Quỹ HTND tỉnh Gia Lai: Triển khai 830 phương án sản xuất, kinh doanh theo hộ
10:02 - 25/05/2022
(Quỹ HTND)- Năm 2021, Quỹ HTND các cấp đã triển khai thực hiện 830 phương án sản xuất, kinh doanh theo hộ, đồng thời, thông qua các Tổ liên kết, Tổ TK&VV, toàn tỉnh có hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế.
Năm 2021 Quỹ HTND huyện Chư Prông đã giải ngân 1,1 tỷ đồng nguồn tỉnh ủy thác để triển khai thực hiện 2 dự án: Chăn nuôi dê sinh sản và chăm sóc cây điều.


Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 40,16 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Hội ủy thác 8,59 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cấp 7,8 tỷ đồng, huyện cấp 12,62 tỷ đồng, xã cấp 125,5 triệu đồng; nguồn ủng hộ 10,45 tỷ đồng; bổ sung từ kết quả hoạt động 229,9 triệu đồng.
 
 
Nguồn vốn trên đã và đang triển khai cho 1.812 hộ nông dân vay vốn thực hiện 116 mô hình, dự án. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác cho 214 hộ vay triển khai 17 dự án; nguồn tỉnh cho 228 hộ vay 8,15 tỷ đồng thực hiện 19 dự án; nguồn huyện xã cho 1.370 hộ vay 21,34 tỷ đồng thực hiện 80 dự án. Các mô hình vay vốn Quỹ HTND đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh theo hướng liên doanh, liên kết, ứng dụng tiến bộ KHKT và mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa.
 
 
Tiêu biểu như Quỹ HTND huyện Chư Prông đã giải ngân 1,1 tỷ đồng nguồn tỉnh ủy thác để triển khai thực hiện 2 dự án: Chăn nuôi dê sinh sản và chăm sóc cây điều; đồng thời, cho vay để thực hiện 11 dự án chăn nuôi và trồng trọt.

 
Ông  Phạm Văn Thắng - thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông được vay 20 triệu đồng Quỹ HTND huyện để mua 3 con dê sinh sản. Sau một thời gian thấy hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục vay vốn mở rộng quy mô. Đến nay, gia đình ông sở hữu đàn dê hơn 40 con, cuộc sống ngày càng khấm khá.
 
 
Hội ND huyện Ia Pa triển khai mô hình ủ phân hữu cơ với sự tham gia của 10 hộ đồng bào Jrai tại buôn Tơ Khế, xã Ia Tul. Sau khi tập huấn, mỗi hộ tham gia mô hình được vay 5 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện, thời gian vay 1 năm để đầu tư xây bể ủ phân bón, mua nguyên liệu.
 
 
Với khoảng 1 tấn phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp khoảng 1-2 kg chế phẩm vi sinh và dùng bạt phủ kín để che mưa, nắng, vào mùa đông, sau khi ủ 1,5-2 tháng, phân có thể sử dụng được; còn mùa hè, thời tiết nắng nóng, quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn nên chỉ cần 30-40 ngày là có thể sử dụng để bón cho cây trồng.
 
 
Nhờ tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, phương pháp ủ phân hữu cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp phân bón có giá trị dinh dưỡng cao hơn mà giá thành giảm 30% so với các loại phân vô cơ trên thị trường. Khi dùng loại phân này, rau màu không chỉ cho năng suất cao, lá xanh mướt mà còn phòng được các bệnh xì mủ, vàng lá, thối rễ...
 
 
Ông Ksor Trim – một trong những hộ tham gia mô hình hiện nuôi 10 con bò và 3 con heo, lượng phân chuồng rất lớn, đồng thời tận dụng được cả lá cây khô sẵn có quanh nhà. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, gia đình ông xây bể chứa khoảng 9 m2, cao 1,2 m ngay bên cạnh chuồng bò, lượng phân ủ gần 3 tấn. Sau khi ủ khoảng 1 tháng là có thể bón cho hơn 2 ha mì, phần phân dư thừa ông dự định bán lại cho bà con trong xóm. Nhiều người thấy ông làm cũng đăng ký mua phân để bón ruộng.
 
 
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND, năm 2021, Hội ND tỉnh phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho 36.481 cán bộ, hội viên, nông dân.
 
 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn nhận ủy thác với ngân hàng CSXH cho 43.750 hộ vay 1.610.576 triệu đồng tại 1.019 Tổ TK&VV, trong đó, cho vay hộ nghèo 203.952 triệu đồng, hộ cận nghèo 314.080 triệu đồng, hộ thoát nghèo 326.361 triệu đồng…; phối hợp với ngân hàng NN&PTNT cho 21.364 hộ vay tại 733 Tổ Vay vốn với dư nợ 2.312,968 tỷ đồng.
 
 
Ông Phạm Thanh Hợi - thôn Thanh Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH mua 3 con bò lai về nuôi, đến nay, gia đình ông đã phát triển đàn bò lên 17 con. Nhờ đó, cuộc sống ngày càng ổn định và được nhiều người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
 
 
Hay ông Bring ở làng Đăk Trok, xã Đăk Yă, huyện Mang Yang được vay 20 triệu đồng ngân hàng CSXH để đầu tư trồng cà phê và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chịu khó, gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo của ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi. Đến nay, nhà ông có đàn bò và dê gần 10 con cùng 01 ha cà phê cho thu nhập ổn định.
 
 
Thời gian tới, Hội tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh cấp bổ sung vốn cho Quỹ HTND; đẩy mạnh chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh với các sở, ngành để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; phối hợp tham gia thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương.
Hữu Bách
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường