Trà Vinh: Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế
16:18 - 01/07/2021
(Quỹ HTND) – Đến nay, nguồn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân có vốn sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đồng thời xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất.
Từ vốn Quỹ, bà con nông dân đã nâng cao quy mô sản xuất, phát triển kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống



Năm 2021, Hội ND tỉnh đã đề xuất và được ngân sách tỉnh cấp 5 tỷ đồng cho Quỹ HTND. Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 27,602 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng trưởng trên 3 tỷ đồng, đạt 107,5% chỉ tiêu Trung ương giao.


Xác định việc bảo đảm an toàn nguồn vốn là quan trọng nhất trong công tác quản lý vốn, vì vậy, trước khi tiến hành giải ngân, Hội đã trực tiếp thẩm định 100% số hộ vay. Sau khi thẩm định phải bảo đảm đủ điều kiện thì mới giải ngân.


Quỹ HTND các cấp đều được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ, không có nợ xấu hay chiếm dụng vốn.


Bên cạnh việc tập trung cho vay phát triển sản xuất, Hội còn chú trọng tới hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; đồng thời, thực hiện đúng các quy định về quản lý vốn, thu hồi nợ đến hạn nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn vốn.


Để nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội hàng năm xây dựng các mô hình điểm vay vốn Quỹ HTND với nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn lồng ghép việc giải ngân vốn Quỹ HTND với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, thành lập các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.


Nguồn vốn đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của nông dân tại địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, các dự án đã thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch đề ra; các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích; các dự án khi kết thúc chu kỳ đã nộp phí và gốc đúng hạn.


Hàng quý, các thành viên trong dự án duy trì việc sinh hoạt tổ, nội dung phong phú, với sự tham gia của Ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi và học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất.


Bên cạnh đó, bàn cách tìm đầu ra cho sản phẩm, lấy lợi ích về kinh tế làm động lực để tập hợp hội viên, nông dân tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội góp phần xây dựng Hội vững mạnh.


Hoạt động phối hợp với các ngân hàng cũng được các cấp Hội quan tâm và triển khai  hiệu quả.


 Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng tuyên truyền, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng lành mạnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình hội viên, nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tình trạng tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.


Thông qua chương trình phối hợp giúp các hộ được vay vốn xây dựng hàng trăm mô hình mang lại thu nhập cao, giải quyết cho nhiều lao động có việc làm nhằm ổn định cuộc sống.


Bên cạnh hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội còn thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đồng thời, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất giúp sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả. 


Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các sở, ngành tổ chức hàng nghìn buổi chuyển giao KHKT về: Trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cách phòng trừ sâu bệnh cho lúa, cây ăn quả, rau màu; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm  cho hội viên, nông dân.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã triển khai cho hàng nghìn hộ nông dân vay vốn. Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn đang phát huy hiệu quả tốt, đúng mục đích, nhiều hộ vay vốn vươn lên làm giàu và phấn đấu đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.


Không những giúp bà con nghèo có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, nguồn vốn Quỹ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường tín dụng lành mạnh tại nông thôn. 


 Đồng thời, các hộ sản xuất còn liên kết hình thành mô hình kinh tế tập thể, Tổ hợp tác, nhóm nông dân liên kết sản xuất hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức KHKT, vật tư đầu vào, thị trường đầu ra làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm.


Các cấp Hội đã vận động hướng dẫn xây dựng được 257 mô hình kinh tế hiệu quả với 5.411 hội viên tham gia. Hội vận động, hướng dẫn xây dựng được 34 Hợp tác xã, 311 Tổ hợp tác, 20 chi Hội nghề nghiệp, 1.014 tổ Hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả.


Nhằm góp phần thực hiện việc thành lập cũng như phát triển tốt các mô hình liên kết sản xuất, Hội tập trung đầu tư từ nguồn vốn Quỹ HTND vào các mô hình sản xuất của Tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi, tổ Hội nghề nghiệp hiệu quả. 


Tại huyện Châu Thành, hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp do Hội ND huyện quản lý đạt hơn tỷ đồng hỗ trợ nông dân trong huyện thực hiện 17 dự án, 224 hộ vay thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.


Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu, hạn, mặn diễn ra ngày càng gay gắt ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân, Hội ND xã Lương Hòa A đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng.


Hội ND xã Lương Hòa A đã thành lập tổ Hội nghề nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao với 11 hội viên tham gia.


Sau khi thành lập tổ Hội nghề nghiệp, Hội ND xã đã xây dựng dự án trồng dưa lưới công nghệ cao với tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 2,3 tỷ đồng; trong đó Quỹ HTND Trung ương Hội đầu tư cho vay 1 tỷ đồng, số tiền còn lại của hội viên đối ứng.


Đây là mô hình tổ Hội nghề nghiệp điểm của xã và là mô hình đầu tiên Quỹ HTND cho vay ưu đãi với mức tối đa 100 triệu đồng/hộ.


Hiện nay, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của xã có 8 nhà lưới, 4 nhà màng, diện tích mỗi nhà màng hoặc nhà lưới từ 700 - 1.000m². Bình quân, mỗi năm, nông dân nơi đây thu hoạch được 2 - 4 vụ dưa lưới.


Sau thời gian triển khai, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở xã Lương Hòa A đã mang lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận bình quân mô hình từ 40 - 60 triệu đồng/1.000m2/vụ.


Từ hiệu quả của mô hình, tổ Hội nghề nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao thu hút thêm 6 hộ nông dân tham gia mô hình trồng dưa lưới. Đến nay, tổ Hội nghề nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao xã Lương Hòa A có 17 thành viên.

 
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn vay, công tác tập huấn nghiệp vụ nhằm trang bị thêm kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân cũng luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện.


Thông qua các lớp tập huấn và qua các cuộc kiểm tra giúp nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho các cán bộ Hội các cấp. Các hộ vay trên địa bàn đều đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn, sử dụng đúng mục đích. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn đã có thêm nguồn lực để vươn lên, phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp thoát nghèo và ổn định cuộc sống.


Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ là nguồn lực quan trọng trong việc hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống, xây dựng các mô hình liên kết, góp phần nâng cao vị trí vai trò trung tâm nòng cốt của Hội trong việc tổ chức các phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.


 

Nhất Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường