ở khu Ngọc Tỉnh... Đến nay đã có 6/10 hộ tham gia vào dự án trồng rau đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn được 73 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý cho vay Quỹ HTND và công tác nhận ủy thác với ngân hàng CSXH cho 4.245 cán bộ Hội cấp huyện được phân công theo dõi công tác ủy thác, cán bộ Hội cấp xã, tổ trưởng Tổ TK&VV, cán bộ Ban quản lý Tổ. Trong đó: Quỹ HTND tỉnh tổ chức được 13 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 1.560 lượt học viên; Hội ND huyện tổ chức 10 lớp cho 1.025 học viên; Hội ND cơ sở tổ chức 50 lớp cho 1.660 học viên.
Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 78 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề cho 4.195 hộ vay vốn Quỹ HTND và ngân hàng CSXH trước khi giải ngân, góp phần nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn.
Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã tổ chức được 315 cuộc kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng Quỹ HTND và nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại 633 đơn vị; trong đó Hội ND tỉnh kiểm tra 13 cuộc tại 26 đơn vị cấp huyện, xã, Tổ TK&VV và hộ vay vốn.
Hội ND các huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra và phối hợp với Quỹ HTND tỉnh, phòng giao dịch ngân hàng CSXH kiểm tra được 45 cuộc tại 90 đơn vị Hội ND cấp xã, Tổ TK&VV và hộ vay vốn. Hội ND các xã, phường, thị trấn kiểm tra được 265 cuộc tại 530 đơn vị Tổ TK&VV, hộ vay vốn.
Qua kiểm tra các huyện, thành, thị và cơ sở đều thực hiện quản lý tốt nguồn vốn cho vay từ Quỹ HTND cũng như nguồn vốn nhận ủy thác với ngân hàng CSXH, thủ tục hồ sơ vay vốn được lưu giữ đầy đủ, thực hiện việc thu, chi các nguồn phí đúng theo tỷ lệ phí qui định, không có hiện tượng cho vay sai đối tượng, sử dụng vốn, phí sai mục đích, kịp thời rút kinh nghiệm ở một số cơ sở Hội về công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách theo dõi cho vay vốn, thu, chi các nguồn phí. Đồng thời đánh giá đúng chất lượng hoạt động của các huyện, thành, thị, các cơ sở và Tổ TK&VV đối với hoạt động Quỹ HTND và công tác nhận uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng CSXH, các cấp Hội nhận ủy thác trên địa bàn của 211/213 xã, phường, thị trấn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ngân hàng CSXH đến nay đạt 1.417.652 triệu đồng; tăng so với thời điểm cuối năm 2021 là 94.410 triệu đồng, với 36.035 thành viên tham gia vay vốn tại 1.029 Tổ TK&VV (tăng 5.020 thành viên tham gia vay vốn). Tỷ lệ thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng đạt trên 98%. Trong đó, 965 tổ xếp loại tốt (chiếm 93,78%), 43 tổ xếp loại khá (4,18%).
100% Tổ TK&VV được ủy nhiệm thu tiết kiệm và thực hiện huy động tiết kiệm tự nguyện với số tiền gửi tiết kiệm bình quân 10.000 - 20.000 đồng/tổ viên/tháng; tổng số dư nợ tiền gửi tiết kiệm đạt trên 60 tỷ đồng.
Điển hình Hội ND huyện Lâm Thao có 64 Tổ TK&VV, với tổng dư nợ 90.632 triệu đồng cho 2.233 thành viên vay; Hội ND huyện Tân Sơn có 88 Tổ TK&VV với 3.031 hộ vay với tổng dư nợ 123.796 triệu đồng...
Ông Phùng Văn Khoa ở xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn vay 40 triệu đồng ngân hàng CSXH từ chương trình cho vay hộ nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng chè, trồng cây lâm nghiệp trên diện tích gần 2ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông Khoa phát triển mạnh đàn gia cầm, đàn lợn, về sau chuyển sang thâm canh chè chất lượng cao kết hợp với chế biến.
Hết chu kỳ vay hộ nghèo, ông Khoa tiếp tục được vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, cộng với các khoản dành dụm tích cóp được, ông mở rộng diện tích chè lên gấp đôi, thay thế các diện tích chè cằn xấu, đưa năng suất chè búp tươi lên đạt trên 10 tấn/ha, đồng thời mua máy vò, máy sao về sản xuất chè xanh và làm dịch vụ sơ chế chè phục vụ nhân dân. Trừ mọi chi phí, ông thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Từ 50 triệu đồng vốn vay ngân hàng CSXH, ông Hà Văn Nhất, dân tộc Mường, ở thôn Chiềng 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn đã gây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp bao gồm đàn trâu 8 con, rừng keo 4ha phủ kín cả quả đồi, vườn cây ăn quả chanh leo, hồng không hạt sai trĩu cành, thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Thực hiện Thỏa thuận 01 về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ, Hội ND tỉnh đã làm việc với chi nhánh ngân hàng NN&PTNT tỉnh xây dựng và ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện thí điểm chương trình cho vay vốn thông qua Tổ Vay vốn tại 02 huyện.
Tới đây, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò hoạt động Quỹ HTND trong công tác Hội và phong trào nông dân; xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể tích cực vận động nguồn vốn ngoài ngân sách để đẩy mạnh phát triển nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Đồng thời, chủ động khảo sát địa bàn, lựa chọn các mô hình, dự án, hộ vay vốn có nhiều lợi thế phát triển ở địa phương; lồng ghép các hoạt động Quỹ HTND với các chương trình, dự án khác liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn.