Nhân rộng mô hình vay vốn từ Quỹ HTND
16:12 - 02/06/2022
(Quỹ HTND) – Hiện nay, nguồn vốn từ Quỹ HTND đã triển khai kịp thời đến các hội viên, tiếp sức, đồng hành cùng hội viên nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu thông qua những mô hình điểm.
Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật và vay vốn giúp nông dân nâng cao kiến thức, ứng dụng khoa học vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm



Hiện nay, Hội ND tỉnh Hà Giang đang quản lý hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND 18,51 tỷ đồng hỗ trợ cho 685 hộ vay thuộc 36 dự án trong các lĩnh vực sản xuất.


Các dự án cho vay của Quỹ HTND đều mang tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với vùng chuyên canh, phát huy thế mạnh của từng địa phương.


Nhiều mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp kết hợp vay vốn do Hội trực tiếp hướng dẫn thực hiện đã có cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả và nâng cao vị trí vai trò của các cấp Hội ND như mô hình: Nhà nông làm du lịch, mô hình nuôi gà siêu trứng tại xã Lũng Cú, huyên Đồng Văn; mô hình cải tạo vườn tạp, mô hình nuôi bò vỗ béo tại huyện Mèo Vạc...


Công tác tuyên truyền, tư vấn và quản lý các nguồn vốn Quỹ HTND, ngân hàng CSXH được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, các Tổ Vay vốn đã có nhiều sáng tạo trong quản lý, cho vay, thu hồi vốn, lãi, phí thành lập các tổ TK&VV theo quy định...


Tiêu biểu là các mô hình: Trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo huyện Bắc Quang; xã Yên Hà, Hương Sơn, huyện Quang Bình; chăn nuôi trâu tại các xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình,  huyện Quang Bình; trồng na núi đá phường Quang Trung, thành phố Hà Giang.


Bên cạnh đó, Hội đã làm tốt công tác phối hợp với ngân hàng CSXH quản lý các nguồn vốn vay ủy thác qua hệ thống Hội; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý sổ sách đối với các Tổ TK & VV và phát triển nguồn Quỹ HTND cấp huyện và quản lý, theo dõi các dự án cho vay từ nguồn Quỹ HTND cấp tỉnh, cấp Trung ương trên địa bàn.


Hội ND tỉnh luôn xác định mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp là chủ trương lớn trong việc nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội, do đó khi các chi, tổ Hội được thành lập Ban điều hành Quỹ HTND sẽ khảo sát và cho hội viên vay từ nguồn Quỹ HTND nếu có nhu cầu.


Tính đến nay đã có 8 chi, tổ Hội vay vốn với số tiền 3,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở Hội, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giao cho Hội ND trực tiếp thực hiện một số mô hình phát triển kinh tế-xã hội, số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.


Nguồn vốn của Quỹ đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên, nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn.


Phong trào thi đua SXKD giỏi trở thành động lực, phát huy trí tuệ của nông dân vào công cuộc hiện đại hóa nông thôn với nhiều mô hình hiệu quả, tiêu biểu.


Thông qua hoạt động SXKD của các HTX đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế tập thể, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng dân cư.


Nhiều HTX còn tăng cường liên kết với doanh nghiệp để huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho SXKD, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.


Vĩnh Phúc là một trong những xã của huyện Bắc Quang nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cam theo hướng VietGAP của tỉnh.


Tổng diện tích trồng cam toàn xã là 1.140,6 ha gồm cam vàng và cam sành, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 1.036,8 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 12.441 tấn/năm, doanh thu đạt trên 99 tỷ đồng/năm, đóng góp không nhỏ vào kinh tế của địa phương.


Hội ND xã Vĩnh Phúc được vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương để thực hiện mô hình dự án “Chăm sóc cây cam theo hướng VietGAP” tại các chi Hội thôn Vĩnh Xuân, Vĩnh Chúa, Vĩnh Gia.


Nguồn vốn hỗ trợ cho 12 hộ vay đầu tư chăm sóc diện tích 12,8 ha với khoảng 5.200 cây cam đang cho thu hoạch ổn định.


Trước khi vay vốn, Hội ND xã phối hợp với Quỹ HTND tỉnh, huyện mời cơ quan chức năng tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP cho các hộ vay.


Ngoài ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc đầu tư sử dụng vốn của hộ trong quá trình vay vốn.


Hàng quý, thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm vay vốn, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã giới thiệu hướng dẫn tài liệu khoa học kỹ thuật mới cho hộ vay  áp dụng vào sản xuất; tư vấn hỗ trợ hội viên, nông dân các thủ tục quy trình thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã, hướng dẫn việc đăng ký thương hiệu tem nhãn mác sản phẩm khi các hộ nông dân có nhu cầu.


Xác định mục tiêu mô hình dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho nông dân, củng cố xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, Hội ND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đầu tư thâm canh, sản xuất an toàn theo hướng VietGAP.


Đi đầu là các hộ thành viên vay vốn thực hiện dự án cam kết hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng phân bón kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân bón vi sinh và các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu bằng sinh học; tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, an toàn cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường, nguồn đất, nguồn nước phục vụ canh tác.


Đồng thời, từng bước chuyển dịch sản xuất cây cam theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên cũng  cam kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng và đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm của các vườn cây.


Các thành viên đều có trách nhiệm tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp theo sự chỉ đạo của Tổ trưởng vay vốn.


Qua thực hiện mô hình dự án đến nay nhìn chung năng suất, chất lượng sản phẩn đã được nâng lên, hầu hết các hộ vay vốn thực hiện dự án đã có mức thu nhập khá.


