Quỹ HTND Thanh Hóa: Hỗ trợ hơn 2.800 hội viên, nông dân vay vốn sản xuất
10:41 - 20/07/2021
(Quỹ HTND) Đến 31/5, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 58,788 tỷ đồng (tăng 697 triệu đồng so với cuối năm 2020). Trong đó: Nguồn vốn Trung ương ủy thác 16.800 triệu đồng, nguồn vốn cấp tỉnh 19.533 triệu đồng; nguồn vốn cấp huyện 22.455 triệu đồng.

Các dự án vay vốn nguồn Quỹ HTND đã góp phần cải thiện thu nhập cho hội viên, nông dân

Đã có 27/27 huyện, thị, thành phố xây dựng Quỹ HTND, cụ thể: 09 huyện đạt mức trên 01 tỷ đồng, 09 huyện đạt mức 500 triệu - 1 tỷ đồng và 09 huyện đạt mức dưới 500 triệu đồng. Có 07/27 huyện được Ngân sách cấp bổ sung 3,5 tỷ đồng cho Quỹ HTND. Bên cạnh đó, nhiều huyện nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền nên hàng năm đều tổ chức các cuộc vận động ủng hộ phát triển nguồn Quỹ HTND đạt kết quả cao, tiêu biểu như: Đông Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Thường Xuân,…
 

506/553 Hội ND xã thành lập Ban vận động và xây dựng được Quỹ HTND. Có 14 xã đạt mức trên 100 triệu đồng; 40 xã đạt mức 50-100 triệu đồng; 452 xã có mức dưới 50 triệu đồng. Điển hình như: Hội ND các xã Nga Phượng, Hải Hòa (thị trấn Nga Sơn); xã Yên Dương (huyện Hà Trung). Riêng huyện Nông Cống có 7 xã đạt mức vốn trên 100 triệu đồng/xã gồm: Thị trấn Chuối, Thăng Long, Vạn Hòa, Trường Sơn, Công Liêm, Tế Thắng, Vạn Thắng.
 

Thông qua việc đầu tư cho vay theo dự án Tổ Hợp tác, Hợp tác xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết phát triển hàng hóa tập trung, quy mô lớn; góp phần chuyển đổi nhận thức của hội viên, nông dân trong việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Sáu tháng đầu năm 2021, các cấp Hội đã thành lập mới 15 Tổ Hợp tác, 02 Hợp tác xã, 15 tổ Hội ND nghề nghiệp và 02 chi Hội ND nghề nghiệp.
 

Qua đánh giá, đa số các dự án vay vốn Quỹ HTND đều mang lại hiệu quả. Tiêu biểu như: Dự án “Nuôi gà siêu trứng” tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân đã xây dựng thành công Hợp tác xã nuôi gà sinh sản, đồng thời hướng tới việc xây dựng thương hiệu nhãn mác cho sản phẩm trứng gà của Hợp tác xã; dự án “Chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn đã góp phần xây dựng sản phẩm dê núi truyền thống của địa phương, tiến tới thành lập Hợp tác xã chăn nuôi dê của huyện; dự án “Trồng bưởi Luận Văn” đã góp phần khôi phục thành công giống bưởi tiến vua ở xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân; dự án “Trồng mía tím” ở xã Thành Trực đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho cây mía tím Kim Tân của huyện Thạch Thành; dự án “Sản xuất bánh gai Tứ Trụ” tại xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân góp phần đẩy mạnh thương hiệu bánh gai Tứ Trụ;…
 

Ngoài ra còn có các dự án ứng dụng công nghệ cao như: Dự án “Trồng rau quả chất lượng cao trong nhà lưới” tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn; “Trồng mít Thái” ở xã Thành Sơn, huyện Thạch Thành; “Nuôi ốc nhồi giống và thương phẩm” tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương; “Sản xuất và kinh doanh cá giống” tại xã Minh Tâm, huyện Thiệu Hóa; “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định... các dự án đã góp phần cải tạo, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất; các hộ vay vốn tích cực học hỏi kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật nên các dự án bước đầu đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ vốn sản xuất cho hội viên, nông dân, 26/27 huyện, thị, thành phố đã thực hiện việc tín chấp giúp cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến 31/5, dư nợ với Ngân hàng NN&PTNT qua tổ chức Hội quản lý đạt 8.473,9 tỷ đồng với 94.399 hộ vay thông 2.984 Tổ Vay vốn (tăng 291,4 tỷ đồng so với cuối năm 2020). Các đơn vị Hội thực hiện tốt gồm các huyện, thị: Triệu Sơn, Thạch Thành, Quảng Xương, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Thường Xuân, Bá Thước,...
 

Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH ủy thác cho 87.365 hộ vay 3.566,6 tỷ đồng thông qua 2.388 Tổ TK&VV (tăng 162 tỷ so với cuối năm 2020). Các đơn vị thực hiện tốt hoạt động ủy thác có các huyện, thị: Nghi Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thạch Thành...
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, Hội ND tỉnh đã ký Thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Thanh Hóa về việc thực hiện tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến 31/5, đã triển khai cho vay vốn ở 18 huyện, thị, thành với dư nợ đạt 120,578 tỷ đồng (tăng 36,3 tỷ đồng so với cuối năm 2020) thông qua 245 Tổ Vay vốn cho 910 thành viên vay.
 

Nhằm hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và đem lại hiệu quả cao, năm 2021, các cấp Hội phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 1.193 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 114.755 lượt hội viên, nông dân, trong đó có các hộ vay vốn Quỹ HTND; tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm, cách thức làm ăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hàng ngàn lượt nông dân tham gia.
 

Hội ND tỉnh phối hợp với Ban Kiểm soát Quỹ HTND tỉnh tổ chức kiểm tra 06 huyện, 12 xã về hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các Ngân hàng; chỉ đạo các huyện, xã tổ chức trên 800 cuộc kiểm tra hoạt động Quỹ HTND. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp với các Ngân hàng tổ chức trên 3.000 cuộc kiểm tra hoạt động tín chấp, nhận ủy thác vốn vay; qua đó đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục tại đơn vị.
 

Nhìn chung, nguồn vốn Quỹ HTND góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cải thiện đời sống cho người nông dân, tăng thu nhập, giảm nghèo; đồng thời, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
 

Linh Đan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường