(Quỹ HTND)- Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt trên 48,41 tỷ đồng, cho 1.511 hộ nông dân vay để phát triển sản xuất, xây dựng mô hình. Trong đó, nguồn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác đạt 9,27 tỷ đồng cho 256 hộ vay triển khai 21 dự án; Quỹ cấp tỉnh 10,1 tỷ đồng cho 286 hộ vay thực hiện 27 dự án; Quỹ cấp huyện, xã 23,568 tỷ đồng cho 969 hộ vay thực hiện 132 dự án.
|
Nguồn vốn Quỹ đã giúp hội viên, nông dân huyện Chi Lăng thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng/hộ/năm. |
Năm 2021, Ban vận động Quỹ HTND tỉnh đã vận động các tập thể, cá nhân thuộc các cấp Hội ủng hộ được hơn 2,38 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện vận động được hơn 14,368 tỷ đồng; Quỹ cấp xã 10,697 tỷ đồng. UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách 8,5 tỷ đồng bổ sung Quỹ; UBND các huyện hỗ trợ 2,947 tỷ đồng.
Để hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND đã tích cực chuyển giao KHKT cho các hộ hội viên vay vốn. Năm 2021, các cấp Hội ND đã phối hợp tổ chức được 261 lớp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và cây ăn quả… cho 13.179 lượt hội viên, nông dân.
Tiêu biểu như Quỹ HTND huyện Chi Lăng đang quản lý trên 3,8 tỷ đồng, từ năm 2019 đến nay, đã có 208 hộ hội viên tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được vay vốn Quỹ thực hiện 27 dự án phát triển kinh tế. Đồng thời, Hội tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 184 cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả, chăn nuôi, cách sử dụng các loại phân bón, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác; tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh cho 8.640 hội viên.
Bên cạnh đó, Ban vận động Quỹ HTND huyện còn triển khai vận động xây dựng Quỹ được trên 800 triệu đồng từ các tổ chức, đoàn thể, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ. Từ nguồn vốn Quỹ, các hộ hội viên đã triển khai sản xuất na VietGAP (thị trấn Chi Lăng); thành lập HTX nông nghiệp (thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ); xây dựng mô hình trồng táo chuyên canh (xã Nhân Lý); mô hình nuôi ong lấy mật (xã Vân Thủy)… đem lại thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng/hộ/năm.
Được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND huyện, ông Phan Văn Hội, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam và mở rộng diện tích trồng na. Hội ND xã còn hỗ trợ gia đình ông phân bón, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả… Đến nay, 240 gốc cam và gần 700 gốc na của gia đình ông đã phát triển tốt. Trừ mọi chi phí, ông thu về khoảng 100 triệu đồng/năm, ổn định cuộc sống.
Hay ông Hà Mạnh Dương, thôn Trung Tâm, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng được vay 30 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư mở rộng diện tích trồng và mua phân bón chăm sóc hơn 1ha na đang cho thu hoạch. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, ông thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ nhận ủy thác ngân hàng CSXH qua Hội đạt 840,173 tỷ đồng cho 16.873 hộ vay thông qua 552 Tổ TK&VV. Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, Hội phối hợp với ngân hàng NN&PTNT giải ngân 114,298 tỷ đồng cho 1.129 hộ vay thông qua 86 Tổ Vay vốn.
Tiêu biểu như Hội ND xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng đang nhận ủy thác của ngân hàng CSXH cho 152 hội viên, nông dân vay trên 10,2 tỷ đồng. Trong đó, 70% hộ đầu tư chăn nuôi ngựa bạch, còn lại là trồng rừng. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, riêng năm 2021, đã có 16 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo. Hiện nay Hội có khoảng 40 mô hình của hội viên có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Điển hình là anh Nguyễn Văn Chiến - thôn Co Hương, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi ngựa. Đến nay, gia đình anh duy trì đàn ngựa bạch 6 con, hàng năm xuất bán mang lại thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.
Ông Nông Văn Chỉ ở thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để trồng quế. 5 năm sau, gia đình ông tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng diện tích. Từ năm 2020, một phần cây quế của gia đình ông đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Có vốn, ông phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập và thoát nghèo.
Các nguồn vốn trên đã giúp nông dân mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần hạn chế tình trạng vay nóng, tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.