Đa dạng các hình thức hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân
03:46 - 22/03/2022
(Quỹ HTND) – Hiện nay, Quỹ HTND Lai Châu đã giúp hội viên, nông dân có vốn sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm.
Không những giúp bà con nghèo có điều kiện nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nguồn vốn Quỹ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường tín dụng lành mạnh tại nông thôn


 
 Bên cạnh việc tập trung cho vay phát triển sản xuất, Hội còn chú trọng tới hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; đồng thời, thực hiện đúng các quy định về quản lý vốn, thu hồi nợ đến hạn nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn vốn.


Để nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội hàng năm xây dựng các mô hình điểm vay vốn Quỹ HTND với nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn lồng ghép việc giải ngân vốn Quỹ HTND với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, thành lập các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.


Nguồn vốn đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của nông dân tại địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, các dự án đã thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch đề ra; các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích; các dự án khi kết thúc chu kỳ đã nộp phí và gốc đúng hạn.


Kết quả năm 2021, Hội ND các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp bổ sung 5.300 triệu đồng vào nguồn vốn Quỹ HTND, vận động ủng hộ 602,460 triệu đồng; giải ngân 28 dự án vay vốn Quỹ HTND với số tiền 10.790 triệu đồng cho 201 hộ vay.
 

Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 52.760 triệu đồng (tăng 5.974 trriệu đồng so với năm 2020), dư nợ 44.100 triệu đồng với 117 dự án, 933 hộ vay.


Đặc biệt từ các mô hình điển hình vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 32 Tổ hợp tác, 2 Hợp tác xã, qua đó giúp nhóm hộ nông dân liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất kinh doanh.


Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa, là nơi để hội viên nông dân học tập và làm theo, từng bước thúc đẩy Phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", phát triển và tạo niềm tin giữa hội viên với tổ chức Hội. 


Kết quả có 5.748 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKDG các cấp, trong đó có 5.130 hộ đạt danh hiệu (tăng 103 hộ so với năm 2020). Nhiều hộ nông dân SXKDG tích cực hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo phát triển sản xuất.


Quỹ HTND được hoạt động trở thành kênh tín dụng trợ giúp nông dân vay vốn với lãi suất thấp, ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.


Do đó, thời gian qua từ nguồn vốn vay Quỹ HTND đã góp phần xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả cao.


Đến nay, toàn tỉnh có 118 dự án kinh tế, trong đó có 27 dự án trồng trọt (chiếm 22,9%); 79 dự án chăn nuôi (chiếm 66,9%); 10 dự án thủy sản (chiếm 8,5%); 2 dự án dịch vụ, làng nghề (chiếm 1,7%).


Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nhất là đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Hội, Tổ hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã… góp phần đẩy mạnh hoạt động của hội và phong trào nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương, tỉnh và các huyện, thành phố đã hỗ trợ 927 hộ gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh vay vốn với tổng số tiền 45.395 triệu đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế.


Không những giúp bà con nghèo có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, nguồn vốn Quỹ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường tín dụng lành mạnh tại nông thôn. 


Chị Đỗ Thị Nhâm ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp.


Qua Hội ND huyện, xã chị được hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh để đầu tư làm lại chuồng trại, mua bò thương phẩm về nuôi theo hình thức nuôi nhốt. Nhờ tích cực chăn nuôi, đến nay, trung bình mỗi năm chị thu về hơn 300 triệu đồng.


Tại bản Giẳng, xã Mường Tè, hộ anh Vùi Văn Pha đã đầu tư nuôi trâu và trồng quýt. Để phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt anh được vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND cộng với số vốn tự có, anh mở rộng quy mô trồng quýt.


Đến nay, từ trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp của gia đình, trung bình mỗi năm cho anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng, gia đình anh trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện.


Việc xây dựng các mô hình dự án vay vốn Quỹ HTND và tổ chức các hoạt động HTND luôn bám sát quy hoạch vùng phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh góp phần thực hiện tốt vai trò vận động nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình nông dân, thôn, bản văn hóa; phát hiện, nhân rộng những điển hình tại địa phương.

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh đã hỗ trợ cho trên 2.000 lượt hộ gia đình hội viên, nông dân vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình nông dân liên kết, hợp tác phát triển kinh tế.

 
Các dự án vay vốn cơ bản phát huy hiệu quả nguồn vốn từ đó hình thành nhiều mô hình nhóm hộ nông dân liên kết sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho hộ vay cải thiện đời sống.


Nhiều mô hình sử dụng vốn Quỹ HTND được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực, được bà con nhân rộng trên địa bàn.


Tiêu biểu là dự án "Đầu tư mua máy sản xuất miến dong theo công nghệ mới" với tổng số tiền 500 triệu đồng, cho 10 hộ vay tại bản Vân Bình và bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư, huyện Tam Đường.


Hộ anh Bùi Văn Bình tại bản Tòng Pẳn, xã Bình Lư là một trong những hộ được vay vốn của Quỹ HTND với số tiền là 50 triệu đồng.


Trước đây gia đình anh làm miến chủ yếu bằng thủ công mất nhiều thời gian, nhân công, sản lượng miến làm ra không đủ để bán cho khách hàng. Do đó, khi được vay vốn Quỹ HTND, gia đình anh đầu tư mua 1 máy ép sợi miến theo công nghệ mới, xây 2 bể khoắng bột, 200 phên mới, cải tạo lại giàn phơi miến. Nhờ có máy mới, mỗi ngày trung bình gia đình anh sản xuất từ 50-60kg miến để bán ra thị trường.


Hay Dự án "Trồng, chăm sóc, chế biến chè" tại 2 phường Quyết Thắng, Quyết Tiến, thành phố Lai Châu với số vốn 1 tỷ đồng cho 34 hộ vay vốn đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè.


Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất tự cấp, tự túc là chính, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn đang dần hình thành.


 Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của tỉnh, do vậy thời gian qua tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi, các cấp, các ngành đã kiên trì vận động nên đã tạo được phong trào làm chuồng trại, trồng cỏ và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông; kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế tình trạng trâu, bò chết rét đặc biệt là ở các xã vùng cao.


Để nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án chăn nuôi trâu, thông qua triển khai cho vay nguồn vốn Quỹ, Hội ND tỉnh đã triển khai hỗ trợ nông dân xã Nùng Nàng – huyện Tam Đường xây dựng mô hình Tổ hợp tác nuôi trâu vỗ béo để liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi, góp phần cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung có áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm.


Đây là mô hình điểm và ngày càng được áp dụng rộng rãi tại các địa phương khác trong tỉnh. Dự án “Nuôi trâu thương phẩm vỗ béo” được hoàn thiện và giải ngân vào tháng 5/2018 với 13 hộ tại 02 bản Phan Chu Hoa, Xì Miền Khan tham gia vay vốn Quỹ 1.000 triệu đồng.


Trong quá trình triển khai, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp với Hội ND huyện Tam Đường và cấp ủy, chính quyền xã, Hội ND xã lựa chọn và bình xét các hộ tham gia mô hình điểm ưu tiên các hộ có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, có điều kiện về tư liệu sản xuất, có khả năng áp dụng tốt KHKT vào sản xuất, nhưng còn thiếu vốn, hoàn thiện hồ sơ dự án vay vốn, trong đó nâng mức vốn cho vay đối với các hộ tham gia, tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ.


Trung bình mỗi năm, mỗi hộ vay vốn thực hiện 3 lần quay vòng vốn để đầu tư mua trâu vỗ béo và bán, mỗi lần bán lãi được từ 5 - 7 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ ông Hầu A Tùng vay 90 triệu đồng, đã thực hiện mua – bán tổng cộng 09 con trâu, lãi thu về đạt 50 triệu đồng.


Hay hộ ông Vàng A Đằng vay 100 triệu đồng mua – bán tổng cộng 18 con trâu, thu lãi số tiền lãi 90 triệu đồng; hộ ông Sùng Páo Ly vay 90 triệu đồng mua – bán tổng cộng 10 con trâu, thu lãi trên 50 triệu đồng.


Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu thương phẩm, kỹ thuật ủ phân và trồng cỏ. 100% hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích làm mới, tu sửa chuồng trại theo đúng kỹ thuật, năm đầu mua 23 con trâu để vỗ béo xuất bán, trồng cỏ để chăn nuôi.


Qua việc thực hiện mô hình đã góp phần chuyển đổi tư duy trong chăn nuôi cho nhóm hộ, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, các hộ chủ động được nguồn thức ăn cho trâu từ thức ăn thô xanh gồm các loại cỏ, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tinh như hạt ngũ cốc, cám, cùng với chủ động tiêm phòng dịch bệnh, giúp trâu khỏe mạnh, đạt trọng lượng tốt, chất lượng dinh dưỡng của trâu thịt được nâng cao.


Hội ND xã đã thành lập và ra mắt Tổ hợp tác nuôi trâu thương phẩm tại xã Nùng Nàng gồm 13 thành viên là các hộ tham gia dự án vay vốn Quỹ. Việc thành lập Tổ hợp tác giúp các hộ liên kết chặt chẽ, lâu dài trong các hoạt động chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập.


Nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, Hội ND tỉnh đã quyết định giảm mức thu phí cho vay Quỹ HTND hỗ trợ hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


 Các cấp Hội trong tỉnh cũng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp bổ sung hàng tỷ đồng vào nguồn vốn Quỹ HTND. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế, thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác. Đồng thời tích cực phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.


Được hỗ trợ vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, hội viên, nông dân tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội của tỉnh còn triển khai hỗ trợ các loại vật tư nông nghiệp giúp hội viên, nông dân sản xuất kịp thời vụ.


Các cấp Hội còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên, nông dân; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. 


Hiện, dư nợ uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 730.196 triệu đồng với 14.657 hộ vay; dư nợ của ngân hàng NN&PTNT uỷ thác qua tổ chức Hội là 204.864 triệu đồng, 1.816 hộ vay. 


Bên cạnh hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội còn thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đồng thời, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất giúp sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả. 


Hội ND các cấp tổ chức 55 hội nghị tập huấn KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho 1.382 hội viên, nông dân trên địa bàn.


Các nguồn lực về vốn đã góp phần hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống, xây dựng các mô hình liên kết, nhằm nâng cao vị trí vai trò trung tâm nòng cốt của Hội trong việc tổ chức các phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội.
 


 

Nhất Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Hiệu quả từ nuôi dê sinh sản