Bạc Liêu: Tổng nguồn vốn Quỹ đạt trên 23 tỷ đồng
09:14 - 23/09/2021
(Quỹ HTND)- Sáu tháng đầu năm nay, ngân sách tỉnh và huyện bổ sung cho Quỹ HTND được 1,2 tỷ đồng; các cấp Hội đã vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ được 84,4 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND hiện đang quản lý đạt 23,76 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ đã giúp hàng ngàn hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình.


Trong kỳ Quỹ đã cho 44 hộ vay 1,25 tỷ đồng triển khai mới 04 dự án chăn nuôi; giải ngân 950 triệu đồng nguồn Trung ương ủy thác cho 34 hộ vay thực hiện 03 dự án; 300 triệu đồng nguồn Quỹ HTND tỉnh cho 10 hộ vay thực hiện 01 dự án; 400 triệu đồng nguồn Quỹ cấp huyện cho 20 hộ vay thực hiện 02 dự án. Đồng thời thu nợ 1,5 tỷ đồng thuộc 05 dự án. Công tác thu hồi vốn, phí đạt 100%.
 
 
Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh còn phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 07 cuộc tập huấn cho 45 cán bộ phụ trách Quỹ HTND các huyện, thị, thành phố.
 
 
Nhìn chung, các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, sản xuất có hiệu quả. Các dự án được triển khai tại địa phương đã tác động lớn đối với tập quán canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ của hội viên, nông dân, được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhân rộng.
 
 
Từ năm 2012 đến nay, Quỹ HTND đã cho hơn 250 lượt dự án vay, giải quyết cho 3.500 hộ vay 57 tỷ đồng. Trong đó, có 105 dự án chăn nuôi (chiếm gần 49%), 75 dự án trồng màu, 30 dự án thủy sản, 6 dự án dịch vụ, làng nghề… Các dự án vay vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân phát triển trồng lúa chất lượng cao, trồng rau quả trong nhà màng, nhà lưới, nuôi cua đinh, sò huyết, tôm càng xanh - lúa, gia súc, gia cầm… Thông qua dự án và hiệu quả từ dự án mang lại đã giúp hàng ngàn hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình, hàng trăm hộ trở thành nông dân sản xuất giỏi, nhiều hộ vay trong dự án thoát nghèo bền vững; tạo việc làm cho gần 10.000 lao động ở nông thôn và thành lập 227 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp.
 
 
Hai năm trước, ông Phạm Thanh Phương - ấp Thông Lưu B, thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) được Quỹ HTND huyện cho vay 80 triệu đồng để chuyển từ trồng táo vườn sang trồng táo hồng, táo sừng bo trong nhà lưới trên diện tích 3.000m2 để nông sản sạch, bán giá cao hơn. Có vốn, ông mua sắt, lưới bao toàn bộ vườn táo. Dưới ao, ông trồng thêm bông súng, thả cá đồng và lươn thiên nhiên trong mương, khai thác bán mỗi ngày. Hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới của ông thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan và thưởng thức những trái táo sạch ngay tại vườn với giá 40.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với bán cho thương lái. Mô hình đem lại cho ông thu nhập 250 triệu đồng/năm.
 
 
Bên cạnh đó, tổng dư nợ nhận ủy thác ngân hàng CSXH qua Hội ND đạt hơn 593,6 tỷ đồng cho 23.114 hộ vay thông qua 500 Tổ TK&VV. Tỷ lệ thu lãi tháng bình quân đạt 96%.
 
 
Điển hình như hộ anh Trần Thanh Tuấn, dân tộc Khmer ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu) từ một hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất đã sử dụng vốn chính sách mua cây giống, gieo trồng 5 công rẫy rau, củ quả sau nhà, thu 50 triệu đồng/vụ, đến nay được công nhận thoát nghèo.
 
 
Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng NN&PTNT giải ngân 254 tỷ đồng cho 2.481 hộ vay thông qua 248 Tổ Vay vốn thực hiện thỏa thuận liên ngành 01 theo Nghị định 116 của Chính phủ.
 
 
Các nguồn vốn trên đã trở thành kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho hội viên, nông dân. Bà con phấn khởi khi được vay vốn và mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả. Từ đó, ngày càng có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ nguồn vốn Quỹ đã duy trì, nhân rộng mô hình tổ hợp tác, HTX, qua đó vận động tập hợp nông dân tham gia xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hồng Khanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường