Tây Ninh: Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng
10:22 - 27/07/2021
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, Hội ND tỉnh bên cạnh việc tích cực kết nối với kênh hỗ trợ vốn truyền thống, đồng thời còn mở rộng phối hợp đối với các ngân hàng thương mại uy tín trên địa bàn giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn chủ động và dễ dàng.
Nguồn vốn Quỹ giúp hội viên, nông dân triển khai thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 43.202 triệu đồng. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh 14.715 triệu đồng; Quỹ cấp huyện 5.358 triệu đồng; Quỹ cấp xã 23.128 triệu đồng.
 
 
Nguồn vốn Quỹ đã được các cấp Hội kịp thời xét duyệt và đầu tư cho những hội viên, nông dân trên địa bàn đang có nhu cầu vay vốn để triển khai thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tiêu biểu như: Trồng trọt (mãng cầu, cao su, thanh long ruột đỏ, lúa, mì, rau, hồ tiêu); trồng hoa kiểng; chăn nuôi (bò, dê, lợn, gà); nuôi thủy sản (baba, cá lóc bông); các ngành nghề truyền thống (đan lát); mua bán nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh đồ gỗ...
 
 
Đến nay, đã có một số mô hình sản xuất quy mô lớn được triển khai tại nhiều địa phương và phát huy hiệu quả như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa tại huyện Trảng Bàng; Tổ liên kết trồng mãng cầu tại thành phố Tây Ninh; Tổ liên kết trồng thanh long ruột đỏ ở ấp 3, xã Bàu Đồn- huyện Gò Dầu; tổ hợp tác nuôi ba ba tại xã Phước Ninh- huyện Dương Minh Châu…
 
 
Bên cạnh đó, tổng dư nợ thực hiện chương trình ủy thác với ngân hàng CSXH hiện đạt  1.271.289 triệu đồng cho 50.111 hộ vay vốn thông qua 1.229 Tổ TK&VV; tổng dư nợ vay vốn tín chấp từ ngân hàng NN&PTNT đạt 2.353,87 tỷ đồng cho 30.637 hộ vay vốn thông qua 1.086 Tổ vay vốn.
 
 
Hộ ông Nguyễn Văn Tiết ở xã Suối Ngô (huyện Tân Châu) được Hội tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn ngân hàng CSXH; 6 năm sau, ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư mua sắm thiết bị cơ bản sửa chữa máy cày, máy kéo và trồng 10ha điều. Vừa làm, vừa truyền nghề cho 2 con trai, đến nay, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông để dành được khoảng 100 triệu đồng.
 
 
Ông Lê Minh Hải ở khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu) được Hội tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ vốn của ngân hàng NN&PTNT để mua 3 con bò về nuôi. Sau một năm đáo hạn, ông tiếp tục vay và mua thêm 3 con bò nữa để phát triển nhân giống đàn vật nuôi. Hai năm qua, mỗi năm ông bán được 3 con, mang lại nguồn thu nhập từ 50-60 triệu đồng.
 
 
Nắm bắt được nhu cầu của những hộ nông dân có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lớn, cần nguồn vốn lớn hơn (mức trên 200 triệu đồng/hộ), từ cuối năm 2017, Hội ND tỉnh phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt tạo điều kiện cho vay vốn đối với những hội viên có điều kiện, phương án sản xuất hiệu quả, có nguồn thu để trả nợ. Đến nay, ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã mở 3 chi nhánh tại các huyện: Tân Châu, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác phối hợp với Hội.
 
 
Hiện, dư nợ vay vốn ngân hàng Bưu điện Liên Việt đạt 154.198 triệu đồng, cho 690 hộ vay tại 246 tổ vay vốn. Qua đánh giá, chất lượng tín dụng tốt, chưa phát sinh nợ quá hạn. Đối với những mô hình được đánh giá sản xuất hiệu quả, hội viên có thể vay với số vốn rất cao. Điển hình là hội viên, nông dân thị trấn Dương Minh Châu đã được vay 7 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả.
 
 
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt còn hỗ trợ cho hội viên, nông dân trong tỉnh thực hiện chương trình phối hợp 1,728 tỷ đồng trong 5% số lãi thực thu nhằm hỗ trợ cán bộ các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ; trong đó, 93% chi cho Hội ND cơ sở để Hội ND cơ sở chủ động chi hoa hồng cho các tổ/ấp/khu phố theo khối lượng vay vốn. Ngoài ra, ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Hội trích từ 1-5% số lãi thực thu hàng năm để thực hiện công tác phối hợp giữa 2 ngành (sơ, tổng kết, khen thưởng, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm…).
 
 
Định kỳ vào tháng 11 hàng năm, hai ngành tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá lại kết quả thực hiện chương trình phối hợp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm tiếp theo. Năm 2019 tại hội nghị đã khen thưởng 19 tập thể, 08 cá nhân có thành tích thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm và tổ chức tham quan du lịch tại Thái Lan với tổng kinh phí trên 227 triệu đồng; năm 2020, đã khen thưởng 12 tập thể và 07 cá nhân.
 
 
Ông Trần Ðình Lân, ở khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu), được Hội tạo điều kiện cho vay 7 tỷ đồng từ ngân hàng Bưu điện Liên Việt để phát triển mô hình nuôi gia công khoảng 1.700 con lợn, kết hợp diện tích ao để nuôi gần 8.000 con cá tra, cá basa và vịt siêu thịt. Có vốn, ông mở rộng quy mô sản xuất, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao.
 
 
Hay ông Võ Ngọc Lành ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) được Hội tạo điều kiện cho vay 500 triệu đồng nguồn vốn của ngân hàng Bưu điện Liên Việt để trồng nấm rơm. Sau 01 năm đến kỳ đáo hạn, ông trả nợ cũ rồi vay tiếp 700 triệu đồng. Ðến nay, ông đã trả dứt nợ gốc cho ngân hàng. Từ nguồn vốn này, ông đã mở rộng sản xuất từ quy mô 1 ha lên 2 ha. Hiện, vườn nấm của gia đình ông cho thu hoạch bình quân  khoảng 3,5 tấn/tuần, cung cấp chủ yếu cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia. Trừ mọi chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 3-4 triệu đồng/ngày.
 
 
Thông qua các chương trình phối hợp đã góp phần đưa chính sách tín dụng trực tiếp đến gần với đời sống, sản xuất của hội viên, nông dân, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cánh đồng mẫu lớn, các tổ hợp tác. Chương trình tín dụng còn góp phần kiểm nghiệm các dự án sản xuất, kinh doanh trong thực tiễn; trong đó ngân hàng là người bảo vệ, cán bộ Hội là người phản biện còn nông dân là người kiểm nghiệm thông qua thực tế, đây là 3 khâu quan trọng nhất không thể thiếu trong một dự án.
Anh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Hiệu quả từ nuôi dê sinh sản