Gia Lai: Xây dựng mô hình qua các tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
15:22 - 26/07/2021
(Quỹ HTND)- Mười năm qua (2011-2020), các cấp Hội đã vận động tăng trưởng được 21,702 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn tỉnh lên 24,978 tỷ đồng, cho 1.747 hộ vay thực hiện 103 dự án nhóm hộ và hơn 800 phương án sản xuất kinh doanh. Nhiều mô hình, dự án xây dựng thông qua các tổ liên kết, tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Nhiều mô hình, dự án vay vốn Quỹ thông qua các tổ liên kết, tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao


Tiêu biểu như Hội ND huyện Ia Pa đã huy động hơn 1,8 tỷ đồng nguồn Quỹ HTND cho hội viên vay để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng các tổ Hội nghề nghiệp. Các mô hình kinh tế được ưu tiên phát triển gồm: Trồng mì cao sản, nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, trồng nấm, nuôi hươu lấy nhung, nuôi dê…
 
 
Cùng với đó, Hội ND huyện còn đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn Quỹ HTND cấp xã. Năm 2020, Hội đã vận động được 271 triệu đồng giúp 18 hội viên phát triển mô hình nuôi dê, lợn, trồng nấm và nuôi hươu.
 
 
Với 3 ha sắn (mì) cao sản, hộ anh Ksor Trim (buôn Tơ Khế, xã Ia Tul) được vay 10 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện đầu tư mua thêm cây giống và phân bón. Năm 2020, nhờ mì bán được giá, anh thu về 30 triệu đồng/ha.
 
 
Đầu năm 2020, hộ anh Nguyễn Hoàng Nam (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn) được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND cấp xã đầu tư sửa lại chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện trang trại nuôi hươu lấy nhung của anh có 21 con, trong đó 8 con hươu đực đang thời kỳ cho nhung. Hàng tháng, anh cung cấp ra thị trường 3-4 lạng nhung hươu với giá bán 3 triệu đồng/lạng; trừ mọi chi phí, anh thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
 
 
Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội ND huyện cũng đã giải ngân 570 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh cho 16 hộ dân tại xã Ia Ma Rơn vay để phát triển mô hình nuôi bò sinh sản (mức 20-40 triệu đồng/hộ) trong vòng 3 năm. Nhờ đó, tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản của xã được hình thành nhằm giúp các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau thoát nghèo. Điển hình như chị Rchâm Cúc (buôn Ma Rin 1) được vay 20 triệu đồng Quỹ HTND tỉnh mua 2 con bò sinh sản về nuôi; ông Nguyễn Văn Đỡ-Tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản xã Ia Ma Rơn nuôi 10 con bò lai; các hội viên khác nuôi từ 3-4 con bò/hộ.
 
 
Đồng thời, từ nguồn vốn 570 triệu đồng của Quỹ HTND huyện, Hội đã triển khai phân bổ đều cho các xã. Trong đó, 200 triệu đồng dành để triển khai mô hình nuôi bò sinh sản và vỗ béo; 100 triệu đồng hỗ trợ tổ Hội nghề nghiệp trồng mì cao sản buôn Tơ Khế (xã Ia Tul). Hội ND huyện đang tiến hành rà soát số hội viên có nhu cầu vay vốn tại 3 xã: Ia Broăi, Ia Tul, Ia Kdăm để giải ngân 270 triệu đồng còn lại.
 
 
Tại thành phố Pleiku, chị Trần Thị Kim Phúc (tổ 10, phường Ia Kring) được vay 15 triệu đồng từ Quỹ HTND phường mua 100 con gà giống và 20 con chim bồ câu giống về nuôi thử nghiệm. Vào dịp Tết Nguyên đán 2020, chị đã xuất chuồng gần 100 con gà thịt (cân nặng trung bình 1,8 kg/con), thu về hơn 20 triệu đồng. Từ kết quả khả quan này, chị vừa tiếp tục mua thêm 500 con gà giống về nuôi.
 
 
Tại huyện Ia Grai, các hộ Nguyễn Văn Tuyn, Nguyễn Văn Phiên, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thị Quỳnh, Trần Thị Hiền (thôn Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă) được vay 30 triệu đồng/hộ triển khai dự án trồng dâu nuôi tằm. Có vốn, các hộ đã trồng mới từ 4-6 sào dâu. Được Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang ký hợp đồng cung cấp giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm nên dự án phát triển thuận lợi. Sau 01 năm thực hiện mô hình, mỗi hộ đã có thu nhập trên 150 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Ia Bă, người dân các xã Ia Grăng, Ia Pếch, Ia Hrung, Ia Dêr... đã đến tham quan, học hỏi và làm theo.
 
 
Tại huyện Kông Chro, từ nguồn Quỹ HTND tỉnh và huyện, Hội ND huyện đã giải ngân cho 78 hộ hội viên, nông dân vay gần 800 triệu đồng. Trong đó, giải ngân 300 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 10 hội viên vay tham gia mô hình chăm sóc cây ăn quả tại xã Chư Krêy; 200 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND huyện cho 5 hội viên vay để triển khai dự án nuôi bò sinh sản ở thị trấn Kông Chro; gần 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND huyện cho 63 hộ hội viên vay để phát triển sản xuất.
 
 
Là 1 trong số 5 hộ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản ở thị trấn Kông Chro, chị Phạm Thị Luận (tổ dân phố Plei Hle Ktu) được vay 40 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị được cán bộ Hội ND huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh nên đàn bò sinh trưởng phát triển tốt. Hiện, đàn bò đang chuẩn bị đẻ lứa thứ 2.
 
 
Tương tự, gia đình chị Vũ Thị Của (thôn 10, xã Yang Trung) được vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư mua phân bón, thuê nhân công chăm sóc trồng 4 ha bí. Sau hơn 3 tháng trồng, bí cho thu hoạch. Nhờ vừa được mùa, được giá nên gia đình chị thu về hơn 230 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Dự kiến cuối năm 2021, gia đình chị sẽ hoàn trả được vốn vay.
 
 
Bên cạnh đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách từ nguồn ủy thác của ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Hội đạt 1.506.167 triệu đồng cho 43.899 hộ vay tại 1.033 Tổ TK&VV. Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ, tổng dư nợ của ngân hàng NN&PTNT đạt 2.318,7 tỷ đồng tại 754 Tổ Vay vốn với 22.797 hộ còn dư nợ.
 
 
Tiêu biểu như hộ ông Bring ở làng Đak Trok, xã Đak Yă, huyện Mang Yang được vay nguồn vốn ưu đãi 20 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi, kinh tế gia đình ông dần ổn định và thoát nghèo. Ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Đến nay, nhà ông có đàn bò và dê gần 10 con cùng 1 ha cà phê mang lại nguồn thu nhập ổn định.
 
 
Ông Thưp ở làng Kồ, xã Trang, huyện Đắk Đoa được tạo điều kiện vay 5 triệu đồng của ngân hàng CSXH huyện để mua 2 cặp bò sinh sản về nuôi. Sau 10 năm, đàn bò của ông tăng lên 26 con; ông đã bán 23 con bò để xây nhà, mua 1ha đất sản xuất và vay thêm 10 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư xây dựng chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu 5ha cà phê, 5 sào lúa, 2 cặp bò sinh sản và đàn lợn 5- 10 con. Mỗi năm, gia đình ông tích lũy được hơn 100 triệu đồng.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên, ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong sử dụng nguồn vốn. Đồng thời, Hội thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn; lựa chọn các mô hình để hỗ trợ vốn vay; lồng ghép đầu tư hỗ trợ vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác.
Nguyễn Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Hiệu quả từ nuôi dê sinh sản