Điển hình như: Hộ bà Lê Thị Lan, bà Hà Thị Lập, ông Nguyễn Văn Hảo, ông Đỗ Văn Phương đã xây dựng được thương hiệu, sản phẩm có chất lượng, có thị trường khách hàng tiêu thụ ổn định, mức thu nhập bình quân đã trừ chi phí hàng năm đạt từ 250 triệu đồng - 300 triệu đồng /năm, tăng gấp đôi so với trước khi tham gia dự án.


Ngoài ra các hộ còn tạo việc làm ổn định cho từ  5-8 lao động, với mức lương từ 3- 4,5 triệu /người/tháng. Dự án thực hiện đã làm thay đổi cơ bản về nhận thức của hội viên, nông dân từ làm ăn riêng lẻ sang liên kết hợp tác.


Hội ND xã đã vận động thành lập được 02 chi Hội Nông dân nghề nghiệp; 02 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; 04 Tổ hợp tác và 02 Hợp tác xã sản xuất cam an toàn (VietGAP) với 34 hộ thành viên hiện nay đang duy trì hoạt động tốt, sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các siêu thị tại Hà Nội và một số các tỉnh khác.


Ngày 24/2/2021 Tổ Hội nghề nghiệp trồng cam thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc cũng đã được thành lập với 20 thành viên tham gia.


Để hỗ trợ tổ Hội nghề nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân cho vay tổng số tiền 600 triệu đồng nguồn Trung ương ủy thác để thực hiện mô hình dự án thâm canh cam theo hướng VietGAP.


Bên cạnh việc kết hợp với đầu tư nguồn vốn cho vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tổ chức buổi tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất VietGAP cho cây cam.


Hoạt động trên đã giúp các hộ thành viên tham gia vay vốn thực hiện mô hình dự án, nắm chắc hơn về KHKT, đầu tư sử dụng vốn vay hiệu quả; đồng thời góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu cam.


Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ huyện Hoàng Su Phì đạt 530 triệu đồng. Đối tượng cho vay là hội viên nông dân trên địa bàn huyện, mức vay từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/ hộ. Thời hạn cho vay gồm 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Hiện nay đã có nhiều hộ hội viên, nông dân được tiếp cận vốn vay từ nguồn Quỹ HTND.


Thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, Hội ND huyện đã phát động phong trào rộng khắp đến các cơ sở Hội và hội viên, nông dân.


Đồng thời, hỗ trợ cho 2 hội viên, nông dân vay vốn để thực hiện cải tạo vườn tạp từ nguồn Quỹ HTND huyện, mỗi hộ được vay vốn 15 triệu đồng.


Chị Vàng Thị Nhọt, thôn Na Hu, xã Tụ Nhân được tiếp cận vốn vay từ đã thực hiện cải tạo 2.000 m2 vườn tạp, gồm vườn để trồng các loại rau, đậu, chuối, chuồng trại để chăn nuôi bò, lợn và ao cá.


Ngoài việc được hỗ trợ tiếp cận vốn vay, cán bộ Hội đã trực tiếp đến hướng dẫn gia đình chị xây dựng sơ đồ vườn và phương án sản xuất, ngoài ra còn hỗ trợ ngày công giúp gia đình cải tạo vườn.


Hiện nay, các loại cây trồng đang phát triển tốt, ao cá cũng đã hoàn thiện và chuẩn bị thả cá giống. Mô hình góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình chị.


Nhằm nâng cao thu nhập và mở rộng quy mô chăn nuôi, hộ chị Tải Thị Viện, thôn Lủng Khum, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì đã vay 25 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện.


Có vốn chị xây dựng chuồng trại để kết hợp chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm. Chị mua thêm con giống về nuôi. Hiện, chị thường xuyên duy trì từ 30 – 50 con lợn đen trong chuồng gồm 8 lợn nái sinh sản. Mô hình đem lại thu nhập ổn định nhằm cải thiện đời sống gia đình chị.


Từ 50 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, anh Lý Văn Thuần, thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài đã đầu tư phát triển lợn đen.


Với tổng đàn duy trì từ 30 con trở lên mỗi lứa, hàng năm gia đình anh thu nhập ổn định từ chăn nuôi.


Đồng thời anh còn được cán bộ Hội trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất cụ thể, gia đình đã mở rộng quy mô chăn nuôi, phát huy hiệu quả vốn vay.


Quỹ HTND huyện được thành lập nhằm bổ sung thêm một kênh hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình Tổ hợp tác, nhóm hộ, phát triển sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương.


Đây là nguồn Quỹ do Hội ND trực tiếp quản lý, giải ngân. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các đơn vị tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp cho các gia đình, nên 100% hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn.


Điểm khác biệt trong quá trình quản lý, vận hành Quỹ đó là, cán bộ Hội trực tiếp đến tận gia đình có nhu cầu vay vốn để khảo sát và xây dựng phương án sản xuất cụ thể, nhờ đó đối tượng vay được sàng lọc kỹ, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn.


Thông qua các mô hình, dự án được đầu tư triển khai trên địa bàn cho thấy những hiệu quả về kinh tế đạt được rất rõ nét và thiết thực. Theo đó, nhờ các mô hình, dự án được các cấp Hội triển khai xây dựng tại các địa phương đã giúp hội viên, nông dân kịp thời tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.


Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, tận tình hướng dẫn giúp đỡ hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.



Thông qua hoạt động cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện mô hình dự án, các hoạt động phong trào của Hội cũng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giầu và giảm nghèo bền vững.


Số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đã tăng lên hàng năm. Hàng năm đã tập hợp thu hút thêm từ 20-25 hội viên nông dân mới tham gia vào tổ chức Hội.


Qua đó có thể khẳng định rằng Quỹ HTND thực sự là đòn bẩy quan trọng giúp nông dân phát triển kinh tế, đồng thời góp phần để xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh.






 
Phúc Tuyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường