Vốn Quỹ giúp hội viên, nông dân tăng thu nhập
16:16 - 01/08/2021
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo Hội ND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp hỗ trợ ngân sách địa phương xây dựng Quỹ HTND.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ nông dân đầu tư chăn nuôi hiệu quả


Quỹ HTND tăng trưởng nguồn vốn cấp thành phố và quận, huyện đạt 5.493.700.000 đồng (đạt 109, 87% kế hoạch).


Tổng số nguồn vốn ngân sách thành phố cấp bổ sung cho Quỹ HTND thành phố năm 2020 là 04 tỷ đồng (cho vay 10 dự án với 109 hộ vay, gồm: 03 dự án chế biến, kinh doanh; 01 dự án trồng trọt; 06 dự án nuôi trồng thủy sản).


Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND hiện đang quản lý 3 cấp là 49.483.906.000 đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác 14.750.000.000 đồng; nguồn thành phố đạt 21.351.966.000 đồng; nguồn vốn cấp huyện, quận là 13.381.940.000 đồng (Nguồn vốn cấp cơ sở vận động được 8.307.504.000 đồng).


Thành Hội phối hợp Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương kiểm tra hoạt động Quỹ HTND tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên; tổ chức 07 lớp tập huấn cho 1.426 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố về công tác xây dựng, quản lý, điều hành, cho vay vốn và quản lý tài chính Quỹ HTND. Các cấp Hội kiểm tra hoạt động Qũy HTND tại 10/12 huyện, quận có tổ chức Hội.


Qua các lớp tập huấn được triển khai trên địa bàn cho thấy, công tác quản lý Quỹ HTND của cấp Hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc quản lý nguồn vốn ngày càng tập trung, hoạt động bình xét cho vay luôn đảm bảo đúng đối tượng, mục đích mang lại hiệu quả cao.


Bên cạnh việc tập trung cho vay phát triển sản xuất, Hội còn chú trọng tới hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả; thực hiện đúng các quy định về quản lý vốn, thu hồi nợ đến hạn nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND.


Các dự án vay vốn  đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.


Đồng thời, các cấp Hội tổ chức phát động phong trào thi đua; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký, phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2020, toàn thành phố có 60.419 hộ đạt/84.009 hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.


Trên cơ sở đó, thành Hội đã thành lập Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành phố Hải Phòng”, nhằm tập hợp những hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố để liên kết các hộ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu nhập của nông dân và góp phần hình thành tổ, nhóm liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm...


Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, với cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả, gương mẫu đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Điển hình như: Hợp tác xã trồng rau an toàn tại xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng; mô hình nuôi ngao ở các xã: Đồng Bài, Phù Long; mô hình nuôi ong lấy mật và nuôi dê ở xã Xuân Đám và Trân Châu, thị trấn Cát Bà; Hợp tác xã nuôi ong lấy mật tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy.


Các cấp Hội tích cực vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng ngành nghề ở mỗi địa phương. Hội đã vận động, thành lập mới và ra mắt 57 Tổ hợp tác.


Nhiều dự án phát triển nhãn hiệu tập thể cho 03 sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố đã được cấp văn bằng bảo hộ: Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Trứng vịt Chấn Hưng” cho các sản phẩm trứng vịt của huyện Tiên Lãng; quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng” cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của huyện Tiên Lãng; quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cá thu phơi một nắng - Đặc sản Đồ Sơn, Hải Phòng” cho sản phẩm cá thu phơi một nắng của quận Đồ Sơn.


Các dự án sử dụng nguồn đầu tư nhờ vốn Quỹ HTND còn giúp gia tăng sự chia sẻ và tính đoàn kết giữa các thành viên tham gia dự án, cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm trong sản xuất. Nhờ đó, các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.


Đồng thời, hoạt động vay vốn được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Việc chỉ đạo lựa chọn mô hình theo định hướng phát triển của từng địa phương nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.


Nhìn chung, hầu hết các hộ hội viên, nông dân khi tham gia thực hiện dự án đều đã có ý thức xây dựng mô hình và hoàn trả vốn vay đến hạn đúng quy định. Nhiều dự án đạt hiệu quả kinh tế cao được các cấp Hội tiếp tục nhân rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
 
Để tạo thêm nhiều kênh dẫn vốn giúp các hộ hội viên, nông dân có nguồn lực phát triển sản xuất, các cấp Hội còn tích cực, chủ động triển khai các hoạt động cụ thể và tham gia hiệu quả nhiều phần việc để đảm nhiệm tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn.


Hàng năm, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngân hàng thực hiện hiệu quả công đoạn ủy thác nhằm giúp đỡ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.


Ban Thường vụ Hội ND thành phố xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn vay ủy thác thông qua các ngân hàng trên địa bàn bởi đó là một trong những nội dung thi đua ở tất cả các cấp.


Các cấp Hội đã phối hợp với ngân hàng CSXH Hải Phòng xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ cho hội viên, nông dân vay vốn các chương trình tín dụng chính sách. Đẩy mạnh giải ngân vốn vay từ Quỹ HTND các cấp để hỗ trợ thêm vốn đầu tư phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh mới, theo hướng tập trung, liên kết “4 nhà”.


Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp ngân hàng CSXH cho 28.725 hộ hội viên, nông dân vay 902,777 tỷ đồng phát triển sản xuất thông qua 774 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.


Bên cạnh hoạt động vay vốn, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác nguồn vốn vay với các ngân hàng trên địa bàn cũng được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.

Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các sai phạm trong hoạt động thực hiện các chương trình ủy thác vay vốn với phía ngân hàng.


Các cấp Hội tiến hành kiểm tra 11 đơn vị quận, huyện; 22 xã, phường, thị trấn; 60 tổ Tiết kiệm và Vay vốn, kết quả các hộ được vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; tổ chức tập huấn nghiệp vụ vay vốn tại các huyện: Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên; các quận Dương Kinh, Hải An, với hơn 600 lượt người tham dự.


Thông qua các lớp tập huấn được triển khai trên địa bàn có thể thấy, việc quản lý nguồn vốn ngày càng tập trung, hoạt động bình xét cho vay luôn đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với ngành nghề giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.


Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả cao trong giải quyết việc làm và cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên, nông dân.


Nhằm hỗ trợ vốn cho bà con, Hội còn phối hợp với ngân hàng NN & PTNT cho 185 hộ vay 18,080 tỷ đồng thông qua 15 Tổ Vay vốn.


Các huyện có dư nợ cao như: Huyện Vĩnh Bảo là 9.811 tỷ đồng với 101 hộ vay vốn thông qua 7 Tổ Vay vốn; huyện Kiến Thụy đạt 4.085 tỷ đồng với 31 hộ vay vốn thông qua 1 Tổ Vay vốn.


Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao cho nông dân. Hội ND các cấp đã phối hợp với Trạm khuyến nông, khuyến ngư thành phố; Phòng Nông nghiệp các huyện; Phòng Kinh tế các quận có diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi; các Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức 982 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật gieo, cấy lúa, kỹ thuật sử dụng các loại phân bón cho 109.998 lượt hội viên nông dân trên địa bàn.


Có thể khẳng định, các hoạt động hỗ trợ về vốn đã giúp hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn có điều kiện mở rộng quy mô phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng.



 

Lưu Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Hiệu quả từ nuôi dê sinh sản