Bắc Kạn: Tổng nguồn vốn Quỹ HTND đạt trên 24,5 tỷ đồng
14:14 - 24/09/2021
(Quỹ HTND)- Từ đầu năm đến nay, Quỹ HTND các cấp tăng trưởng trên 476 triệu đồng; trong đó: Ngân sách tỉnh cấp bổ sung trên 194 triệu đồng, cấp huyện bổ sung 200 triệu đồng/02 đơn vị; nguồn vận động ủng hộ 274 triệu đồng; bổ sung từ hoạt động trên 2 triệu đồng.
Các dự án phát triển kinh tế từ Quỹ HTND đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 hội viên, nông dân.


Hiện, tổng nguồn vốn do Quỹ HTND tỉnh quản lý đạt 24,55 tỷ đồng. Cụ thể: Nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác đạt 12,37 tỷ đồng; Quỹ cấp tỉnh 5,8 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện 3,16 tỷ đồng; nguồn vốn từ cấp xã vận động 3,22 tỷ đồng.
 
 
Từ nguồn ủy thác của Trung ương Hội đang có 11,91 tỷ đồng/261 hộ vay/22 dự án. Từ cuối năm 2020 đến nay đã đôn đốc thu hồi 03 dự án được 905 triệu đồng/26 hộ vay; hướng dẫn xây dựng và giải ngân 3 dự án với số vốn 1,7 tỷ đồng/30 hộ vay.
 
 
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh hiện đang cho vay 5,24 tỷ đồng/126 hộ vay/19 dự án. Từ đầu năm đến nay, Hội ND tỉnh đã tổ chức thẩm định và giải ngân 620 triệu đồng cho 14 hộ vay triển khai 2 dự án; trong đó, 01 dự án trồng trọt và 01 dự án chăn nuôi. Nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện, xã hiện đang triển khai cho vay 4,84 tỷ đồng/154 hộ vay.
 
 
Nhìn chung, các dự án vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, không có nợ xấu, nợ quá hạn và không xảy ra tình trạng thất thoát. Sau khi kết thúc các dự án đều thu hồi được nguồn vốn vay và nhanh chóng quay vòng giúp nhiều hội viên tiếp cận mới.
 
 
Đồng thời, các cấp Hội kiểm tra 100% các hộ vay sau 30 ngày giải ngân. Theo đó, Hội ND tỉnh kiểm tra 3 huyện, 11 xã, 12 tổ (Tổ TK&VV, Tổ vay vốn và Tổ liên kết vay vốn), 60 hộ vay vốn các ngân hàng; 40 lượt hộ vay vốn Quỹ HTND. 7/8 Hội ND các huyện, thành phố đã thực hiện kiểm tra 72 xã, 84 tổ, 425 hộ vay vốn các ngân hàng; 287 hộ vay vốn Quỹ HTND. Qua kiểm tra các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, hồ sơ lưu trữ của Hội ND huyện, xã và Tổ TK&VV đã có bước tiến bộ hơn những năm trước.
 
 
Các dự án phát triển kinh tế từ Quỹ HTND đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời giải quyết việc làm cho trên 2.000 người; góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới.
 
 
Tiêu biểu như Dự án “Trồng và chăm sóc cam quýt” được triển khai tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông với số vốn vay 1 tỷ đồng, có 15 hộ tham gia trên diện tích 30 ha. Sau gần 3 năm, hiện các hộ vay vốn đã đầu tư trồng và chăm sóc 35,5 ha (tăng 5,5 ha so với đăng ký ban đầu). Sản lượng cam, quýt đã bán ước đạt trên 400 tấn, giá bán trung bình 8.000 đồng/kg, doanh thu của các hộ đạt khoảng 3,2 tỷ đồng. Như vậy, trừ mọi chi phí, các hộ còn thu lãi 1,9 tỷ đồng, trung bình lãi 126 triệu đồng/hộ.
 
 
Bà Nguyễn Thanh Thủy - một trong những thành viên vay vốn thực hiện dự án ở thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong được vay 100 triệu đồng Quỹ HTND để chăm sóc và cải tạo vườn cam, quýt trên diện tích hơn 5 ha. Có vốn, bà đầu tư thêm giống, phân bón, áp dụng những kỹ thuật mới đã được tập huấn và mạnh dạn thay thế những cây quýt đã già, lâu năm, tiến hành trồng thưa với khoảng cách 6m/cây, cắt tỉa theo giai đoạn. Nhờ vậy đến nay, cây phát triển tốt, đủ sáng, đủ dưỡng chất, cho năng suất cao, được thương lái ưa chuộng vì mẫu mã quả sáng bóng và đẹp.
 
 
Hay dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể với tổng số vốn vay 310 triệu đồng/10 hộ vay. Sau khi giải ngân, các hộ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi mua thêm được 18 con, nâng tổng đàn trâu, bò của các hộ tham gia dự án lên 46 con. Dự án chăn nuôi gà tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn với tổng số vốn vay 300 triệu đồng/10 hộ vay, quá trình thực hiện, mỗi hộ nuôi trung bình 3 lứa, mỗi lứa từ 250 con. Sau khi kết thúc dự án, các hộ bán ra thị trường khoảng 4.300 kg thịt thương phẩm với tổng doanh thu 860 triệu đồng.
 
 
Cùng với triển khai dự án, các cấp Hội tổ chức lồng ghép tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng với lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội; phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật được 52 lớp/1.995 lượt hội viên.
 
 
Bên cạnh đó, tổng dư nợ nhận ủy thác với ngân hàng CSXH qua Hội ND đạt hơn 635 tỷ đồng cho 12.278 hộ vay thông qua 455 Tổ TK&VV. Đã có 15.848 hộ tham gia gửi tiết kiệm với tổng số tiền 15,68 tỷ đồng.
 
 
Hội còn phối hợp với ngân hàng NN&PTNT cho 1.851 hộ vay 137 tỷ đồng thông qua 103 Tổ Vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ; phối hợp với ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LiênViệtPostbank) chi nhánh Bắc Kạn giải ngân 26 tỷ đồng cho 439 hộ thông qua 89 Tổ liên kết vay vốn.
 
 
Hộ anh Nguyễn Trọng Hiền - tổ 11B, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn được Hội ND phường tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH đầu tư thiết kế nhà lưới trên diện tích 500m² đất vườn. Với hệ thống nhà lưới ngăn ngừa hiệu quả các loại thiên địch gây hại, anh chủ động canh tác các loại dưa cho năng suất cao, sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, an toàn, chủ yếu phun các loại chế phẩm sinh học như dịch mật, dịch chuối. Đồng thời, anh lắp đặt hệ thống nước tưới thiết kế nhỏ giọt tự động luôn đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm, giúp cây trồng phát triển tốt. Sau 70 ngày chăm sóc, quả đủ vị ngọt sẽ tiến hành cắt nước toàn bộ vườn dưa, trước vài ngày thu hoạch.
 
 
Vụ dưa lưới 2021, cả vườn có 10 quả đạt trọng lượng 3kg/quả, còn lại số lượng quả đạt từ 1,4kg - 2,5kg/quả. Giá bán lẻ tại vườn những quả loại 1 là 45.000 đồng/kg; loại 2 được 30.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế đạt 60 triệu đồng/vụ. Anh Hiền dự định sau khi thu hoạch dưa sẽ xử lý toàn bộ đất sạch sẽ để tiếp tục trồng cây dâu tây.
 
 
Hay như ông Nông Văn Duyên- thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn được vay vốn ưu đãi đầu tư xây chuồng trại kiên cố và nuôi 25 con bò, trồng 2ha rừng keo lá tràm. Số tiền thu được từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp ông thoát nghèo, trả hết nợ vay. Năm nay, ông còn được ngân hàng CSXH cho vay bổ sung 90 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất.
 
 
Các nguồn vốn trên không chỉ tạo điều kiện cho nông hộ có thêm nguồn lực để mở rộng, phát triển mô hình sản xuất, mà qua triển khai, các cấp Hội đã hướng nông dân đẩy mạnh liên kết, tham gia các hình thức kinh tế tập thể, cùng nhau hợp tác trong phát triển kinh tế dựa trên những tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Văn Hiếu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Hiệu quả từ nuôi dê sinh sản